Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự án Luật Tố tụng hành chính: Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết khiếu kiện hành chính

Việc xây dựng và ban hành Luật Tố tụng hành chính nhằm đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình - Ảnh Chinhphu.vn

Hôm nay (10/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính, do Tòa án Nhân dân Tối cao trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, khai mạc ngày 20/5 tới.

 Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất

Theo Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình, với tính chất phức tạp của các khiếu kiện hành chính, một bên là cá nhân, tổ chức, một bên là cơ quan hành chính nhà nước, việc xây dựng và ban hành Luật Tố tụng hành chính thay thế cho Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 là nhằm đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc ban hành Luật này nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 49/NQ-TW năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).

“Thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính cho thấy các quy định của Pháp lệnh hiện hành còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, mâu thuẫn với những quy định pháp luật khác... Bên cạnh đó, Pháp lệnh cũng chưa có quy định cụ thể về thi hành bản án hành chính dẫn đến quyết định, bản án của Tòa án không được thi hành hoặc thi hành không đầy đủ”, Chánh án Trương Hòa Bình nêu thực trạng.

Mở rộng quyền cho người dân

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp tán thành với nhiều nội dung được quy định trong dự án Luật như thời hiệu khởi kiện, điều kiện khởi kiện, thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính, thẩm quyền xét xử của Tòa án...

Một trong những vấn đề nổi cộm được nhiều đại biểu quan tâm là việc khởi kiện vụ án hành chính. Ủy ban Tư pháp cũng đồng ý với quan điểm cho rằng khi cá nhân, tổ chức không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện ra Tòa án, không đặt ra yêu cầu về việc cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hay lần thứ hai.

“Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng quyền khởi kiện tại Tòa án của tổ chức, cá nhân, bảo đảm quyền được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của công dân, phù hợp với xu hướng mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận - Ảnh Chinhphu.vn

TS. Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhấn mạnh, Viện Kiểm sát cần xác định rõ việc khiếu kiện giữa người dân và cơ quan nhà nước khi không đồng tình với cách giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước là vụ án hành chính, do đó phải kiểm sát quá trình tố tụng và tuân theo pháp luật của vụ án. Chẳng hạn, khi Tòa án không thụ lý vụ án thì Viện Kiểm sát phải xem việc không thụ lý đó đúng hay sai.

Quy định rõ để đảm bảo việc sửa sai

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, không nên đặt ra một cơ quan thi hành án hành chính mà nên quy định rõ cơ quan hoặc thủ trưởng cơ quan hành chính phải “sửa sai” khi có phán quyết của Tòa rằng quyết định hoặc hành vi hành chính đó là không đúng. Người đứng đầu phải thi hành vì trách nhiệm công vụ của mình, nếu không phải xử lý.

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ dự án Luật Tố tụng hành chính có đặc thù gì so với các luật khác, đối chiếu với những quy định pháp luật khác để xác định những điểm “vênh” giữa các bộ luật khiến các cơ quan tố tụng đang vướng hiện nay. Bởi đây là khiếu kiện giữa người dân và cơ quan nhà nước khi không đồng tình với cách giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước.

Ông Vượng bày tỏ: “Tôi chưa hình dung được việc một cán bộ thi hành án cấp huyện lại có thể buộc Chủ tịch huyện hoặc tỉnh ngày nọ ngày kia phải ban hành quyết định sửa sai theo phán quyết của Tòa án sẽ được thực hiện như thế nào”. Bên cạnh đó, thẩm phán cấp huyện có mấy ai dám xử ông chủ tịch huyện quyết định sai, cấp tỉnh cũng vậy. Bởi nhiều yếu tố ràng buộc khiến họ không “mạnh tay” mà chủ yếu là “đẩy” lên Tòa án cấp trên giải quyết.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho hay sẽ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan để hoàn chỉnh dự án Luật khi trình Quốc hội. Bên cạnh đó, sẽ đề xuất sửa một số luật có liên quan như Luật đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo... cho tương thích với dự án Luật này.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 tới đây. Với những góp ý của các cơ quan liên quan, Tòa án Nhân dân Tối cao cần tiếp thu, hoàn chỉnh để dự án Luật đảm bảo chất lượng, tiến độ.

(Theo Lê Sơn // Tin Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi