Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (bìa trái) đang trao đổi với các diễn giải tạo hội thảo hôm 15-7. Ảnh: Thu Hiền |
Chính phủ đã xác định ngành CNTT và công nghiệp phần mềm đóng vai trò quan trọng và là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế từ năm 2000. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm qua, lĩnh vực này vẫn còn ở mức sơ khai.
Ông Nguyễn Trọng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề CNTT iSpace cho biết tại Hội nghị Toàn cảnh Công nghệ Thông tin Việt Nam 2009 tại TPHCM hôm 15-7: đóng góp cho GDP của ngành CNTT và công nghiệp phần mềm mới chỉ đạt 0.5%, bằng khoảng 10% đóng góp của ngành vào loại nhỏ nhất trong những ngành kinh tế được định danh trong các số liệu của Tổng cục thống kê là ngành nhà hàng khách sạn.
“Rõ ràng ngành CNTT và công nghiệp phần mềm còn rất nhỏ bé do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có nguyên nhân là quy mô của các doanh nghiệp trong ngành còn nhỏ”, ông Trọng nói.
Hiện số vốn kinh doanh trung bình của doanh nghiệp trong ngành chỉ đạt trung bình 2 tỷ đồng. Về nhân sự thì số lượng doanh nghiệp nhỏ với số nhân lực ít hơn 10 người thì ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT có tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ cao nhất, khoảng trên 70%.
Còn theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, bức tranh chung của các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam là đông về số lượng nhưng “xấu đều và tự phát”. Chỉ có 5% trong số doanh nghiệp phần mềm, tương đương với khoảng 40 doanh nghiệp đang quyết định tới 95% tổng doanh thu phần mềm và dịch vụ, 95% doanh nghiệp còn lại chỉ đóng góp có 5% tổng doanh thu.
Theo ông Trọng, thị trường phần mềm và dịch vụ CNTT trong thời gian qua đã có những suy giảm nhất định. Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia mạnh trong lĩnh vực CNTT như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga…đang nỗ lực để giữ vững doanh số và gia tăng thị phần. Trong khi Việt Nam đang ra sức giữ những hợp đồng có giá trị chưa tới vài trăm triệu đô la, thì Philippines đã có doanh số gấp gần 10 lần con số đó trong vài năm trở lại đây.
Ông Trọng cũng nhận định thêm ngành này sẽ tiếp tục khó khăn do giá gia công phần mềm trên thế giới đang giảm mạnh. Một báo cáo gần đây của hãng Gartner (Mỹ) thực hiện vào cuối năm 2008 đối với 116 công ty ở Tây Âu cho thấy có 70% các công ty đều xem giá gia công là mối quan tâm hàng đầu trong mùa gia công 2009, tỷ lệ của mối quan tâm này tăng 17,5% so với năm 2007. Về giá gia công, Gartner dự đoán sẽ giảm từ 5% đến 20% trong năm 2009.
Những chỉ số lạc quan
Dù vị thế của ngành CNTT Việt Nam chưa cao, song có thể nói Việt Nam đã trở thành quốc gia có tên trên bản đồ CNTT thế giới. Trong báo cáo của ông Lê Trường Tùng, nguyên chủ tịch Hội tin học Việt Nam và hiện là Hiệu trưởng trường Đại học FPT, những chỉ số ngành CNTT của Việt Nam đã bắt đầu có một số biến chuyển đầy lạc quan.
Theo đó, tỷ lệ vi phạm bản quyền đã từng bước được cải thiện, dù vẫn giữ mức cao là 85% trong năm 2008. Các năm trước đó là từ 90 đến 95%. Điều đáng mừng là tỷ lệ vi phạm trong khối doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, sự vi phạm ở người tiêu dùng cá nhân đang tăng lên.
Về chỉ số toàn cầu hóa, năm 2009 là năm đầu tiên Việt Nam có tên trong bảng toàn cầu hóa với thứ hạng 127/ 156 nước với điểm số là 50,01/100. Chỉ số này do Viện nghiên cứu KOF Konjunkturschungsstelle (Thụy Sĩ) công bố.
Về chỉ số phát triển CNTT-TT do tổ chức Viễn thông Quốc Tế (ITU) tính và công bố năm 2009, Việt Nam xếp 92/154, tăng 15 bậc so với 5 năm trước và tăng 1,21 điểm. Tính trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam được xếp vào mức trung bình và chỉ cao hơn Campuchia.
Việt Nam cũng xếp thứ 102/154 nước trên thế giới với chi phí trung bình cho viễn thông-internet hàng tháng chiếm 11,9% thu nhập hàng tháng, trong khi đa số các nước khác chi phí dưới 3%. Điều này cho thấy thị trường viễn thông và CNTT Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển.
Về chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI) do World Economics Forum xếp hạng, năm 2009 Việt Nam đứng thứ 70/134, tăng 3 bậc so với năm 2008. Về chỉ số ứng dụng CNTT (ICT Use Index) tính theo tỷ lệ người dùng, Việt Nam đứng thứ 74/154 nước, tăng 31 bậc so với 5 năm trước. Chỉ tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động nhà nước xếp thứ 48/134 quốc gia. Trong khi đó, xếp hạng ứng dụng doanh nghiệp là 90/134 nước và cá nhân là 80/134 quốc gia.
(Theo Thu Hiền // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com