Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, trị giá 219 tỷ USD trong năm 2011 theo ước tính của Bloomberg, đang nóng lên từng ngày bởi cuộc đấu đá không khoan nhượng giữa Apple và Samsung ở khắp 4 châu lục. |
Apple vừa lĩnh thất bại trước Samsung trong một vụ kiện bằng sáng chế tại Nhật sau khi tòa án ở Tokyo tuyên bố sản phẩm của công ty Hàn Quốc không xâm phạm công nghệ của “quả táo”.
Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, phán quyết trên vừa được thẩm phán Tamotsu Shoji của tòa án quận Tokyo đưa ra ngày hôm nay (31/8). Theo phán quyết này, Apple, bên thua kiện, được yêu cầu trả toàn bộ án phí cho vụ kiện.
Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến pháp lý toàn cầu giữa hai hãng công nghệ khổng lồ xung quanh vấn đề bằng sáng chế trong các thiết bị di động.
Năm ngoái, Apple đâm đơn kiện Samsung lên tòa án ở Tokyo, cho rằng các sản phẩm Galaxy S, Galaxy Tab và Galaxy S II xâm phạm công nghệ đồng bộ hóa của mình và đòi bồi thường 100 triệu Yên, tương đương 1,3 triệu USD. Tuy nhiên, các cáo buộc của Apple về việc Samsung xâm phạm các công nghệ về đồng bộ hóa dữ liệu âm nhạc và video giữa các sản phẩm máy tính bảng và điện thoại thông minh với máy chủ đã bị tòa án Tokyo tuyên bố là không đúng sự thật.
“Thật khó để tin rằng những thiết bị này nằm trong phạm vi các công nghệ mà bên nguyên đơn nêu trong đơn kiện”, thẩm phán Shoji phát biểu.
Phản ứng trước phán quyết trên của tòa, giá cổ phiếu Samsung đã có lúc tăng 1,6% trong phiên giao dịch hôm 31/8 tại thị trường Seoul, sau khi giảm vào đầu ngày. Samsung hoan nghênh quyết định mà tòa án Tokyo đưa ra hôm nay, trong khi một phát ngôn viên của Apple được hỏi về vụ việc đã từ chối đưa ra bình luận.
Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, trị giá 219 tỷ USD trong năm 2011 theo ước tính của Bloomberg, đang nóng lên từng ngày bởi cuộc đấu đá không khoan nhượng giữa Apple và Samsung ở khắp 4 châu lục.
Trước khi tòa án Nhật tuyên bố thắng lợi cho công ty Hàn Quốc vào hôm nay, cách đây 1 tuần, Apple đã được tòa án Mỹ dành cho phần thắng. Trong vụ đó, Samsung phải nộp phạt cho Apple số tiền 1,05 tỷ USD do bị kết luận là xâm phạm 6 bằng sáng chế liên quan tới thiết bị di động của “quả táo”.
Song song với cuộc chiến nảy lửa này thì Apple và Samsung vẫn tiếp tục bị ràng buộc bởi các thỏa thuận thương mại về cung cấp linh kiện.
“Kết quả vụ kiện tại Nhật sẽ đem lại ưu thế cho Samsung. Họ đã thắng kiện ở một quốc gia có hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh. Thị trường sẽ có những cái nhìn tích cực về Samsung”, ông Kim Hyung Sik, nhà phân tích thuộc công ty chứng khoán Taurus Investment Securities ở Seoul, nhận xét.
Cũng cách đây 1 tuần, một toà án quận trung tâm Seoul ra phán quyết cấm cả Apple lẫn Samsung bán một số sản phẩm điện thoại và máy tính bảng ở Hàn Quốc do xâm phạm bằng sáng chế lẫn nhau.
Theo phán quyết này, Apple phải ngừng bán tại Hàn Quốc các sản phẩm iPhone 3GS, iPhone 4, iPad 1 và iPad 2, trong khi Samsung phải dừng bán 12 sản phẩm bao gồm Galaxy S, Galaxy S II và Galaxy Tab. Ngoài ra, Apple phải bồi thường cho Samsung 40 triệu Won (35.000 USD), còn công ty Hàn phải bồi thường cho đối thủ Mỹ 25 triệu Won vì xâm phạm bằng sáng chế.
Tại thị trường Mỹ, nơi Samsung đã bị cấm bán máy tính bảng Galaxy 10.1, Apple đang muốn tòa mở rộng lệnh cấm này sang 8 mẫu điện thoại thông minh của Samsung. Theo dự kiến, tòa án ở California sẽ ra quyết định về vụ này vào đầu tháng 12 năm nay.
Tại Australia, vào tháng 12 năm ngoái, tòa án tối cao nước này đã ban lệnh cấm bán tạm thời đối với chiếc Galaxy 10.1. Từ tháng trước, tòa án xứ chuột túi bắt đầu xem xét cáo buộc của Samsung cho rằng sản phẩm của Apple xâm phạm công nghệ của hãng về truyền dẫn không dây. Tòa án Australia hiện cũng đang xem xét đơn kiện của Apple cáo buộc điện thoại và máy tính bảng của Samsung xâm phạm bắng sáng chế các công nghệ về màn hình cảm ứng.
Quý 2 vừa qua, Samsung tiếp tục giữ ngôi vị hãng điện thoại thông minh lớn nhất thế giới về doanh số, chiếm 35% thị phần toàn cầu - theo số liệu mà hãng nghiên cứu Strategy Analytics đưa ra hồi tháng 7. Apple hiện chiếm vị trí thứ hai trên thị trường này với thị phần vào khoảng 18%.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com