Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đi tìm chất cho nhân lực công nghệ cao

Việc đào tạo nặng tính lý thuyết khiến cho các doanh nghiệp công nghệ cao hiện rất khó tuyển dụng nhân sự do “không có người để tuyển dụng”. (Ảnh chụp tại nhà máy Nidec ở khu Công nghệ cao TPHCM). Ảnh: Lê Toàn.

Đã có nhiều nỗ lực từ các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cũng như cơ quan chức năng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ cao từ nhiều năm qua. Thế nhưng, theo các bên thì vẫn còn nhiều khúc mắc để tạo được “cái gốc” vững chắc cho một ngành đang thu hút nhiều sự quan tâm của các công ty đa quốc gia…


Cuối tháng Bảy vừa qua, cuộc tọa đàm dài khoảng ba tiếng đồng hồ bàn về thực trạng và giải pháp trong việc đào tạo nhân lực ngành công nghệ cao – thuộc Chương trình “Nhất nghệ tinh” do Saigon Times Foundation phối hợp với TBKTSG, báo Tuổi Trẻ và báo Giáo Dục TPHCM thực hiện – đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều đơn vị, từ đơn vị sử dụng lao động (doanh nghiệp), đào tạo lao động (cơ sở đào tạo), trung gian (trung tâm giới thiệu việc làm) đến các cơ quan chức năng (Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM).


Thực trạng
 

Theo bà Lê Thị Thanh Mỹ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), trong bốn năm đại học sinh viên thường học hai năm về lý thuyết và hai năm chuyên về thực hành, chủ yếu là những kiến thức nền tảng.


Tuy nhiên, bà Thanh Mỹ cho biết, theo các doanh nghiệp hoạt động trong SHTP (chủ yếu là các tập đoàn đa quốc gia) thì “vấn đề là ở chỗ nếu đã gọi là nền tảng, thì sau khi quên hết phải còn đọng lại ít nhất cái gì đó cơ bản nhất”.


“Trường thì dạy nhiều kiến thức nhưng sinh viên lại không biết chỗ nào là trọng tâm, là cơ bản để mà nắm bắt,” bà Thanh Mỹ nói.


Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty Robert Bosch Việt Nam  – có trụ sở ở Đức, chuyên về các thiết bị cầm tay và thiết bị tự động – cho biết hiện công ty ông đang cố gắng đến năm 2011 tuyển dụng khoảng 110 công nhân có tay nghề cao, chuyên viên, kỹ sư và chuyên gia cho dự án nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ cao (vốn đầu tư 55 triệu euro) sẽ hoạt động ở Long An vào năm tới.


Con số này sẽ là 800 vào năm 2016. Tuy nhiên, theo ông Huệ việc tuyển dụng không đơn giản vì “không có người để tuyển dụng”. Lý do ông Huệ đưa ra là quá trình đào tạo ở Việt Nam còn nặng tính lý thuyết và thiếu tính thực tế. “Công ty dự kiến phải chi khoảng 30.000-40.000 đô-la Mỹ để đào tạo bổ sung cho những sinh viên này mới có thể sử dụng được. Và đây là một khoản chi phí đáng kể,” ông Huệ nói.

 

Trích lợi nhuận cho đào tạo

Ông Lê Hoài Quốc, Phó giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM, cho biết theo luật hiện hành, các doanh nghiệp có quyền trích 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đào tạo và phần trích này được trừ vào phần thuế doanh nghiệp nộp cho nhà nước. Tuy vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa biết điều này hoặc biết nhưng chưa quan tâm. Ông Quốc cho rằng nếu việc này được chú ý thì vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghệ cao sẽ được giải quyết đáng kể.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng Khoa Điện-Điện tử thuộc Đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết ông đồng ý rằng bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn sử dụng nhân lực ngay khi vừa tuyển dụng để tiết kiệm chi phí đào tạo bổ sung, nhưng ông cũng cho rằng thật khó để mà đưa ra các chương trình đào tạo hay môn học cụ thể, phù hợp với từng doanh nghiệp cụ thể.


“Ví dụ như Intel chẳng hạn, họ có kế hoạch tuyển hàng ngàn kỹ sư nhưng liệu các sinh viên có chỉ học những môn học để chỉ ra làm việc cho Intel hay không,” ông nói.


Trên thực tế, nhà trường chỉ trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng và không đủ sức lực để làm với từng doanh nghiệp trong việc đào tạo thêm công nghệ xuyên suốt qua các năm.


Đồng tình với ông Phúc, ông Lê Xuân Lâm, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, nói: “Tôi đồng ý với ông Phúc rằng, các trường chỉ có thể đào tạo kiến thức cơ bản, còn việc đào tạo ra một đội ngũ thường xuyên tiếp nhận và triển khai các công nghệ mới thì thật là khó vì vấn đề kinh phí”.


Từng làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia ở nước ngoài, ông Lưu Nguyễn Nam Hải, Phó trưởng Phòng Khoa học - Công nghệ thuộc Đại học Tôn Đức Thắng, cho biết bên cạnh chuyện học nặng về lý thuyết mà chỉ sử dụng rất ít trong thực tế thì vấn đề nhức nhối không kém là trình độ ngoại ngữ của sinh viên ngành công nghệ cao thường rất yếu.


“Hiện nay nhiều dự án đầu tư nước ngoài liên quan đến công nghệ cao được cấp phép 2-3 năm trước sắp đi vào hoạt động và theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất TP.HCM (HEPZA), ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong các khu này xin phép mở rộng sang lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Đây thực sự là cơ hội lớn cho nguồn nhân lực công nghệ cao Việt Nam, tuy nhiên điều cản trở lại nằm ở kỹ năng tiếng Anh, tiếng Nhật và ngoại ngữ nói chung,” ông Hải nói.

Giải pháp

Theo ông Lê Hoài Quốc, Phó giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM, việc liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp không chỉ nhờ vào nỗ lực của riêng những nơi này là được. “Chúng ta cần cơ chế và chính sách từ Chính phủ,” ông nói. “Chúng ta đã nhìn ra nguyên nhân, nhìn ra chỗ yếu và vì vậy nên xúc tiến các giải pháp.”


Ông nói thêm các giải pháp đưa ra không khó thực hiện. “Nên có độ mở cho việc đào tạo, hay cụ thể hơn là tạo dựng tính tự trị đại học – rất phổ biến ở nước ngoài. Nếu không tự trị về tài chính thì không làm gì được. Tôi biết có nhiều cơ sở đào tạo hằng năm đều lập chiến lược nhưng không thực hiện được vì không có kinh phí.”


Một giải pháp nữa ông Quốc đề cập đến là Chính phủ nên có cơ chế, chính sách thoáng cho mối liên kết này bằng cách cho phép trường đại học đào tạo cơ bản (còn gọi là đào tạo phần cứng) và các doanh nghiệp gửi nhu cầu đến các trường (đào tạo phần mềm).


Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cũng đã thử đưa ra các mô hình cụ thể hóa các mối liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Trong đó, hai  mô hình được chú ý hơn cả là liên kết thành lập một trung tâm đào tạo chung bên cạnh chương trình chung của Bộ Giáo dục-Đào tạo và chú trọng “đào tạo phần mềm” nhiều hơn theo các đơn đặt hàng của doanh nghiệp.


Về mô hình thứ hai, theo bà Cao Thị Nhung, chuyên viên nghiên cứu của Công ty Việc Làm Bank, hiện nay nhu cầu và việc cung ứng lao động trong ngành công nghệ cao chưa thể “gặp nhau”. “Trên thực tế các doanh nghiệp luôn có nhu cầu về nhân lực trong một thời gian dài chứ không phải là ngày một ngày hai. Vậy tại sao, ngay từ đầu họ không liên hệ với các trường để tạo kết nối,” bà nói, “Hoặc giả các trường cũng có thể tự tìm hiểu và đặt vấn đề với các doanh nghiệp trong việc đào tạo theo nhu cầu của họ.”


Ông Nam Hải cho rằng hiện nay trong chương trình đào tạo, việc “đào tạo phần cứng” chiếm 2/3 thời gian trong khi “đào tạo phần mềm” là 1/3. Trong “đào tạo phần cứng” các trường có thể cập nhật những thông tin mới của ngành công nghệ cao vào chương trình giảng dạy, cải cách, đổi mới một số chương trình trong khả năng và trang bị thêm thiết bị mới; trong khi “đào tạo phần mềm” thì có thể bổ sung các môn học tự chọn cho sinh viên và cách tốt nhất là theo đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp. Ông Phúc và ông Lâm cũng đồng tình với ý kiến nói trên và cho rằng hiện các trường đang dành năm cuối cho các môn học tự chọn và kêu gọi các doanh nghiệp có thể đưa thêm một số môn vào.


Trong khi đó, bà Thanh Mỹ cho biết SHTP có trung tâm đào tạo của riêng mình để đào tạo nhân lực công nghệ cao theo nhu cầu của các doanh nghiệp trong khu. Bà cho biết hiện Malaysia đã thành lập các trung tâm gọi là Skill Development Center (Trung tâm Phát triển kỹ năng) do các doanh nghiệp tài trợ. “Chúng tôi muốn làm một trung tâm như thế để giải quyết các vấn đề nhân lực về lâu về dài,” bà nói.


Ông Nam Hải đưa ra một mô hình cũng đáng chú ý là kéo dài thời gian thực hành của sinh viên tại các doanh nghiệp và điểm số của một số học phần thực hiện tại các doanh nghiệp được đưa vào tổng số điểm chung của sinh viên.


“Phần thực tập của sinh viên tại các công ty cũng nên được thực hiện xen kẽ giữa các năm. Có thể sinh viên sẽ phải trả thêm học phí nhưng bù lại họ sẽ học được nhiều kỹ năng thực tế”.

(Theo Trung Châu // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Công nghệ thông tin: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?
  • Máy tính cá nhân bị “thất sủng”
  • Thị trường ứng dụng di động Việt, bắt đầu một cuộc đua?
  • Khi công nghệ tiến sâu vào địa hạt thời trang
  • “Bộ không can thiệp nhà mạng tăng giá cước 3G”
  • Dịch vụ công nghệ thông tin: Cần tháo gỡ “rào cản” để phát triển
  • Facebook mở rộng dịch vụ
  • Robot thông minh sẽ hủy diệt thế giới?
  • Công bố kết quả khảo sát công nghiệp phần mềm Việt Nam
  • Apple: Google Voice làm thay đổi iPhone
  • Trung Quốc “sốt” chợ điện tử
  • Chưa tận dụng được lợi thế
  • Nhân lực công nghệ thông tin: Bao giờ hết thiếu và yếu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị