Với cuộc “đại hạ giá” cước lần này của các đại gia, thị trường viễn thông di động Việt Nam đứng trước một bước ngoặt mới. Sẽ có những cuộc sáp nhập hay thôn tính…
Trong 10 năm kể từ khi mạng di động đầu tiên ra đời (MobiFone - 1993), người dùng ĐTDĐ chỉ được hưởng đúng 9 lần giảm cước. Và sau “Cuộc cách mạng” của các chiến dịch giảm cước - được các nhà mạng thực hiện năm 2004, giám đốc một doanh nghiệp viễn thông đã khẳng định: “Sau cuộc cách mạng này, rất khó để có thể tiếp tục giảm cước mà chỉ còn cách nâng cao dịch vụ để cạnh tranh”. Có lẽ chính vị giám đốc này cũng không hình dung được sự phát triển của thị trường viễn thông.
Tam anh khai chiến
Không còn là một cuộc đua dằng dai bằng cách liên tục thực hiện các cuộc giảm cước với mỗi lần giảm vài phần trăm. Từ đầu tháng 6/2009, 3 ông lớn của thị trường di động Việt Nam hiện nay là Viettel, MobiFone và VinaPhone tiếp tục tạo ra sức ép “dẫn dắt” thị trường đi theo hướng có lợi cho mình. “Phát súng” đầu tiên do Viettel nổ với việc từ 1/6 chính thức áp dụng giá cước dịch vụ điện thoại di động mới, với mức giảm từ tối đa là 30% so với mức giá cũ. Không chịu lép vế, chỉ vài ngày sau công bố của Viettel, cả MobiFone và VinaPhone cùng công bố chương trình giảm cước với mức giảm cũng “khủng” không kém: 30%. Và với mức giảm này, lần đầu tiên trong lịch sử, thuê bao của 2 mạng này được hưởng niềm vui trả cước thấp hơn so với cước của Viettel. Cho dù mức thấp hơn ấy cũng chỉ là 10 đồng/1 phút ở các gói cước tương tự như nhau. Có thể với những khách hàng “khó tính”, niềm vui này không quá lớn. Nhưng với “hai anh em” nhà VNPT, việc chỉ bỏ ra trung bình 10 đồng/phút để đoạt được danh xưng “Mạng di động rẻ nhất Việt Nam” của Viettel quả là quá rẻ.
Mặc dù các nhà mạng này đều công nhận việc dùng chiêu giảm giá cước để cạnh tranh là chiến lược không bền vững, thế nhưng tại sao các doanh nghiệp vẫn chọn cách này? Câu trả lời có lẽ rất đơn giản: Hút thuê bao mới. Bản thân lãnh đạo Viettel Telecom, khi công bố giảm cước, cũng thừa nhận rằng, với việc giảm cước này, doanh thu của Viettel có thể giảm từ 3 - 5% trong tháng đầu. Nhưng đổi lại, việc giảm cước sẽ giúp Viettel mở rộng thuê bao, kích thích người dùng gọi nhiều lên và dự kiến sẽ thu hút được thêm khoảng 30 triệu thuê bao trong 2 - 3 năm tới. Còn ông Lê Ngọc Minh - GĐ MobiFone thì khẳng định, với chương trình giảm cước lớn nhất này, MobiFone sẽ có thêm được 5 triệu khách hàng từ nay đến cuối năm, đưa tổng số thuê bao trên mạng đạt 40 triệu thuê bao vào cuối năm 2009. “Chương trình giảm cước này của MobiFone giúp cho bảng giá cước của chúng tôi trở nên “rất cạnh tranh” trên thị trường di động. Lúc này, khi mức cước như nhau, sức mạnh cạnh tranh sẽ nằm ở chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng” - Ông Minh khẳng định.
Mạng nhỏ “theo lao”
Sau “đòn phủ đầu” của 3 ông lớn, các chuyên gia cho rằng sẽ có một bước ngoặt mới cho thị trường di động Việt Nam. So với trước đây, sức ép từ 3 ông lớn này đối với các mạng di động còn lại (hoặc mới ra như Vietnamobile, hoặc ra đã lâu nhưng thị phần còn nhỏ như S-Fone hay EVN telecom) đã gia tăng lên rất nhiều, khi mà “võ” gần như duy nhất của các mạng này để thu hút thuê bao mới là áp dụng giá cước thấp đã không còn là ưu thế. Tuyên bố giảm cước của các ông lớn này khiến cho các mạng nhỏ “choáng váng”, thậm chí phải xây dựng lại chiến lược kinh doanh thời gian tới của mình.
Trả lời câu hỏi của Doanh Nhân về phản ứng của Vietnamobile, ông Nguyễn Xuân Quân - Phó Tổng Điều Hành Trung tâm thông tin di động Vietnamobile cho biết, nhà mạng này không chủ trương cạnh tranh với các mạng di động khác bằng giá thấp mà thu hút khách hàng bằng chất lượng dịch vụ, các dịch vụ giá trị gia tăng cũng như các gói cước nhỏ, đa dạng trên cơ sở nghiên cứu kỹ nhu cầu của nhóm khách hàng. Thế nhưng, cũng chính ông Quân cho biết: Từ ngày 10/6/2009, Vietnamobile chính thức có chương trình giảm giá cước đầu tiên sau hai tháng ra mắt. Với chương trình giảm giá lần này, giá cước của Vietnamobile vẫn thấp hơn 6% so với mức cước trung bình của các mạng di động khác. Còn ông Hồ Hồng Sơn - Giám Đốc Điều Hành Trung tâm ĐTDĐ CDMA S-Telecom thì nhấn mạnh rằng: “Vấn đề giá cước trên thị trường viễn thông là bài toán tổng hợp giữa các yếu tố giá cước, gói cước và khuyến mãi. Và chỉ khi đứng trên quan điểm xem xét bài toán tổng hợp này với chất lượng dịch vụ thì mới có thể xác định đầy đủ và chính xác quyền lợi mà người tiêu dùng nhận được. Theo đó, chúng tôi cho rằng không nên quá ủng hộ cho một động thái đơn thuần là giảm giá cước. Để thực sự mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng, việc điều chỉnh giảm giá cước rất cần song hành với đảm bảo chất lượng dịch vụ”. Thế nhưng, ông Sơn cũng thừa nhận rằng: “S-Fone chắc chắn sẽ phải tuân theo quy luật và xu hướng chung của thị trường. Chúng tôi sẽ phải xem xét và có hành động để đảm bảo quyền lợi của các thuê bao 095 tối thiểu phải bằng hoặc tốt hơn khi các doanh nghiệp GSM giảm giá”.
Rõ ràng, việc giảm giá cước để cạnh tranh có thể không phải là chiến lược bền vững nhưng lại là giải pháp hữu hiệu nhất của các nhà mạng.
Liệu Lã Bố có xuất hiện?
Lúc này, câu hỏi được đặt ra là nếu giảm cước nữa, thì bài toán đầu tư và giá thành mạng lưới mới xây dựng sẽ khiến các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi vốn, kinh doanh có lãi. Đó là chưa nói đến khả năng phải “đóng cửa” như HT trước đây. Một bài toán quá khó với các mạng nhỏ!
Nếu tính cả Gtel Mobile (liên doanh giữa tập đoàn VimpelCom của Nga và một doanh nghiệp thuộc Bộ Công an) hay mạng mới của VTC và Đông Dương Telecom (đã được cấp phép cung cấp dịch vụ thông tin di động không cần cấp tần số) thì thị trường Việt Nam sẽ có tới 9 nhà khai thác di động. Trong khi đó, tại hội nghị về hạ tầng viễn thông cuối tháng 5/2009, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, về lâu dài với sự điều chỉnh về quy hoạch, cũng như điều tiết của thị trường, chắc chắn sẽ có sự “sáp nhập” hoặc “thôn tính” giữa các mạng di động trên thị trường Việt Nam hiện nay. Con số tối ưu để phát triển là 2 - 4 mạng để tập trung được sức mạnh về đầu tư, hạ tầng, nguồn lực con người cho sự phát triển cũng như cạnh tranh bền vững, nhất là khi có sự tham gia của các nhà đầu tư, tập đoàn viễn thông nước ngoài.
Sau cuộc “đại hạ giá” cước lần này, dự báo những mạng không đủ điều kiện cạnh tranh và phát triển sẽ sáp nhập lại với nhau hoặc sẽ sáp nhập vào các mạng lớn để tiếp tục tồn tại và phát triển với tên gọi khác; hoặc bị chính các mạng lớn thôn tính?... Mặc dù đại diện các mạng nhỏ đều khẳng định sẽ cố gắng để bảo đảm quyền lợi khách hàng như những mạng lớn. Nghĩa là chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng, nhưng khi được hỏi: Liệu sẽ có những cuộc sáp nhập? thì câu trả lời là: Không bình luận! Như vậy, bản thân chính các mạng nhỏ cũng không chắc chắn về việc có hay không khả năng phải sáp nhập với các mạng khác để trở thành một Lã Bố - có đủ lực tham gia cuộc cạnh tranh với ba mạng lớn chiếm thị phần khống chế là Viettel, MobiFone và VinaPhone. Trong khi đó, một số chuyên gia viễn thông đã nhận định rằng, khả năng này có thể xảy ra và không phải chờ quá lâu nữa.
(Theo Thanh Duy // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com