|
Việt Nam đã vươn từ vị trí 61 lên 56 về chỉ số cạnh tranh công nghệ thông tin toàn cầu năm 2009.
Kết quả trên vừa được Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) công bố ngày 6/10, tại Hà Nội.
Đây là năm thứ ba BSA công bố kết quả xếp hạng chỉ số cạnh tranh công nghệ thông tin toàn cầu, được nghiên cứu bởi Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU).
Cũng như năm 2007 và 2008, top 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong tổng số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, điều tra) đứng đầu về chỉ số cạnh tranh công nghệ thông tin vẫn gần như đều nằm trong top 20 nước dẫn đầu trong năm 2009. Mỹ là quốc gia xếp vị trí số 1, tiếp theo là Phần Lan, Thụy Điển, Canada…
Các tiêu chí để xếp hạng gồm 6 chỉ số: môi trường kinh doanh, nghiên cứu và phát triển, môi trường pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn nhân lực. Năm nay có thêm tiêu chí mới là mức thâm nhập của điện thoại di động.
Trong bảng xếp hạng về Chỉ số cạnh tranh Công nghệ thông tin toàn cầu năm 2009, một số nước và vùng lãnh thổ có mức tụt hạng lớn nhất như: Hàn Quốc giảm từ thứ 8 xuống thứ 16, Đài Loan từ thứ 2 xuống 15 - chủ yếu là do tụt điểm xếp hạng về môi trường nghiên cứu và phát triển. Phần Lan là nước có mức tăng nhiều nhất từ thứ 13 lên thứ 2 nhờ sự tăng điểm về chỉ tiêu môi trường kinh doanh, hạ tầng công nghệ thông tin.
Ông Atty Claro Parlade, Giám đốc phụ trách Chính sách phần mềm của BSA Khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia châu Á Thái Bình Dương (cùng với Trung Quốc và Ấn Độ) thăng hạng và tăng mạnh, tới 5 bậc trong bảng xếp hạng về Chỉ số cạnh tranh Công nghệ thông tin toàn cầu năm nay.
Trong đó, có rất nhiều chỉ tiêu để xác định chỉ số cạnh tranh của Việt Nam năm nay đều tăng so với năm ngoái, như: hạ tầng công nghệ thông tin tăng từ vị trí 61 lên 52, chỉ số nghiên cứu và phát triển tăng từ 61 lên 51, môi trường pháp lý từ 59 lên 53, hỗ trợ phát triển ngành từ 57 lên 51; riêng chỉ số nguồn vốn, nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam năm nay giảm hai bậc từ 56 xuống 58; chỉ số môi trường kinh doanh giữ như năm 2008, ở vị trí thứ 59.
Theo ông Atty Claro Parlade, việc chỉ số cạnh tranh công nghệ thông tin của Việt Nam tăng thêm 5 bậc là nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao; đồng thời, nhờ những chính sách của Chính phủ cho cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin, hỗ trợ và đầu tư, nghiên cứu và phát triển cho công nghệ thông tin.
Đặc biệt, đề án phát triển công nghệ thông tin quốc gia thành nước mạnh về công nghệ thông tin, đẩy mạnh chính sách Chính phủ điện tử cũng là một trong những nhân tố giúp các chỉ tiêu về công nghệ thông tin tăng trưởng khá nhanh.
Để cải thiện năng lực cạnh tranh công nghệ thông tin trong thời gian tới, EIU cho rằng Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho đào tạo nhân lực công nghệ thông tin bậc cao, tăng đầu tư cho phát minh và sáng chế, đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ.
(Theo Mạnh Chung // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com