Trong năm 2008, thế giới đã chứng kiến hàng loạt cuộc khủng hoảng lớn như giá dầu dao động bất thường, khủng hoảng lương thực, tài chính, suy thoái kinh tế, các thảm họa thiên nhiên và môi trường ngày càng suy yếu.
Các cuộc khủng hoảng này cùng với tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững và chiếm vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của hầu hết các cuộc họp cấp cao trong năm 2008, từ Diễn đàn
Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển G-8 tại Hokkaido (Nhật Bản), Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 7 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và gần đây nhất là Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 14 (COP 14) tại thành phố Poznan (Ba Lan).
Tăng nghèo đói và nguy cơ xung đột
Trong năm qua, tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến theo chiều hướng rất đáng lo ngại với việc xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng khí hậu cực đoan trong khi các tảng băng ở Nam cực tiếp tục tan chảy với tốc độ chóng mặt.
Biến đổi khí hậu khiến thiên tai xảy ra thường xuyên, khó dự đoán và thiệt hại lớn hơn. Điều này đã được thể hiện rõ trong năm 2008 khi Trái Đất phải hứng chịu vô số thiên tai nghiêm trọng, từ trận bão tuyết làm tê liệt miền Nam Trung Quốc hồi đầu năm, bão Erin đổ bộ vào bang Texas (Mỹ), bão Felix ở Trung Mỹ và cơn lốc xoáy Nargis gây ra lũ lụt kinh hoàng cướp đi sinh mạng của hơn 130.000 người dân Myanmar.
Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, số vụ thiên tai trên thế giới đã tăng gấp bốn lần trong hai thập kỷ qua, từ 120 vụ/năm vào những năm 1980 lên tới khoảng 500 vụ/năm hiện nay.
Không chỉ tăng về số lượng và cường độ, các trận thiên tai cũng tăng cả về sức tàn phá và tính bất thường. Nghiên cứu của Liên hợp quốc kết luận nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu do hiện tượng Trái Đất ấm dần lên.
Về lâu dài, biến đổi khí hậu còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác như thiếu nước ngọt, gây tổn hại kinh tế, suy giảm điều kiện sống, phá hủy môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và mực nước biển dâng cao.
Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc cho biết biến đổi khí hậu không chỉ cướp đi sinh kế của hàng triệu người dân mà còn tác động mạnh tới nguồn cung cấp lương thực toàn cầu, khiến số người nghèo đói gia tăng.
Theo ước tính của tổ chức này, tình trạng biến đổi thời tiết có thể làm tăng số người nghèo đói trên thế giới lên khoảng 925 triệu người, so với 850 triệu người của năm ngoái. Hiện khoảng 37 quốc gia đang phải đối mặt với khủng hoảng lương thực và nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì sẽ trở thành nguyên nhân dẫn tới các vụ xung đột và căng thẳng xã hội.
Các chuyên gia cho rằng các vụ bạo loạn và biểu tình xuất phát từ tình trạng nghèo đói sẽ nổ ra trước tiên tại Mỹ Latinh, sau đó lan sang châu Phi và khu vực Đông Nam Á. Nguyên do là vì các quốc gia đang phát triển ít có khả năng ứng phó hơn với tình trạng biến đối khí hậu và người nghèo chịu tác động nhiều hơn so với người giàu.
Truy tìm "thủ phạm"
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), các hoạt động của con người là nguyên nhân gây nên sự biến đổi khí hậu.
Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp những năm 70 của thế kỷ trước, các hoạt động của con người mà đặc biệt là việc các nước phát triển tiêu thụ "vô tội vạ" năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã làm sản sinh ra một lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tác động nghiêm trọng đến hệ thống khí hậu và hệ sinh thái của Trái Đất, đe dọa trực tiếp sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người.
Các nhà khoa học ước tính đến năm 2020, Trái đất sẽ phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt "ngân quỹ cácbon" vì hiện lượng khí CO2 trong khí quyển đã gần chạm tới ngưỡng giới hạn cho phép.
Nếu tính theo tỷ lệ phát thải khí nhà kính, các nước phát triển "đóng góp" một phần đáng kể trong tổng lượng khí CO2 thải vào khí quyển hàng năm.
Thống kê cho thấy những nước thải nhiều khí CO2 nhất hiện nay là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, nhưng nếu tính theo lượng khí phát thải bình quân đầu người thì chỉ số của Mỹ và EU cao hơn của Trung Quốc từ 7 - 8 lần.
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường
Hiện nay, mặc dù chính phủ các nước ý thức rất rõ những tác động đối với môi trường của việc tiêu thụ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên quá mức song không dễ gì có thể tìm được lời giải cho bài toán cân đối giữa bảo vệ môi trường và duy trì phát triển, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu hiện nay đang tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới.
Phát biểu với báo giới tại Hội nghị COP 14 được tổ chức tại Ba Lan từ ngày 1-12/12 vừa qua, người đứng đầu Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, ông Yvo de Boer, cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ tác động phần nào tới những nỗ lực đảm bảo phát triển bền vững khi mà các chính phủ và tổ chức quốc tế khó có thể tìm đủ nguồn kinh phí thực hiện các dự án xanh, chưa kể việc một số nước, do khó khăn về tài chính, buộc phải quay sang sử dụng các nguồn năng lượng "bẩn và rẻ".
Để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và đảm bảo sự phát triển bền vững, rất cần sự nỗ lực và hợp tác của tất cả các chính phủ nhằm đạt được sự phát triển hài hòa và cùng có lợi.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến dài hơi và tốn kém này, các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đang được kêu gọi giữ vai trò "đầu tàu" giúp đỡ các nước đang phát triển nâng cao khả năng thích ứng với sự biến đổi khí hậu. Đây cũng là nội dung đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra trong bài phát biểu tại cuộc họp cấp cao Hội nghị Liên hợp quốc về biến đối khí hậu ở Ba Lan.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Hokkaido và Hội nghị Á-Âu lần thứ 7 ở Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo cũng cho rằng các nền kinh tế chủ chốt cần phải tăng cường cam kết và hành động để ngăn chặn tình trạng ấm nóng toàn cầu, dựa trên nguyên tắc "trách nhiệm chung nhưng có phân chia và theo năng lực".
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng khẳng định sự phát triển bền vững có liên quan tới hiện tại và tương lai của loài người, tới sự tồn tại và phát triển của các dân tộc, tới hòa bình và thịnh vượng của thế giới. Vì vậy, trong khi thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, tất cả các nước cũng cần phải quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, có tính đến việc đảm bảo quyền lợi của các thế hệ tương lai./.