Không ít người cho rằng, sáng kiến của Trần Thị Vân Anh khó thành công bởi trước đó đã có rất nhiều nhà nghiên cứu của Hàn Quốc, Đức, Nhật và Việt Nam thử nghiệm nhưng đều không đạt hiệu quả do chưng cất dầu nhờn thải dưới áp suất cao, các hạt tạp chất cháy thành cacbon, dầu bị đổi màu và khét.
Ngoài ra các thí nghiệm trên còn gây nguy hiểm, dễ cháy nổ, tiêu tốn nguyên liệu, phát sinh nhiều nhân lực, làm ảnh hưởng đến môi trường do hóa chất khử màu, khử mùi và nước thải sử dụng khi tách dầu. Sản phẩm làm ra chất lượng không cao, còn nhiều hàm lượng lưu huỳnh, cácbon, khi sử dụng ảnh hưởng lớn đến môi trường...
Từ những nghiên cứu còn hạn chế của người đi trước, Trần Thị Vân Anh tìm ra biện pháp mới, chế biến dầu nhờn thải thành dầu DO bằng phương pháp chưng áp suất thấp. Dầu nhờn thải đã qua sử dụng được lắng qua bể lọc sơ bộ, sau đó được chưng cất ở nhiệt độ từ 300-350°C và duy trì áp suất từ - 0,2 đến - 0,5kg/cm2nhằm giảm nhiệt độ, tránh cháy nổ, tiết kiệm nhiên liệu, giảm khả năng oxy hoá sâu của dầu. Sau đó hơi dầu được hút sang tháp ngưng tụ làm lạnh bằng nước và xử lý qua các công thức lọc riêng đến khi cho ra đời sản phẩm dầu đảm bảo chất lượng.
Với sáng kiến này, trung bình 1 lít dầu nhờn thải có thể chế biến được 0,95 lít dầu DO, còn 5% lít chất cạn bã chị đang nghiên cứu sử dụng làm lốp xe máy. Sản phẩm dầu DO dùng cho cả nhiên liệu đốt trong và đốt ngoài, hiệu ứng khí thải ít hơn nhiều so với các sản phẩm khác cùng loại, tác động đến môi trường không đáng kể. Sau gần một năm thử nghiệm, đến nay chị đã sản xuất được 20 tấn dầu DO, sử dụng cho cả các xe ôtô có trọng tải lớn.
Qua kết quả nghiên cứu của Viện hoá học Việt Nam cho thấy các chỉ số kỹ thuật chính của nhiên liệu đều đạt yêu cầu, riêng hàm lượng lưu huỳnh, chỉ số xetan, cacbon cũng tốt hơn Tiêu chuẩn Việt Nam. Chi phí đầu tư xây dựng hệ thống chế biến dầu nhờn thải thành dầu DO khoảng 150 triệu đồng, có thể áp dụng rộng rãi./.