Một công ty Nhật và một công ty Úc đã phối hợp nghiên cứu thành công một loại cây có thể làm sạch nước sông, hồ bị ô nhiễm phốt-pho.
Công ty sản xuất nước giải khát Suntory của Nhật Bản và Công ty Công nghệ sinh học Florigen của Ô-xtrây-li-a đã phối hợp nghiên cứu thành công một loại cây có thể làm sạch nước sông và hồ bị ô nhiễm phốt-pho.
Sau khi được dùng để xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, loại cây này còn có thể được dùng làm phân bón.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành tách những gen có khả năng hấp thụ và tích lũy phốt-pho từ một loại cây có hoa nhỏ gọi là cải xoong (hoặc cây tai chuột), thường được dùng trong các nghiên cứu công nghệ sinh học.
Sau đó, cấy những gen đó vào cây liễu ngư, rồi trồng trên mảnh bọt biển được thả trên mặt nước bị ô nhiễm phốt-pho.
Kết quả cho thấy loại cây này có khả năng hấp thụ được lượng phốt-pho cao gấp 3-6 lần so với các cây mọc tự nhiên. Các nhà nghiên cứu dự định tiến hành nghiên cứu thêm để tăng tỷ lệ phốt-pho mà loại cây này có thể hấp thụ trước khi bán ra thị trường vào năm 2011.
Năm 2004, hai công ty Suntory và Florigen lần đầu tiên đã cho ra đời loại "hoa hồng xanh" với 100% chất delphinidin, một loại sắc tố làm cho cánh hoa hồng biến thành màu xanh.
Các nhà nghiên cứu đã cấy gen chứa chất enzim có tác dụng tạo ra chất delphinidin từ hoa păng-xê vào hoa hồng. Hiện hai công ty này đang có kế hoạch cùng nghiên cứu cho ra đời "hoa giám sát môi trường", một loại hoa tự đổi màu nếu bị nhiễm chất dioxin.
(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com