Một nhóm kỹ sư hàng không Thụy Sĩ cuối tuần qua giới thiệu tại Sân bay quân sự Duebendorf, gần Zurich, một mô hình máy bay đầu tiên trên thế giới chạy hoàn toàn bằng pin Mặt trời.
Phi công, kỹ sư hàng không Bertrand Piccard và chiếc máy bay Solar Impulse - Ảnh: AP |
Chiếc máy bay mang tên Solar Impulse này có sải cánh 63 m, bằng sải cánh của máy bay Boeing 747 nhưng chỉ nặng chưa bằng một chiếc xe hơi du lịch loại nhỏ. Tổng diện tích cánh của Solar Impulse là 250 m2, được lắp đầy những tấm pano pin Mặt trời.
Phi công Bertrand Piccard-người từng điều khiển khinh khí cầu bay vòng quanh Trái đất hồi năm 1999- cho biết, Solar Impulse sơn màu trắng phớt hồng được chế tạo nhằm đi vào lịch sử hàng không như là một chiếc máy bay đầu tiên bay vòng quanh thế giới hoàn toàn bằng năng lượng Mặt trời.
Phi công Betrand Piccard nói: “Hôm qua Solar Impulse chỉ là một ước mơ, hôm nay là một chiếc máy bay, ngày mai Solar Impulse sẽ là đại sứ của công nghệ năng lượng mới”.
Trong hai năm tới, Solar Impulse sẽ phải trải qua hàng loạt chuyến bay thử nghiệm. Từ kết quả thử nghiệm đó các kỹ sư sẽ chế tạo ra một chiếc máy bay mới khác chạy hoàn toàn bằng năng lượng Mặt trời lớn hơn và ưu việt hơn, có thể cất cánh vào năm 2012.
Ngân sách để thực hiện dự án máy bay Solar Impulse này là 98 triệu USD. Phi công Andre Borschberg cho biết, để có thể bay suốt đêm, ngày chiếc máy bay này được lắp 12.000 tế bào pin Mặt trời, nhiều pin sạc lithium và bốn động cơ điện.
Máy bay Solar Impulse hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại xăng, dầu nào dù chỉ một chút. Các động cơ của Solar Impulse hiện nay chỉ có 40 sức ngựa, tốc độ cất cánh chỉ có 35 km/giờ, sau đó khi đã đạt đủ độ cao máy bay có thể tăng tốc độ bay lên đến mức trung bình 70 km/giờ.
Không giống như trường hợp bay bằng khinh khí cầu trong đó các phi công có thể bay liên tục trên không, máy bay Solar Impulse cần phải hạ cánh nhiều lần để cho phép phi công nghỉ ngơi vì khoang lái của máy bay này rất chật hẹp.
Khi bay vòng quanh Trái đất, dự tính máy bay Solar Impulse phải mất năm ngày đêm, hạ cánh nghỉ ngơi tại năm điểm trên năm chặng đường vừa để các phi công giải lao vừa có thời gian để các phi công giới thiệu quảng bá loại máy bay công nghệ mới.
Nhóm kỹ sư hàng không cho biết, trong năm nay chiếc Solar Impulse sẽ lần đầu tiên cất cánh bay thử nghiệm nhưng các chuyến bay thử nghiệm liên tục 24 giờ trên không phải chờ đến năm 2010 mới được tiến hành.
Nhược điểm của máy bay chạy bằng pin Mặt trời là không thể hoạt động dài ngày trong điều kiện thời tiết có mưa, mù. Các tế bào pin Mặt trời cần ánh sáng ban ngày để sạc các pin lithium nặng đến 400 kg giúp tích năng lượng cho Solar Impulse hoạt động ban đêm.
Phi công Borschberg cho biết máy bay Solar Impulse hoàn toàn phụ thuộc vào ánh sáng Mặt trời. Do vậy trước mỗi lần cất cánh, các phi công phải tìm đường bay nào tránh được mưa, giông vì trong điều kiện thời tiết đó các pin Mặt trời không thể tích thêm được năng lượng.
Hai phi công Borschberg và Piccard, đồng thời là những kỹ sư hàng không, nói rằng việc chế tạo thành công máy bay Solar Impulse là một sự khích lệ rất lớn đối với các nhà chế tạo động cơ sử dụng năng lượng mới.
Năng lượng Mặt trời được ứng dụng để chế tạo động cơ máy bay còn được huống hồ các động cơ dùng cho các ngành công nghiệp ứng dụng khác.
(Theo Đ.P // Tienphong Online/AP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com