Nhờ phát minh ra cảm biến ảnh và sợi quang, ba nhà khoa học quốc tịch Mỹ đã giành giải Nobel Vật lý 2009. Phát minh của họ đặt nền tảng cho công nghệ ghi hình kỹ thuật số và truyền dữ liệu bằng ánh sáng.
Theo AP, tiến sĩ Charles K. Kao, 75 tuổi, được nhận một nửa số tiền thưởng của giải Nobel (1,4 triệu USD) do có công phát hiện cách truyền tín hiệu ánh sáng qua sợi thủy tinh có đường kính tương đương sợi tóc người vào năm 1966. Khi đó ông làm việc tại Trung tâm thí nghiệm Standard Telecommunications ở thành phố Harlow (Anh). Trung tâm này trực thuộc Công ty Standard Telephones and Cables (Anh). Phát hiện của ông đặt nền tảng cho sự ra đời và phát triển của các mạng lưới viễn thông cáp quang. Những mạng lưới này truyền tải âm thanh, video và dữ liệu Internet tốc độ cao vòng quanh thế giới.
"Bánh xe là nền tảng của giao thông vận tải, còn sợi quang là nền tảng của các mạng lưới viễn thông. Sợi quang cho phép chúng ta truyền thông tin với năng lượng tối thiểu tới những nơi rất xa với tốc độ ánh sáng", Richard Epworth, người từng làm việc cùng Kao tại Trung tâm thí nghiệm Standard Telecommunications, phát biểu.
Hai nhà vật lý Willard S. Boyle, 85 tuổi và George E. Smith, 79 tuổi, chia sẻ một nửa số tiền thưởng còn lại của giải Nobel Vật lý 2009. Hai ông được vinh danh vì có công phát minh ra chip cảm biến ảnh CCD - được coi là "con mắt" của máy ảnh kỹ thuật số - tại Phòng thí nghiệm Bell vào năm 1969. Cảm biến ảnh có khả năng chuyển ánh sáng thành các điểm ảnh (pixel). Tập hợp những pixel tạo nên mọi hình ảnh số.
"Phát minh của Willard S. Boyle và George E. Smith tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực ghi hình, bởi giờ đây chúng ta có thể thu ánh sáng dưới dạng tín hiệu điện mà không cần film như trước kia", Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, cơ quan xét trao giải Nobel, nhận xét.
Ngày nay, cảm biến ảnh CCD hiện diện trong hàng triệu thiết bị điện tử - từ máy ảnh tới các thiết bị y tế. Nó cũng làm nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thiên văn, bởi những vệ tinh nhân tạo được trang bị camera số có khả năng chụp những hình ảnh vũ trụ mà các máy móc trước đây không thể quan sát. Sau đó, các vệ tinh truyền hình ảnh về trái đất để các nhà khoa học nghiên cứu.
"Công trình nghiên cứu của Charles K. Kao, Willard S. Boyle và George E. Smith thực sự thay đổi cuộc sống của con người. Tác động của chúng đối với khoa học là cực kỳ lớn", Joseph Nordgren, Chủ tịch Ủy ban Vật lý của Viện Khoa học hoàng gia Thụy Điển, phát biểu.
Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết, cả ba nhà khoa học đều mang quốc tịch Mỹ. Boyle cũng là người Canada. Kao chào đời tại Thượng Hải (Trung Quốc) và mang hai quốc tịch Anh, Mỹ.
(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học // Vne )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com