Từ trước đến nay, rất nhiều người vẫn cho rằng sao Hỏa có màu đỏ là do nước đã làm gỉ các khối đá, làm cho hành tinh này tràn ngập một màu đỏ. Tuy nhiên, điều này không chính xác, một nghiên cứu gần đây đã cho thấy, màu đỏ trên sao Hỏa có thể được hình thành bởi những hạt bụi trên bề mặt đá khi bị phá hủy. Đồng thời, các nhà khoa học cũng chứng minh, nước không đóng vai trò gì trong quá trình hình thànhmàu đỏ này.
Những kết quả nghiên cứu này đã mở ra một cuộc tranh cãi về nguồn gốc của nước trên sao Hỏa và liệu trên đó có tồn tại sự sống hay không. Đây cũng chính là nội dung chính trong Hội nghị khoa học hành tinh vũ trụ châu Âu do TS Jonathan Merrison làm Chủ tịch.
TS Merrison đến từ Phòng nghiên cứu, mô phỏng sao Hỏa Aarhus (Đan Mạch) nói rằng, sao Hỏa thực sự có màu hơi đen, ở giữa là chóp cực màu trắng, bởi hầu hết các khối đá nằm ở vĩ độ trung bình đều là các khoáng chất bazan. Trong nhiều thập kỷ trước, các nhà khoa học đều khẳng định những vùng có màu hung đỏ trên sao Hỏa là do nước chảy trên bề mặt sao Hỏa đã làm gỉ màu của đá. Tuy nhiên, ông cùng các nhà khoa học khác đã tìm được những khoáng chất màu đỏ do sự hao mòn của các tảng đá.
Những thông tin chính xác về thành phần cấu tạo cũng như khoáng vật học của hành tinh này thực sự rất quan trọng và cần thiết trong việc tìm hiểu cấu trúc và sự tiến hóa của môi trường gần bề mặt và ảnh hưởng của nó với bầu khí quyển, cũng như nghiên cứu môi trường sống tiềm ẩn trên bề mặt sao Hỏa. Những hạt bụi đỏ bao phủ trên bề mặt sao Hỏa có ảnh hưởng lớn, chi phối đến khí hậu và đôi khi những hạt bụi này chiếm ưu thế lớn, phân bố dày đặc, nó sẽ khiến hành tinh chìm trong một vùng tối.
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học thuộc Phòng nghiên cứu mô phỏng sao Hỏa đã sử dụng một phương pháp kỹ thuật với những dụng cụ trong phòng thí nghiệm để chứng minh cho những suy luận của mình. Đầu tiên, họ lấy một mẫu cát (thạch anh) cho vào một bình thủy tinh cửa van kín, sau đó, quay vòng bình thủy tinh này nhiều lần. Sau khi thực hiện quá trình này, khoảng 10% số cát đã bị biến thành dạng tinh thể bụi. Khi các nhà khoa học cho thêm vào bình bột quặng sắt từ, một loại oxit sắt có mặt trên sao Hỏa, tiếp tục lắc và họ đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy màu cát trong bình mỗi lúc một đỏ hơn.
Giải thích về hiện tượng này, TS Merrison cho biết, khi các hạt cát chuyển động trong bình, chúng sẽ va chạm với nhau và vỡ, tách ra khỏi các liên kết hóa học. Tại những bề mặt bị va chạm này, khi tiếp xúc với bột quặng sắt từ thì một nguyên tử oxi sẽ bị tách ra và chuyển sang chất từ này, tạo thành hematite, một oxit sắt mới có màu đỏ.
Đặc biệt, trong các giai đoạn thực hiện quá trình này, các nhà khoa học không cần đến sự hỗ trợ của nước. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, quá trình này không chỉ xảy ra trong điều kiện không khí bình thường mà còn có thể thực hiện trong bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa với hơn 95% là thán khí (CO2).
Các nhà khoa học trên toàn thế giới đang cải tiến các công cụ, thiết bị như các mô hình máy tính hay bộ mô phỏng giới hạn Trái Đất để cố gắng nghiên cứu thêm về sắc đỏ huyền bí, kỳ lạ của hành tinh này, giúp cho việc quan sát nghiên cứu sao Hỏa từ mặt đất cũng như mở đường cho những cuộc thử nghiệm có quy mô lớn hơn.
(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học // KH&PT )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com