Một robot biết nhìn, suy nghĩ, phỏng đoán, sắp xếp đồ vật và biết kêu lên "Ui cha" khi bị bóp đau... Đó là những ưu điểm nổi bật của Domo, một sản phẩm robot mới của Viện Công nghệ
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vừa chế tạo thành công một loại robot thông minh có khả năng giúp đỡ con người trong sinh hoạt hàng ngày.
Domo: Biết suy nghĩ, cân nhắc như người
Robot này có tên là Domo, được thiết kế để tương tác với con người và thích nghi với môi trường xung quanh theo những cách mà chỉ có trong sách khoa học viễn tưởng.
Domo có khả năng “nhìn thấy” mọi vật xung quanh nó bằng “cặp mắt” xinh xắn, đó là 2 chiếc video-camera được nối với 12 máy vi tính. Những camera này sẽ truyền mọi dữ liệu về môi trường xung quanh về hệ thống máy vi tính để phân tích và xử lý mọi tình huống.
Domo đặc biệt nhạy cảm với khuôn mặt con người. Theo các chuyên gia, đó là một yếu tố rất quan trọng trong tương tác giữa người và robot. Khi nhìn những gì trông giống như mặt người thì Domo nó sẽ “giương mắt” nhìn ngay và sẵn sàng phản ứng.
Domo được lập trình để nhận biết kích thước của một đồ vật bằng cách tập trung vào phần trên của món đồ đó, chẳng hạn như cái nắp của một chai nước. Khi được đưa chai nước, Domo sẽ lắc qua lắc lại chai nước để xác định đặc điểm của chai và quyết định cách đặt cái chai vào một chỗ nào đó theo ý muốn của con người.
Làm đúng theo lệnh
Trước sự chứng kiến của nhiều người, nhà nghiên cứu Aaron Edsinger, người chế tạo Domo, đã biểu diễn khả năng tương tác của Domo với con người nhằm giúp con người thực hiện một số công việc hữu ích.
Khi ông và Domo nhìn nhau, ông nói: “Chào, Domo”. Domo cũng lặp lại giống như thế. Kế đó, ông nói: “Chiếc kệ, Domo” với ý muốn Domo nhận ra chiếc kệ đang ở đâu. Domo nhìn quanh và phát hiện ra chiếc kệ ở gần đó. Nó tiến đến gần cái kệ và đưa tay trái chạm vào kệ.
Khi định vị xong chiếc kệ, Domo đưa tay phải về phía Edsinger và Edsinger đặt vào bàn tay nó một túi hạt cà phê. Domo lắc chiếc túi một chút rồi chuyển vật này sang tay trái – đang gần chiếc kệ hơn tay phải. Domo nhẹ nhàng vuơn tay trái ra và đặt túi đồ lên trên kệ một cách gọn gàng.
Ông Edsinger giải thích rằng việc lắc chiếc túi tuy chỉ là một cử động nhỏ nhưng thật ra đó là động tác quan trọng để Domo nhận biết đặc điểm của chiếc túi, từ đó nghĩ” ra cách đặt nó lên kệ một cách chính xác và an toàn.
Ông Edsinger nói: “Bạn có thể trao cho Domo một vật dụng mà nó chưa từng thấy qua bao giờ, nhưng nó sẽ tập trung chú ý vào phần cao nhất của vật dụng đó và biết cách xử lý một cách tốt nhất”.
Triết lý ẩn chứa đằng sau công trình này là nhằm chứng minh khả năng con người và robot có thể phối hợp với nhau một cách hài hòa để hoàn thành những công việc mà không ai có thể thực hiện được một cách độc lập.
Ông nói: “Nếu bạn có thể dành ra một phần công việc nào đó cho Domo xử lý bằng tay khi cần thiết thì đó là một mối quan hệ hợp tác rất tốt.”
Có khả năng xúc giác và phản ứng
Điều đáng chú ý là khả năng xúc giác của Domo. Nó có khả năng cảm nhận được sự tiếp xúc trực tiếp của con người và sẽ có những hành động tương thích với sự tác động đó.
Với nhiều bộ lò xo ở cánh tay bàn tay và cổ, Domo sẽ cảm nhận được lực tác động vào nó và có phản ứng phù hợp. Nếu bạn nắm tay nó và đẩy về một hướng nào đó thì nó sẽ di chuyển theo hướng bạn vừa đẩy.
Ông Edsinger nói: “Những chuyển động như thế của Domo đều an toàn đối với con người, nhưng nếu bạn dùng một lực quá mạnh hoặc đẩy cánh tay nó theo một hướng sai thì nó sẽ phản ứng bằng cách kêu lên: “Ouch!” (“Ối!” hay “Ui da”) như để bày tỏ “sự đau đớn”.
Theo các chuyên gia, robot “giúp việc nhà” như Domo sẽ là một công cụ hữu ích để hỗ trợ người cao tuổi và người tàn tật trong sinh hoạt hàng ngày. Nó có thể giúp được nhiều việc, như lấy một cái ly từ trong tủ ra, đặt một cuốn sách lên kệ, v.v…
“Robot phải thích nghi với môi trường”
Theo ông Edsinger, robot này là thế hệ mới của các sản phẩm robot của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Hai thế hệ robot trước Domo là Kismet - được thiết kế để tương tác với con người, và Cog, được sản xuất để cầm nắm và xử lý những đồ vật khác nhau.
Dự án nghiên cứu sản xuất Domo đã được thực hiện trong 3 năm qua. Lúc đầu dự án được NASA tài trợ, còn hiện nay đang được sự hỗ trợ của hãng Toyota, vì hãng này cần có những robot tinh tế để sử dụng trong dây chuyền lắp ráp.
Theo ông Edsinger, những robot đặc biệt thông minh như Domo có thể giúp các công ty, xí nghiệp tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí sản xuất.
Ông nói: “Thông thường thì robot được đặt vào những khu vực giới hạn mà con người có thể kiểm soát được. Nhưng nếu bạn đưa robot vào nhà ở của mình thì mọi việc lại khác. Chúng tôi muốn một robot được chế tạo ra phải có khả năng thích nghi với môi trường của con người, chứ không phải môi trường phải thích nghi với robot”.
(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com