Các nhà thiên văn học vừa phát hiện hơi nước trong bầu khí quyển của một hành tinh ngoài Hệ mặt trời của chúng ta.
Hơi nước trên hành tinh HD 189733b ngoài Hệ mặt trời được phát hiện qua kính viễn vọng Spitzer và được thông báo trên tạp chí Tự nhiên (Nature).
TS Giovanna Tinetti thuộc Đại học Luân Đôn và các đồng nghiệp đã đo bán kính của hành tinh HD 189733b với các bước sóng khác nhau bằng cách theo dõi xem có bao nhiêu ánh sáng phát ra từ ngôi sao mẹ bị hành tinh này chặn lại khi hành tinh này đi ngang qua mặt trước của ngôi sao mẹ theo quan sát từ trái đất.
Hành tinh này trông lớn hơn ở các dải sóng mà tương thích với nước, điều này cho thấy hơi nước có trong bầu khí quyển của hành tinh này.
Đây mới là lần thứ hai, nước được phát hiện trên một hành tinh ngoài Hệ mặt trời.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự tồn tại của nước có thể là một đặc trưng phổ biến đối với các khối khí lớn - kiểu hành tinh mà đại diện là sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên vương, sao Hải vương trong Hệ mặt trời của chúng ta.
HD 189733b quay quanh một ngôi sao trong chòm sao Vulpecula (Con cáo), cách mặt trời trong Hệ mặt trời của chúng ta 64 năm ánh sáng.
Hành tinh này có quỹ đạo quay rất gần ngôi sao mẹ của nó - gần hơn 30 lần so với quỹ đạo quay của trái đất quanh mặt trời. Nhiệt độ trên hành tinh này trong khoảng từ 426 độ C vào ban đêm đến 930 độ C vào ban ngày. Loại hành tinh này được gọi là “sao Mộc nóng”.
TS Tinetti nói: Rất khó có thể có sự sống trên hành tinh HD 189733b vì nhiệt độ trên hành tinh này quá cao, nhưng sự khám phá của chúng tôi cho thấy nước có thể tồn tại phổ biến hơn ở ngoài Hệ mặt trời so với suy nghĩ trước đây của chúng ta.
Bà nói: “Phương pháp của chúng tôi có thể được sử dụng trong tương lai để nghiên cứu “những môi trường “thân thiện sự sống” hơn”.
TS Tinetti nói: Sứ mệnh của những người săn lùng hành tinh ngày nay là tìm một hành tinh giống trái đất mà cũng có nước trong bầu khí quyển. Khi phát hiện thấy một hành tinh như vậy, sự khám phá đó sẽ cung cấp bằng chứng thực sự cho thấy rằng những hành tinh ngoài Hệ mặt trời của chúng ta có thể có sự sống.
Ông Sean Carey thuộc Trung tâm Khoa học Spitzer, đồng tác giả công trình nghiên cứu này nói: “Việc tìm thấy hơi nước trên hành tinh HD 189733b cho thấy rằng những hành tinh khác trong vũ trụ, thậm chí có thể cả những hành tinh đá, cũng có thể có nước”.
Trước đây, một nhóm nhà thiên văn người Mỹ đã phát hiện hơi nước trong bầu khí quyển của “một sao Thổ nóng” có tên là HD 209458b. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Astrophysical (Vật lý học thiên thể) vào đầu năm nay.
(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com