Một cặp thiên thể mới lạ, không phải là hành tinh hay ngôi sao, vừa được phát hiện ngoài hệ mặt trời.
Những năm gần đây, có vài chục thiên thể như vậy đã được phát hiện nhưng đây là cặp “song sinh” đầu tiên.
Được gọi là Panemos, hai thiên thể này quay quanh nhau thay vì quay quanh một ngôi sao.
Trong tạp chí Khoa học, các nhà thiên văn học viết, sự tồn tại của “cặp song sinh” này thách thức những lý thuyết hiện nay về sự hình thành các hành tinh và ngôi sao.
Nhà thiên văn Ray Jayawardhana thuộc Đại học Toronto, Canada, đồng tác giả của bài viết đăng trên tạp chí Khoa học nói: “Đây là cặp thiên thể song sinh thực sự đáng chú ý - khối lượng của mỗi thiên thể chỉ bằng khoảng 1% khối lượng mặt trời của chúng ta. Sự tồn tại của chúng là điều ngạc nhiên, và nguồn gốc cũng như số phận của cặp thiên thể này là điều khá bí hiểm”.
Cặp thiên thể này thuộc vào loại mà các nhà thiên văn học cho là loại mới, gồm các vật thể giống hành tinh xuất hiện trong vũ trụ. Những thiên thể có khối lượng tương đương với hành tinh như vậy được gọi là panemos.
Dường như những thiên thể này được hình thành từ một đám mây khí nén lại, tương tự như sự hình thành các ngôi sao, nhưng quá lạnh để có thể trở thành ngôi sao.
Trong khi chúng có khối lượng tương đương với nhiều hành tinh khổng lồ được phát hiện ngoài hệ mặt trời (thiên thể có khối lượng lớn nhất thuộc loại này đã được phát hiện lớn gấp 14 lần khối lượng sao Mộc và những thiên thể khác gấp khoảng bảy lần sao Mộc), các nhà khoa học không cho rằng chúng là những hành tinh thực sự.
Nhà thiên văn Valentin Ivanov thuộc Đài thiên văn Miền nam châu Âu (ESO) tại Santiago, Chile, đồng tác giả nghiên cứu cặp thiên thể nói trên nói: “Chúng tôi không gọi hai thiên thể này là “một hành tinh kép” vì chúng không hình thành theo cách mà các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta đã hình thành”.
Hai thiên thể này có quang phổ và màu sắc tương tự nhau, cho thấy chúng được hình thành vào cùng một thời điểm cách đây khoảng một triệu năm.
Chúng ở cách xa nhau khoảng sáu lần khoảng cách giữa mặt trời và sao Diêm vương, và có thể được phát hiện trong khu vực hình thành sao Ophiuchus cách trái đất khoảng 400 năm ánh sáng. Cặp thiên thể này được đặt tên là Oph 162225-240515, và gọi tắt là Oph 1622.
TS Jayawardhana nói: “Những khám phá gần đây cho thấy có một sự đa dạng đáng ngạc nhiên về các thiên thể ngoài hệ mặt trời. Tuy nhiên, Oph 1622 được coi là một trong những cặp thiên thể gây tò mò nhất, nếu không nói là lạ kỳ”.
TS Ivanov nói rằng nhóm nghiên cứu rất muốn biết liệu những cặp thiên thể như thế này có nhiều hay rất hiếm. Ông nói: “Câu trả lời có thể giúp hiểu được những thiên thể bay tự do trong vũ trụ, có khối lượng tương tự các hành tinh, được hình thành như thế nào”.
Oph 1622 được phát hiện bằng kính viễn vọng New Technology của ESO. Sau đó, các nghiên cứu tiếp theo được tiến hành bằng kính viễn vọng Very Large cũng của ESO.
(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com