Các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu phát triển nông thôn Hà Nội đã nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ sản xuất gạch không nung từ đất và phế liệu công nghiệp.
Phương pháp này giúp những người sản xuất tận dụng được nguồn đất ít có giá trị kinh tế như đất đồi cằn cỗi tại các vùng trung du, đất sét pha ven sông, đất thải từ các công trình đào móng nhà, hầm lò, ao hồ, các loại đất, đá tại các công trường khai thác quặng,... Với công nghệ “đất hóa đá”, các chủ đầu tư có thể tận dụng các nguồn phế thải rắn tại chỗ như bê tông, gạch vỡ, cát, đá sỏi, xỉ lò, các bã quặng bô xít để sản xuất gạch, vừa giảm thiểu chi phí vận chuyển, vừa tránh ô nhiễm môi trường vì gạch không qua khâu nung đốt nên không thải khí CO2 ra môi trường, lại xử lý được các chất phế thải công nghiệp. Ưu điểm của viên gạch không nung là giá thành chỉ bằng 2/3 viên gạch nung nhưng có độ cứng gần gấp 2 lần viên gạch nung, các chỉ tiêu về kỹ thuật và an toàn vật liệu đều đạt và vượt yêu cầu kỹ thuật. Viên gạch không nung được ép với máy thủy lực trên 150 tấn nên bề mặt viên gạch nhẵn và đồng đều tuyệt đối, từ đó công xây dựng giảm, có thể không cần vữa trát tường, xây đến đâu hoàn thiện đến đó nên giảm một khoản chi phí đáng kể đối với một căn nhà. Đây là bài toán kinh tế rất có lợi cho người tiêu dùng khi sử dụng gạch không nung bằng công nghệ “đất hóa đá”.
Theo tính toán, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 20 tỉ viên gạch. Với đà phát triển này, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng là hơn 40 tỉ viên. Để đạt được mức đó, lượng đất sét phải tiêu thụ tương đương với 30.000 ha đất canh tác. Điều này ảnh hưởng lớn tới vấn đề an ninh lương thực trong tương lai. Với những ưu điểm của mình, phương pháp sản xuất gạch không nung bằng công nghệ “đất hóa đá” sẽ góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an ninh lương thực, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho xã hội.
(Theo baobinhduong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com