Khi có tình trạng xả nước ô nhiễm, hệ thống sẽ phát hiện ngay lập tức và báo về trung tâm bằng cách tự động gửi tin nhắn
Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường nước ngày càng gia tăng. Nhiều nhà máy, xí nghiệp thường lén lút xả bỏ chất thải tại những thời điểm khó quan sát trong ngày. điều này khiến cho các cơ quan bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát. Từ thực trạng trên, PGS-TS Hồ Thanh Phong (Trường ĐH Quốc tế- ĐH Quốc gia TPHCM) cùng các cộng sự đã tiến hành thiết lập một hệ thống quản lý ô nhiễm môi trường nước tại TPHCM và các vùng phụ cận, có tên là IU-AIMS.
TS Nguyễn Đình Uyên đang biểu diễn hoạt động của hệ thống quản lý ô nhiễm
nước IU-AIMS trên mô hình
Báo ô nhiễm nguồn nước qua tin nhắn
Hệ thống này có nhiều ưu điểm, đặc biệt phù hợp với điều kiện và môi trường ở nước ta. Hệ thống bao gồm: Một trung tâm điều khiển – là nơi điều hành, quản lý và phân tích dữ liệu; một hệ thống các trạm quan trắc – có khả năng tự động thu mẫu nước tại nơi đặt trạm; một trang web cung cấp thông tin quan trắc cho các bên liên quan và cộng đồng.
Quy trình hoạt động của hệ thống có thể được mô tả như sau: Tại một trạm quan trắc bất kỳ thuộc hệ thống, các thông số về nhiệt độ nước, độ pH, độ dẫn điện, độ đục hoặc hàm lượng ô xy hòa tan trong nước được đo liên tục bằng các cảm biến tương ứng lắp đặt sẵn. Khi nhà máy gần đó xả thải, nếu trong nước thải có các chất ô nhiễm quá mức cho phép thì các thông số nói trên sẽ biến đổi đột ngột và được các cảm biến ghi nhận ngay lập tức. Lúc này, một thông báo ngắn gọn sẽ được gửi ngay về trung tâm điều khiển bằng cách gửi tin nhắn SMS.
Cùng lúc với việc gửi tin nhắn, hệ thống bơm của trạm cũng tự động lấy mẫu nước đó lưu vào chai, niêm phong rồi bảo quản trong môi trường phù hợp để tránh các tác nhân bên ngoài. Tại trung tâm, sau khi nhận được tin nhắn về mẫu nước có vấn đề, sẽ có người lập tức tới trạm lấy mẫu và đem về phòng thí nghiệm phân tích nhằm cho ra kết quả chính xác về thành phần nước thải.
Tần suất liên lạc giữa các trạm và trung tâm được kết nối liên tục. Cứ 2 phút/lần, các thông tin về nguồn nước sẽ được các trạm báo về trung tâm để được tổng hợp và xử lý. Như vậy, chậm nhất là 2 phút sau khi có hiện tượng xả nước ô nhiễm, trung tâm đã phát hiện được hành vi này và có biện pháp xử lý thích hợp.
Có thể cảnh báo thiên tai
TS Nguyễn Đình Uyên, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết chi phí đầu tư cho mỗi trạm quan trắc thuộc hệ thống IU-AIMS rất rẻ do chỉ lấy mẫu khi nước có dấu hiệu ô nhiễm nên tiết kiệm được số tiền đáng kể. Chỉ cần tốn khoảng 3.000 USD là đầu tư xây dựng được một trạm quan trắc này.
Theo PGS-TS Hoàng Tùng, thành viên nhóm nghiên cứu, ngoài ứng dụng để cảnh báo ô nhiễm nguồn nước, hệ thống nói trên còn có thể ứng dụng để cảnh báo một số loại thiên tai khác như lũ quét, xâm mặn hay trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản...
Tổng cục Môi trường sẽ xem xét hỗ trợ Sau khi tìm hiểu, ông Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), cho rằng với mức giá của các nhà khoa học đưa ra thì chi phí đầu tư cho mỗi trạm chỉ bằng 1/10 so với nhập ngoại (khoảng 30.000 – 50.000 USD/trạm). Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì phù hợp với điều kiện kinh tế của VN. Ông Tuyến cũng cho biết thêm: “Tổng cục Môi trường sẽ xem xét hỗ trợ để đưa hệ thống vào thử nghiệm thực tế càng sớm càng tốt, đặc biệt là thử nghiệm quản lý ô nhiễm môi trường nước tại hệ thống sông Đồng Nai”. |
(Bài và ảnh: Thanh Lê // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com