Nhiều người coi sừng tê giác như là thần dược. Trên thực tế, sừng tê giác có công dụng chữa bệnh. Nhưng cho đến nay khoa học chưa thấy sừng tê giác có cấu tạo hay chất gì đặc biệt, vì vậy trong câu chuyện về “thần dược” tê giác, đâu là sự thật?
Bao phủ huyền thoại
Xung quanh tê giác có nhiều huyền thoại: Khi bị rắn, chó dại cắn, chỉ cần áp miếng da tê giác bằng đồng xu vào vết thương, da sẽ dính chặt vào như nam châm, lúc hóa giải hết chất độc sẽ tự nhả ra, đem ngâm vào rượu, rửa sạch, phơi khô dùng lại vẫn hiệu nghiệm. Phân tê giác phơi khô, ngâm rượu, chữa khỏi các bệnh tê thấp, đau nhức kinh niên. Tê ngưu hoàng (các loại sạn, sỏi, kết tụ trong túi mật) có thể cải tử hoàn sinh, kể cả ung thư. Sừng tê giác khác hẳn các loài sừng khác, không có lõi, song rất cứng gồm vô vàn sợi lông kết cấu với nhau, tạo thành hình thù kỳ dị, nếu mài ra thì thấy sợi màu đục. Tinh chất tích tụ ở sừng. Trong các loài đã biết, chỉ có tê giác có thời gian giao cấu kỷ lục từ 2-4 giờ. Chỉ cần mài ra một ít bột sừng tê giác, hòa vào rượu, có thể biến một ông già nhược dương thành chàng trai thừa đủ phong độ đàn ông (?).
Chưa rõ có bao nhiêu phần trăm sự thật, song huyền thoại ấy kích thích tính tò mò, trí tưởng tượng, lòng ham muốn, đẩy giá tê giác lên cao ngất ngưởng! Khi giá 1kg vàng (bốn số 9) là 13.000USD (2006) thì giá 1kg sừng tê giác là 17.000USD (còn da: 2.000 - 35.00USD, xương: 1.000 - 12.00USD). Cách đây 5-10 năm, những người có thu nhập cao không tiếc tiền mua xương hổ, xương gấu, tay gấu ngâm rượu. Nay chúng bị xem là đồ cổ. "Tuổi trẻ làm ra tiền, khi già lấy tiền mua tuổi trẻ", theo thuyết ấy, họ ném tiền ra mua loại sừng đắt hơn vàng ấy, tự chế ra "tửu giác" để bồi bổ sức khỏe, tạo sinh lực. Như vậy, mới được coi là biết ăn chơi, hợp thời thượng.
Công nghệ làm giả sừng và sừng tê giác
Có phải sừng tê giác là thần dược? Các tài liệu y học cổ truyền chỉ ghi nhận sừng tê giác có vị đắng, mặn, tính lạnh, không độc, vào hai kinh tâm can, dùng để thanh nhiệt, an thần, giảm đau, cường sức, cương dương, chữa hôn mê co giật, chứng huyết nhiệt, ung độc, hậu bối. Theo cac tài liệu y học mới hơn (Trung Quốc), sừng tê giác có tính cường tim, phối hợp với các vị thuốc khác chữa viêm não Nhật Bản, ban xuất huyết do giảm tiểu cầu, thần kinh phân liệt. Các chứng bệnh trên, xưa và nay đã có sẵn đông dược, tân dược. Thí dụ nếu nhược dương đã có ba kích, bật tật lê, cá ngựa, viagra, cialis, levitra, testosteron. Nếu nghiên cứu sừng tê giác làm thuốc, thì sản phẩm sẽ có giá đắt gấp nhiều lần thuốc hiện có. Không phải y học hiện đại bó tay, mà vì xét trên khía cạnh y học và kinh tế, thì việc nghiên cứu dùng hay chiết lấy chất dùng làm thuốc từ sừng tê giác là không thiết thực. |
Người sành điệu cho sừng tê giác vào chỗ tối, rọi đèn pin sát đáy, nếu sừng đỏ rực lên như bóng đèn thì chắc chắn là thật; nếu là thật thì chỉ có thể mài ra được trên một miếng hợp kim hình vuông (do Trung Quốc chế) hay da cá đuối phơi khô (thứ rất kỵ sừng tê giác) thành bột mịn, lắc với rượu cho nước đục như cốt dừa. Dân gian thử bằng cách: đốt lông ngửi, nếu không thấy mùi đặc trưng, hoặc bổ dọc miếng sừng nếu không kéo được sợi nào hoặc mài ra nếu không thấy đục như nước vo gạo, nhìn nghiêng không thấy ánh sáng tím lóe lên thì coi là dỏm (?). Chưa rõ phép thử ấy có đúng không nhưng vẫn có cách làm giả sừng tê giác: nung lửa uốn cong sừng trâu, rồi cấy lông vào hoặc tiện sừng trâu thành những miếng cực mỏng, dùng khung nhiệt ép lại, tinh xảo hơn có thể làm những tia máu và các màu sẽ tạo thành sừng tê giác nhái, hoặc chỉ lấy phần đặc của chóp sừng trâu, tỉ mẩn mài thành chóp sừng tê giác nhái.
Năm 1993, một nhà khoa học Đức thấy tại chợ Việt Nam có loại sừng cong vút thì đặt tên cho con vật mà họ chưa hề thấy là Pseudonovibo spiralis. Người Campuchia gọi là Khlingipuoh (bò có sừng như dây leo). Xa hơn nữa, trong cuốn sách Vương quốc Campuchia, các tác giả Pháp nhắc đến con vật bí ẩn này với tên Khing- pos (bò ăn rắn) kèm hình vẽ hẳn hoi, nhưng không có ảnh chụp. Từ năm 1925 đã có chủ đồn điền người Pháp ở Campuchia mua về 4 cặp trưng bày tại Viện bảo tàng Paris. Arnould Seveau (nhà động vật Pháp) mất 2 năm lặn lội khắp các bản làng Việt Nam - Campuchia thu thập sừng, hỏi các vị cao niên thì không vị nào thấy loại bò ấy cả. Viện Bảo tàng tự nhiên (Pháp) giám định thấy: Bên trong sừng có những vết ngắt, các lớp keratin bị vặn vẹo, rất giống nhau (y như cùng một nhóm chế tác) đặc biệt có DNA giống hoàn toàn DNA bò vàng Việt Nam. Kết luận cuối cùng: chúng chỉ là sừng bò đã được chế tác bằng cách chắp nối, uốn cong bằng sức nóng. Mất công nhắc lại điều cũ này để thấy, với công nghệ làm giả tinh vi hiện nay thì tạo ra một cái sừng kỳ dị như sừng tê giác không phải quá khó!
Sự thật về tê giác
Có hay không sừng tê giác săn được nước ta?
Sừng tê giác |
Tê giác thuộc bộ móng guốc lẻ. Một số loài, chi bị tuyệt chủng (ở thế Pliocan hay thế Pleistocan) cách đây từ 10.000 năm đến 5,3 triệu năm. Theo Hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (năm 2005) chỉ còn 5 loài thuộc 5 chi trong họ Rhinocerotidae là tê giác đen (D. bicomes, 1900 con), tê giác trắng (C.sinum, 11.000 con), tê giác Ấn Độ (Runicomis, 1200 con), tê giác Surmatra (D. surmatrensia, 700 con), tê giác Java ( R.sondaicus, 60 con).
Ở nước ta, các ghi nhận cũ cho biết tê giác có ở cao nguyên Sơn La kéo dài theo trục Trường Sơn đến tận rừng núi giáp ranh Đông Nam Bộ. Cách đây gần 10 năm, các chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã thế giới công bố ảnh chụp được tê giác ở Nam Cát Tiên (bằng camera traping) nhưng dự đoán chỉ có 3 - 5 cá thể và không có dấu hiệu sinh sản và thực tế chưa ai tiếp xúc trực tiếp với chúng. Xét theo sự phân bổ tê giác nói trên và lịch sử sự điều tra tê giác ở Việt Nam thì chuyện lấy sừng tê giác săn bắt được tại rừng Việt Nam là không thể có thật.
Sừng tê giác có cấu tạo đặc biệt?
Mới đây, chuyên gia đại học Ohio chụp cắt lớp sừng tê giác thấy: Bên trong có các lớp canxi (làm cho lõi sừng cứng khỏe) và melamin (làm cho lõi sừng không bị xốp). Phần ngoài mềm hơn phần lõi; khi tê giác mài sừng hay đánh nhau với thú khác, sừng sẽ biến dạng thành hình thù kỳ dị. Sừng tê giác hoàn toàn độc lập với lông, không phải do lông kết cấu thành, chúng giống như móng ngựa, mai rùa, mỏ chim. Tiến sĩ Tobin Hieronymus, trưởng nhóm nghiên cứu cho hay: nghiên cứu bước đầu này chấm dứt sự đồn thổi về sự kỳ lạ của sừng tê giác, cũng như những cách thử khó hiểu về loại sừng này.
Thay lời kết
Cần thiết trong việc ngăn chặn săn bắt, buôn bán tê giác - một động vật quý hiếm để bảo tồn đa dạng sinh học của thú hoang dã. Hãy biết tự rèn luyện sức khỏe, nếu không may bị bệnh cần điều trị tại các cơ sở y tế hiện có, không nên chờ đợi sự thần hiệu ở sừng tê giác. Ngoài ra, cần cảnh giác với sừng tê giác giả, bởi vì với nhiều người, thường chỉ là mua lần đầu do nghe đồn đại về công dụng) mà chưa bao giờ thấy sừng tê giác thật để so sánh.
(Theo DS. Hà Thủy Phước // Sức khỏe & Đời sống)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com