Chỉ bằng một xét nghiệm máu khá đơn giản, các nhà khoa học Bỉ có thể phát hiện sớm ung thư gan. Kỹ thuật mới này đã phát hiện chính xác ung thư giai đoạn đầu ở tỉ lệ trên 50% trong tổng số ca xét nghiệm, trong khi những phương pháp khác đã không thể đưa ra kết luận chắc chắn.
Nghiên cứu này - có sự cộng tác của các trung tâm nghiên cứu ở Thượng Hải và Bắc Kinh - được thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS Chitty Chen, thuộc Viện Công nghệ Sinh học Flanders và Trường Đại học Ghent ở Bỉ.
Nhóm nghiên cứu hy vọng, kỹ thuật mới này sẽ góp phần phát hiện sớm hơn và chẩn đoán chính xác hơn ung thư gan, căn bệnh nguy hiểm hàng đầu ở châu Á và châu Phi.
Theo phương pháp mới này, các chuyên gia phát hiện được ung thư gan ở giai đoạn đầu bằng cách theo dõi và phân tích sự thay đổi của các phân tử đường gắn kết với những protein thường có ở gan bị ung thư.
Qua xem xét khối lượng của 2 nhóm đường đặc thù có ở những protein đó, các bác sĩ cũng xác định được kích thước của khối u. Nhóm nghiên cứu cho biết, nồng độ của 2 nhóm đường này khác nhau qua từng giai đoạn phát triển của bệnh.
Những phương tiện phục vụ chẩn đoán ung thư gan hiện nay bao gồm sinh thiết, chụp ảnh và xét nghiệm định lượng AFP (alpha-fetoprotein) - loại xét nghiệm giúp phát hiện các khối u ác tính dựa trên các chất đặc thù, được gọi là chỉ dấu ung thư, trong máu. Nhưng theo TS Chen, những hình thức xét nghiệm này không nhạy bằng kỹ thuật mới của bà và các cộng sự.
Theo nhóm nghiên cứu, “xét nghiệm mới này đã giúp phát hiện chính xác ung thư gan giai đoạn đầu ở tỉ lệ trên 50% trong tổng số ca nghi ung thư, trong khi những xét nghiệm chẩn đoán khác trước đó không thể đưa ra một kết luận chắc chắn”.
Kỹ thuật mới này còn cho phép thực hiện các phân tích thường xuyên và không xâm lấn đối với bệnh nhân xơ gan, giúp các bác sĩ phát hiện ung thư gan sớm hơn.
Tính chung về mức độ chẩn đoán chính xác thì kỹ thuật mới này đạt tỉ lệ 70%, tức tương đương với tỉ lệ đạt được theo phương pháp xét nghiệm AFP đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.
Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị áp dụng phương pháp mới này trong thử nghiệm lâm sàng.
Về tính chất nguy hiểm của ung thư gan, TS Chen phát biểu: “Khi ung thư gan mới khởi phát, không hề có triệu chứng gì ở người bệnh cả. Nhưng khi đã có triệu chứng, như suy yếu chức năng gan, thì thường là đã quá muộn để có thể điều trị hiệu quả”.
Hàng năm ung thư gan lấy đi sinh mạng của gần 700.000 người, chủ yếu là ở châu Phi và châu Á - những nơi có tỉ lệ viêm gan cao trên thế giới.
Theo bà Chen, khi được sử dụng song song với xét nghiệm AFP, phương pháp này tỏ ra chính xác hơn và có khả năng trở thành một công cụ hữu hiệu hơn trong việc phát hiện sớm ung thư gan, góp phần cứu sống thêm nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, theo bà, “nếu chúng ta sử dụng kết hợp cả 2 phương pháp đó thì sẽ nâng cao đáng kể hiệu quả của việc xét nghiệm và chẩn đoán ung thư gan”. Bà nhấn mạnh: “Tốt nhất là nên sử dụng đồng thời cả hai phương pháp”.
Nghiên cứu của TS Chen và các cộng sự vừa được công bố trên tạp chí Hepatology, thuộc tập đoàn Elsevier
(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com