Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cảng biển: đầu tư lớn đón sự phục hồi

Hiện nay Singapore vẫn là cảng container hàng đầu thế giới. Ảnh: PSA Singapore. (nguồn tư liệu)

Nhiều hải cảng ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc suy thoái toàn cầu nhưng đang chuẩn bị tích cực cho sự hồi phục.

Cho đến đầu năm 2008 chỉ có ít dấu hiệu cho thấy sản lượng vận chuyển container sắp giảm mạnh. Các nhà khai thác cảng dự đoán lưu thông hàng hóa sẽ tiếp tục tăng và do đó họ tiếp tục đầu tư. Nhưng khủng hoảng tài chính biến thành suy thoái kinh tế, tình hình thay đổi nhanh chóng và các cảng ở Đông Nam Á bị tác động nghiêm trọng do lượng hàng hóa xếp dỡ giảm sút.

Trong năm 2008, dù sản lượng giảm ở những tháng cuối năm, Singapore vẫn là cảng container hàng đầu thế giới, luân chuyển gần 30 triệu TEU. Cảng này đã liên tục đầu tư phát triển năng lực để đón đầu nhu cầu sẽ tăng.

PSA Singapore vừa hoàn tất bãi chứa container mới ở cảng Brani, nâng cấp các bến ở cảng Keppel và sẽ sớm nhận được các cẩu bờ super post-panamax (loại cẩu bờ có tầm vươn xa nhất và sức nâng lớn nhất hiện nay), 5 cầu cảng mới cũng được xây ở cảng Pasir Panjang.

Nhờ những sự đầu tư này, năng lực của các cảng do PSA quản lý đã tăng lên 35 triệu TEU mỗi năm. Từ năm 2009, PSA sẽ tiếp nhận 79 RTG (cẩu khung bánh lốp chuyên dụng ở bãi container), trang bị các thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Tuy vậy, Singapore cũng là cảng contairner bị ảnh hưởng nặng nhất khu vực Đông Nam Á, sản lượng trong sáu tháng đầu năm 2009 giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái (xem bảng).

Người phát ngôn của PSA giải thích: “Các nền kinh tế phương Tây có vai trò rất lớn đối với các nhà sản xuất và cung cấp hàng tiêu dùng ở châu Á, các cảng trong khu vực, bao gồm Singapore, vốn là các mắt xích trong chuỗi thương mại xuyên lục địa, tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng”.

Ngược lại, đối thủ của PSA là cảng Tanjung Pelepas (PTP) ở Malaysia có mức tăng nhẹ 1,5% lên 2,8 triệu TEU trong nửa đầu năm 2009. Hồi tháng 6 sản lượng thông qua PTP tăng vọt nhờ lôi kéo được hãng tàu CMA CGM (hãng tàu của Pháp, lớn thứ ba thế giới) trở thành khách hàng lớn thứ tư của cảng, từ đó PTP hy vọng sản lượng năm nay sẽ tăng 9%.

Mặc dù PTP có đủ năng lực trong vài năm tới, nhà khai thác cảng vẫn đang tiếp tục mở rộng và đã mua đất xây dựng các bến số 12, 13 và 14. Bến 12 sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay, nâng tổng số cẩu bờ và RTG lên tương ứng 44 và 138 chiếc. Ông Ismail Hashim, CEO của PTP, nhấn mạnh: “Do nhu cầu vận chuyển tăng trở lại, chúng tôi sẽ tiếp tục các kế hoạch phát triển và đưa cảng lên vị thế cao hơn. Hiện nay khả năng thông qua của cảng hàng năm là 8 triệu TEU và chúng tôi sẽ còn phát triển cùng với khách hàng”.

Việc tuyến dịch vụ liên kết của hai hãng tàu CMA-CGM và Maersk chuyển sang PTP là một cú sốc đối với cảng Klang, vốn là cảng trung chuyển lớn nhất Malaysia. Lượng hàng thông qua cảng Klang đã giảm mạnh 15% xuống còn 3,3 triệu TEU trong sáu tháng đầu năm 2009. Nhưng Kee Lian Yong, Giám đốc Cảng vụ cảng Klang (PKA), cho rằng thương mại sẽ sớm phục hồi: “Sản lượng container thông qua cảng Klang đã có một số tín hiệu khả quan trong tháng 7 và tháng 8. Chúng tôi mong đợi kinh tế thế giới hồi phục sẽ khiến cho lượng hàng hóa tăng trở lại”.

Dựa vào một số tăng trưởng thấy được trong tháng 7 và tháng 8, PKA tin rằng lượng container thông qua cảng sẽ chỉ giảm 10% trong năm 2009. Tuy vậy, suy thoái cũng đã khiến cho kế hoạch phát triển cầu tàu mới ở cảng container Northport (thuộc cảng Klang) phải tạm dừng. Dự án trị giá 500 triệu ringgit (tương đương 144 triệu đô la Mỹ) dự kiến sẽ đưa thêm 350 mét cầu tàu vào hoạt động.

Tập đoàn Hutchison Port Holdings (HPH) có trụ sở tại Hồng Kông là một trong những nhà khai thác cảng năng động nhất khu vực Đông Nam Á với hệ thống cơ sở tại Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Dù thừa nhận rằng năm 2009 sẽ là một năm “nhiều thử thách”, bà Lily Chan, Giám đốc Công tác tổng hợp của HPH, vẫn tin rằng mô hình đa dạng loại hình các cảng của công ty sẽ giúp HPH phản ứng kịp thời trước những biến động trong ngành vận chuyển hàng hóa.

“Mặc dù đây không phải là thời điểm thuận lợi, chúng tôi vẫn luôn lưu tâm đến các cơ hội đầu tư nổi lên trong khu vực. Chúng tôi vẫn duy trì tiến độ xây dựng cảng Saigon International Terminals Vietnam (SITV) và việc đầu tư vào các cảng trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục mà không để bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế”, bà Chan nói.

SITV là cảng nước sâu cách TPHCM khoảng 75 ki lô mét về hướng Đông Nam. Cảng nằm trên sông Cái Mép - Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự kiến khai trương vào năm 2010 với 730 mét cầu tàu. Cũng trong khu vực này, hai cảng nước sâu đầu tiên của Việt Nam là Tân Cảng - Cái Mép của nhà khai thác cảng Việt Nam Tân Cảng Sài Gòn, và cảng SP-PSA, liên doanh giữa Cảng Sài Gòn và PSA cũng đã đi vào hoạt động từ đầu tháng 6 năm nay.

Các kế hoạch của HPH tại Laem Chabang (Thái Lan) cũng đang theo đúng lộ trình, ba khu cảng container sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2011. Cũng ở Laem Chabang, Cảng quốc tế Laem Chabang (Laem Chabang International Terminal) thuộc DP World (thành viên của Dubai World, tập đoàn hiện đang gặp vấn đề về khả năng thanh toán nợ) là một trong những cảng hiện đại nhất, được trang bị 8 cẩu post-panamax chụp đôi và cẩu giàn super post-panamax. Sáu tháng đầu năm 2009, sản lượng container thông qua các cảng ở Laem Chabang và Bangkok giảm tương ứng trên 16% và 15%.

Tại Indonesia, HPH sẽ đầu tư 167 triệu đô la Mỹ cho kế hoạch mở rộng thêm 29 hécta ở Jakarta, bao gồm bổ sung 15 héc ta bãi container cho cảng container quốc tế Jakarta (Jakarta International Terminal-JICT) do HPH khai thác, xây dựng khu cổng phức hợp mới, đường vận chuyển nội bộ và khu vực đậu xe. HPH cũng đã mua bổ sung cho JICT 4 cẩu giàn super post-panamax và 6 RTG. Một bãi chứa container rộng 4,5 héc ta cũng sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2009.

Như vậy, khi mà nhiều hải cảng chứng kiến sản lượng sụt giảm xuống mức đã đạt được vài năm trước, các nhà khai thác hàng đầu vẫn tự tin rằng họ sẽ nhanh chóng phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

(Theo Vũ Đặng Dương // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Cargosystems)

  • Doanh nghiệp vận tải biển: “Chúng tôi sắp hết hơi rồi!”
  • Các đội tàu biển Việt Nam đang...chìm
  • Logistics nội: 'Bán thân' cho nước ngoài?
  • Cảng biển Việt Nam: Nơi quá tải, chỗ thiếu công suất
  • 5 doanh nghiệp Pháp sẽ đến Việt Nam tìm hiểu ngành cảng biển
  • Phát triển Cụm Cảng số 5: Chệch định hướng ban đầu?
  • Vận tải Biển : “Chạy vạy” tìm lao động
  • Gần 100 tỷ đồng cho dự án cảng Hòn La giai đoạn 2
  • DN vận tải miền Trung : Khó vì cầu Bà Rén
  • DN vận tải miền Trung: Tiếp tục lao đao
  • Sửa chữa đồng bộ tại Ga Sóng Thần: Đợi 10 năm nữa?
  • Đau đầu bài toán hạ tầng sau cảng: Bao giờ cảng hết chờ đường
  • Hệ thống cảng nước sâu: Không ngừng được mở rộng và hiện đại hóa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container