Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cảng nước sâu và cơ hội cho hàng Việt Nam

Một tàu chở hàng loại lớn đang "ăn hàng" ở Tân Cảng - Cái Mép

Ngày 29-5, Cảng quốc tế SP-PSA đã khánh thành và đón chiếc tàu APL Alexandrite tải trọng 59.560 tấn với sức chứa đến 3.821 TEU. Ngay sau đó, vào ngày 3-6, cảng nước sâu Tân Cảng Cái Mép đón chiếc tàu MOL Premium trọng tải toàn phần lên đến 73.000 tấn, sức chở 6.350 TEU.

Đây là con tàu container lớn nhất từ trước đến nay cập cảng Việt Nam.

Những “tàu mẹ” nói trên cập cảng cùng với việc Công ty APL mở tuyến container đầu tiên trực tiếp giữa Mỹ và Việt Nam vào ngày 3 - 6 vừa qua đã mở ra một trang mới cho ngành vận tải biển Việt Nam khi hàng hóa từ Việt Nam có thể được vận chuyển trực tiếp đến các nước châu Âu, Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng trung gian như từ trước đến nay, giúp cho hàng hóa Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế do thời gian vận chuyển nhanh hơn và không phải chịu thêm chi phí chuyển tải.

 

Thời gian qua, do không có cảng nước sâu, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu nhiều thiệt thòi khi hàng hóa đến cảng đích phải mất nhiều thời gian và giá hàng hóa bị đội lên cao hơn so với hàng hóa cùng loại của các nước trong khu vực do phải trung chuyển qua các cảng ở Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Thái Lan.

  

Oái ăm nhất là có khi hàng hóa từ Việt Nam đến các cảng trung chuyển sau đó “tàu mẹ” lại phải đi ngược lại vùng lãnh hải Việt Nam rồi mới đến với thị trường thế giới. Hiện tại, chi phí chuyển tải mỗi container hàng hóa từ TPHCM qua Singapore để vận chuyển đi Mỹ mất 150 đô la Mỹ với container 20 feet và 200 đô la với container 40 feet.

 

Khi có các cảng nước sâu tại Bà Rịa - Vũng Tàu thì cho dù hãng tàu phải vận chuyển container bằng sà lan theo đường thủy nội địa từ TPHCM ra Bà Rịa - Vũng Tàu, họ vẫn còn giảm được chi phí đáng kể.

 

Bên cạnh đó, việc đưa các cảng nước sâu vào hoạt động và một loạt cảng khác đang được xây dựng trong thời gian tới cũng sẽ góp phần giảm tải đáng kể cho hệ thống giao thông của TPHCM, vốn đã quá bất cập với nhiều vấn nạn như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông...

 

Tuy nhiên, đổi lại quốc lộ 51 với nhiều đoạn đang bị xuống cấp trầm trọng lại bị sức ép rất lớn. Một khi hàng chục cảng biển dọc sông Cái Mép - Thị Vải đi vào hoạt động thì tuyến quốc lộ 51 sẽ không thể đáp ứng đủ lượng xe lưu thông rất lớn từ các cảng về các khu công nghiệp và ngược lại.

 

Thời gian để các hãng tàu vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ hoặc đường thủy nội địa từ TPHCM ra các cảng tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu để lên “tàu mẹ” sẽ tăng thay vì trước kia các tàu trung chuyển lấy hàng trực tiếp tại các cảng thuộc khu vực TPHCM. Điều này dẫn đến việc thay đổi trong quy trình giao nhận hàng gây chút ít khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Trước đây, thời hạn cắt máng (closing time) khi hàng hóa được vận chuyển trên các tàu trung chuyển xuất phát từ TPHCM là 24 giờ trong khi hiện tại các hãng tàu cần thêm khoảng 24 giờ nữa để chuyển container từ TPHCM ra Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Bảng khai hàng hóa cần phải có ngay trước khi tàu rời cảng thay vì chờ khoảng 2-3 ngày khi hàng hóa sắp lên “tàu mẹ” ở Singapore như cách làm lâu nay khiến cho các doanh nghiệp và các đại lý xuất nhập khẩu phải thúc đẩy việc lập bảng khai hàng hóa sớm hơn trước.

 

Vì thế, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần thích ứng ngay với tình hình mới nhằm mục tiêu lớn hơn là giảm thiểu chi phí chuyên chở, góp phần tăng thêm tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Tuy nhiên, về lâu dài, hệ thống đường sá vào các khu cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và đặc biệt là tuyến quốc lộ 51 cần phải được nâng cấp và mở rộng để đáp ứng kịp thời lưu lượng tàu về các cảng khu vực này ngày càng nhiều. Bởi thời gian tới sẽ có thêm nhiều cảng khác sẽ ra đời như dự án cảng của Liên doanh STIC và tập đoàn Hutchison Ports (Hồng Kông); dự án thuộc Liên doanh giữa Cảng Sài Gòn và tập đoàn A.P. Moller-Maersk (Đan Mạch); dự án do Vinalines và SSA Marine (Mỹ) cùng hợp tác đầu tư...

 

Theo kế hoạch, tuyến quốc lộ 51 sẽ được mở rộng lên sáu làn xe vào cuối năm 2009 và dự kiến hoàn thành trong hai năm, sau đó sẽ nâng lên tám làn xe. Bên cạnh đó, Văn phòng Thủ tướng cũng chỉ đạo việc thúc đẩy xây dựng dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu song song với quốc lộ 51 và dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nối với các cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải.

 

Đây là những thông tin khá tốt cho ngành vận tải biển Việt Nam nói chung trong quá trình hội nhập quốc tế. Một quy trình logistics thông suốt kết nối hệ thống cảng biển, các cảng cạn, đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt sẽ tạo cơ hội cạnh tranh rất lớn cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngược lại, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam cũng sẽ giảm bớt chi phí trung gian để người tiêu dùng được hưởng lợi hơn với chi phí rẻ hơn.

 

(Theo TBKTSG)

  • Doanh nghiệp vận tải biển: “Chúng tôi sắp hết hơi rồi!”
  • Các đội tàu biển Việt Nam đang...chìm
  • Logistics nội: 'Bán thân' cho nước ngoài?
  • Cảng biển Việt Nam: Nơi quá tải, chỗ thiếu công suất
  • 5 doanh nghiệp Pháp sẽ đến Việt Nam tìm hiểu ngành cảng biển
  • Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không: Khi tài nguyên quốc gia bị “chảy máu”
  • Cảng biển Hiệp Phước TPHCM: Hối hả cho ngày khánh thành
  • Top 15 hãng tàu container
  • Đường đi của một container
  • Đột phá trong tuyến hàng hải từ châu Á tới châu Âu
  • Cảng biển Việt Nam - Bao nhiêu tiền cho hết lạc hậu?
  • Vũ Hán lên kế hoạch cho cảng sông lớn nhất châu Á
  • Diện mạo cảng biển Việt Nam đến năm 2030
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container