Hiện, Việt Nam có 49 bến cảng với 217 cầu cảng, tuy nhiên đa số chưa được đầu tư ở tầm cỡ quốc tế. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng lại thiếu trầm trọng, trong khi lộ trình tự do hoá lĩnh vực này trong khối ASEAN vào năm 2015 sắp đến. Để hội nhập dịch vụ logistics, các nước ASEAN đã đề ra những nội dung nhằm tạo cơ hội và nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, trong đó có việc thực hiện tự do hoá thương mại, dỡ bỏ rào cản thuế và phi thuế quan cho hàng hoá lưu chuyển được thuận lợi, cụ thể là đến năm 2015, dòng thuế nội bộ ASEAN sẽ bằng 0. Quy mô... đại lý Theo hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (Viffas), hiện nay cả nước có hơn 1.000 doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, trong đó khu vực TP.HCM chiếm đa số với 600 – 700 doanh nghiệp. Nói về năng lực của các doanh nghiệp này, tiến sĩ Mai Xuân Thiệu, viện trưởng viện Logistics Việt Nam cho rằng, đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics trong nước có vốn chỉ từ 1 – 1,5 tỉ đồng. Thực tế này khiến các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu làm đại lý cho các công ty lớn xuyên quốc gia của nước ngoài và tham gia từng công đoạn của quá trình hoạt động logistics. Ngoài ra, ông Thiệu cho biết thêm, thực chất những số liệu thống kê về lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics hiện cũng chưa chính xác, lúc thì 1.200 doanh nghiệp, lúc thì 800 và ông mới đọc ở đâu đó con số 600. Ông Thiệu cho rằng, sở dĩ không có một con số thống nhất là do ở Việt Nam nhiều người còn chưa hiểu khái niệm logistics là gì. Với thực tế đó, ông Thiệu cho rằng, năng lực của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu là điều hiển nhiên. Chính vì thế, năng lực cung cấp dịch vụ logistics “trọn gói” còn nhiều hạn chế. Hầu như không có một nhà cung cấp dịch vụ logistics nào có khả năng cung cấp dịch vụ vận chuyển xuyên suốt trên toàn lãnh thổ Việt Nam kết nối với thị trường quốc tế với chi phí cạnh tranh, mà phải qua các nhà cung cấp dịch vụ của từng chặng. Hoạt động logistics của các công ty Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 25% thị phần, nhu cầu trong nước. Ông Thiệu cho biết thêm, phát triển mạnh về cảng biển không có nghĩa là phải có nhiều cảng, mà chỉ cần một vài cái. Tuy nhiên, những cảng đó phải được đầu tư bài bản, kết nối thông suốt và áp dụng được logistics. “Thực tế, ở nước ta cảng thì nhiều mà hầu hết không áp dụng được logistics, ngoại trừ Tân Cảng. Ở TP.HCM, có đến 80% container qua Tân Cảng Cát Lái, trong khi đường bộ kết nối vào cảng này lại chưa được thông suốt. Như vậy, những cảng khác có vẻ như bị dư thừa”, ông Thiệu nhận định. Chưa xứng tiềm năng Tại diễn đàn logistics và dịch vụ cảng biển Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu mới đây, thứ trưởng bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng hoạt động dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện đang trong giai đoạn đầu phát triển. Do đó, tổng chi phí logistics của Việt Nam trong năm 2010 khoảng 20 tỉ USD, tương đương 20 – 25% GDP, cao gần gấp đôi so với Singapore, chỉ khoảng 8 – 9%. Trong đó, chi phí cho khâu vận tải hàng hoá chiếm đến 50 – 60%. Trong khi đó, nếu giảm được 1% chi phí logistics có thể dẫn đến việc tiết kiệm nguồn lực tương đương 0,15 – 0,2% GDP. Vì thế, trên bản đồ thế giới, Việt Nam hiện được xếp thứ 53 trong số 155 quốc gia có hoạt động logistics và đứng thứ năm trong khu vực ASEAN. Điều này theo đánh giá của nhiều chuyên gia là chưa thực sự xứng đáng với tiềm năng mà Việt Nam đang có. Theo ông Nguyễn Hùng, chánh văn phòng Viffas, chậm nhất là đến năm 2014, Việt Nam phải mở cửa lĩnh vực logistics theo lộ trình cam kết WTO, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển thì quá chậm trễ. Do đó, ông Hùng đề xuất, Chính phủ cần nhanh chóng thể chế hoá thúc đẩy thị trường, trong đó có những chính sách ưu đãi về thuế. Bên cạnh đó, cần thành lập ngay uỷ ban quốc gia về logistics để có thể kết nối các bộ, ngành, doanh nghiệp với nhau. Bởi, theo ông Hùng, nếu không thì tình trạng hạ tầng giao thông sẽ phát triển một kiểu, cảng biển phát triển một hướng, khu công nghiệp đi một nẻo. Không nhanh chóng chấn chỉnh, các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ khó mà cạnh tranh khi thị trường này mở cửa. CA HẢO// Theo SGTT
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com