Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kiên trì xây dựng thương hiệu máy tính Việt

Ông Nguyễn Phước Hải.

Thời gian gần đây, phần lớn các thương hiệu máy tính Việt Nam có vẻ đuối sức và nản chí trong cuộc cạnh tranh với hàng ngoại. Song, CMS vẫn kiên định đi theo con đường đã chọn: xây dựng thương hiệu máy tính Việt. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Công ty Máy tính CMS (17-5-1999—17-5-2009), TBVTSG đã trao đổi với Tổng giám đốc Nguyễn Phước Hải về hoạt động kinh doanh của công ty này.

- TBVTSG: Gần đây, nhiều thương hiệu máy tính trong nước đã chuyển hướng sang gia công cho các thương hiệu ngoại hoặc giảm đầu tư cho hoạt động sản xuất. Trong khi đó, 10 năm qua CMS vẫn kinh doanh có hiệu quả. Xin ông cho biết, nhờ đâu mà CMS có thể làm được như vậy?

- Ông Nguyễn Phước Hải: Để thành công, CMS đã phải kiên định hướng tới mục tiêu xây dựng một thương hiệu máy tính nội địa như nhiều quốc gia khác đã làm (Samsung, LG của Hàn Quốc, Lenovo của Trung Quốc…), tìm cách vượt qua mọi khó khăn và thách thức. Một số công ty trong nước lúc đầu cũng có tâm huyết với việc phát triển thương hiệu máy tính Việt Nam.

Tuy nhiên, sau một thời gian họ đã mất đi tính kiên định khi gặp khó khăn, trong khi kinh doanh thương mại thuần túy (gia công, phân phối) dễ dàng hơn nên họ đã chuyển hướng.   Trên thực tế, phong trào máy tính thương hiệu Việt Nam có được những thành công bước đầu là nhờ có sự đóng góp của nhiều thương hiệu, chứ không chỉ CMS. Mặc dù hiện đã có một số doanh nghiệp rút lui nhưng tôi tin rằng CMS sẽ không đơn độc.

- Vì sao CMS lại chọn việc xây dựng thương hiệu máy tính Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh gay gắt như hiện nay, thưa ông?

Việt Nam vẫn còn thiếu những thương hiệu và sản phẩm mang nhiều giá trị gia tăng của riêng người Việt. Nếu không có quyết tâm của doanh nghiệp, của chính phủ, của người tiêu dùng thì Việt Nam mãi mãi chỉ là nơi cung cấp nguyên vật liệu thô, hoặc phải làm gia công cho thế giới… Trong khi đó, với hơn 80 triệu dân, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho công nghiệp phần cứng. CMS tin tưởng sẽ chiếm lĩnh được thị trường nội địa nên quyết đi theo con đường đã chọn.  

Hơn nữa, các thương hiệu máy tính ngoại sẽ không xây dựng được những sản phẩm đặc thù phục vụ cho thị trường một nước, mà chủ yếu là những sản phẩm quốc tế phù hợp cho những nhu cầu chung. Do đó, phát triển thương hiệu máy tính nội địa là cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Trong bối cảnh đó, thương hiệu máy tính nội địa chắc chắn sẽ có đất sống.  

- Có ý kiến cho rằng, trước đây CMS chỉ có lợi thế trong mảng máy tính để bàn và thị trường dự án của chính phủ do các hãng ngoại không quan tâm tới phân khúc này. Khi thị trường này “cạn”, CMS sẽ khó khăn. Ông nghĩ sao về điều này?  

- Đúng là trước đây CMS mạnh ở mảng máy tính để bàn phục vụ cho các dự án. Song, chính sách gần đây của công ty là đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm sang thị trường tự do, cá nhân. Về cơ bản, việc tiêu thụ sản phẩm ở thị trường dự án hay cá nhân đều khó. Bởi yếu tố quan trọng để tiêu thụ được sản phẩm là có đáp ứng được yêu cầu và chuẩn mực mà khách hàng cần hay không chứ không phải là bán với giá rẻ. Chỉ bán rẻ thôi chưa chắc đã thành công. Khi CMS chuyển hướng sang thị trường cá nhân chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Song chúng tôi đã quen với việc đối đầu với khó khăn.  

Cách đây 10 năm, khi CMS bắt đầu tham gia thị trường máy tính, chưa ai quan tâm tới máy tính thương hiệu Việt. Người sử dụng chỉ biết có hai dạng sản phẩm : máy tính giá thấp không thương hiệu được lắp ráp của các phố tin học hoặc máy tính thương hiệu ngoại với giá cao. Nhưng trên thực tế, người tiêu dùng vẫn cần một chiếc máy tốt về chất lượng, dịch vụ, được bảo đảm bởi một thương hiệu có thể tin tưởng được nhưng lại có giá cả vừa phải.

Sau một năm gia nhập thị trường, khi CMS bán ra được 10.000 máy tính, nhiều người đã ngạc nhiên. Trong khi đó, các hãng máy tính nước ngoài vào Việt Nam đã không thành công do có giá bán cao. Bởi máy tính cho các dự án không chỉ phải đạt yêu cầu về chất lượng mà còn về chi phí trên giá trị mang lại. Chưa kể các hãng nước ngoài lại không chịu đầu tư về dịch vụ. Đến giờ cũng vậy, chưa có doanh nghiệp máy tính nào đầu tư điểm dịch vụ tại toàn bộ các tỉnh thành trên cả nước như CMS.

Do đó, không thể nói CMS “vào” được các dự án của chính phủ là do được ưu ái. Trên thực tế, CMS đã nỗ lực trong một mảng thị trường mà trong một thời gian dài các thương hiệu máy tính ngoại không nỗ lực thúc đẩy. Và CMS đã thành công. Điều này cũng minh chứng cho việc luôn luôn có cơ hội cho các nhà sản xuất máy tính nội địa.

- Mới đây, CMS lại chuyển hướng mạnh sang thị trường máy tính xách tay (laptop), nơi được xem là sân chơi của các thương hiệu ngoại. Liệu CMS có cạnh tranh nổi hay không?

- Cách đây vài năm, máy tính xách tay được xem là món hàng đắt tiền cho những nhu cầu quan trọng. Song, xu hướng tiêu dùng đang chuyển dần sang máy tính xách tay. Người Việt Nam cũng như một số nước châu Á đều có tâm lý sính hàng ngoại, nhất là với máy tính. Do dó, CMS cần phải có thời gian để làm thay đổi tâm lý “chỉ có hàng ngoại mới tốt” và chứng minh máy tính xách tay của CMS có chất lượng cũng như dịch vụ hậu mãi tốt.  

CMS tham gia thị trường này từ năm 2001 nhưng mới đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Đến hết năm 2008, tỷ trọng máy tính xách tay chiếm hơn 10% doanh số của CMS, và mục tiêu đến hết năm 2011 sẽ là 30-50%. Những năm gần đây, doanh số máy tính xách tay của CMS thường tăng trưởng gấp đôi. Đây chính là dấu hiệu chấp nhận của thị trường và là cơ hội cho CMS.  

Hiện mẫu mã sản phẩm của CMS đang được cải thiện nhiều, thậm chí chưa chắc thua kém hàng ngoại. Bởi ở thị trường máy tính xách tay, nhà sản xuất linh kiện, thiết bị có khi kiêm luôn thiết kế sản phẩm nên CMS cũng có cơ hội như những thương hiệu máy tính khác khi lựa chọn thiết bị và mẫu mã. Do đó, sẽ có tình trạng một số sản phẩm có thiết kế và quy chuẩn giống nhau, chỉ khác ở cái logo của đơn vị lắp ráp. Tôi tin dần dần người sử dụng sẽ cảm nhận được điều này và sẽ chấp nhận sản phẩm của CMS nhiều hơn. Ngoài ra, lợi thế cơ bản của CMS là có dịch vụ ở quy mô rộng khắp.  

Theo tôi, hội nhập quốc tế không có nghĩa là mọi người đều dùng một thương hiệu. Chắc chắn sẽ không có thương hiệu nào thống lĩnh. CMS đã được biết đến ở thị trường máy tính để bàn, đây là điểm khá thuận lợi cho việc “tiến vào” thị trường máy tính xách tay. Nhưng liệu CMS có tạo được thế mạnh tại thị trường này như với máy tính để bàn hay không lại tùy thuộc vào những nỗ lực lớn, từ nghiên cứu phát triển sản phẩm, kinh doanh đến kiểm soát chất lượng sản phẩm. Giá có thể giảm so với hàng ngoại nhưng không được giảm phẩm cấp. CMS đang nỗ lực làm những điều đó và đặt ra mục tiêu hai năm nữa sẽ chiếm 10% thị phần máy tính xách tay ở Việt Nam.  

- Cùng với kế hoạch kinh doanh đó, xin ông cho biết CMS có ý định mở thêm nhà máy không?

- Hiện CMS có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, doanh thu năm 2008 là 640 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2007. Kế hoạch doanh thu năm 2009 của CMS ít nhất là 800 tỷ đồng. Hiện công ty có 220 người (trong đó có 60 người làm việc tại nhà máy ở Hà Nội). Với quy mô tiêu thụ như hiện tại, CMS chưa cần phải có thêm nhà máy. Song, cùng với kế hoạch đẩy mạnh thị trường, có thể trong 2-3 năm nữa CMS sẽ mở thêm nhà máy tại phía Nam.

(Theo Vân Oanh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Tái cấu trúc” bản thân
  • Xây biệt thự từ phế phẩm
  • Chiến sĩ Điện Biên thành triệu phú nuôi ong
  • Thành tỷ phú từ nghề nuôi dế
  • “Vua” ong mật
  • Tỷ phú… dược liệu
  • Tỷ phú vùng sơn cước
  • Đại gia Việt trên đất Triệu Voi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao