10 năm ròng, cả khi ở vị trí quản lý, Trương Văn Phước được sống trong sự chóng mặt, căng thẳng, áp lực và cả mê hoặc của một dealer ngoại tệ. |
Hà Nội, một ngày cuối năm, góc cà phê vắng, người đàn ông tóc hoa râm mắt long lanh nhớ về quãng thời gian sôi nổi nhất của đời mình...
Đó là “ông tỷ giá”, theo cách gọi thân mật của cánh phóng viên tài chính. Còn hai mươi năm về trước, bạn bè quen gọi ông là người buôn tiền, hay một dealer ngoại tệ chuyên nghiệp. Bản thân ông, trước sau như một, dù ở vị trí nào, công việc nào, niềm đam mê lớn nhất của cuộc đời vẫn là tỷ giá.
Từ vị trí của cơ hội…
Một kẻ ngoại đạo. Trương Văn Phước đến với lĩnh vực tài chính, ngân hàng bằng lưng vốn của một cử nhân chuyên toán. Đó là năm 1982. Nhanh nhẹn, nhiệt tình và thêm chút may mắn, anh công chức trẻ được tín nhiệm và trở thành thư ký của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Long An – một vị trí của cơ hội.
Cơ hội để được học. Cơ hội cho người biết mình không biết những gì. Cơ hội để mon men tìm đường đến với những điều chưa biết.
Những ngày theo chân lãnh đạo tới miền xa của vùng Đồng Tháp Mười, lần đầu tiên trong đời ông được hiểu một cách cụ thể giá trị của đồng vốn đối với người nông dân, cách đưa nó đến với họ và quản lý như thế nào để an toàn, hiệu quả… Nhiều người về sau quen thân với ông cho rằng: ông Phước bắt đầu hiểu tín dụng ngân hàng bằng những trải nghiệm đó, những bài học đầu tiên của ông không phải ở giảng đường, mà từ ruộng đồng.
Là cơ hội lớn khi anh thư ký có điều kiện thường xuyên tiếp cận các cuộc họp bàn quan trọng của lãnh đạo tỉnh Long An. Lúc bấy giờ, Long An là tỉnh đầu tiên được lựa chọn thí điểm cơ chế một giá. Quan điểm đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh đặt ra tại đây từ năm 1983, thực sự mới mẻ với kẻ ngoại đạo này. Tố chất của một cử nhân toán học, chuyên về lĩnh vực điều kiện tối ưu hóa giúp Phước nhanh chóng nắm bắt các vấn đề.
Lợi thế về kiến thức toán học cùng vốn tiếng Anh khá cũng giúp ông nắm cơ hội để trao đổi chuyên môn với người trong ngành, khi ông giúp bồi dưỡng kiến thức toán học cho một số cán bộ ngân hàng, đăng ký thi vào đại học ngân hàng khoa tại chức hoặc chuyên tu. Con đường tự học giúp ông khẳng định mình tại các khóa quy hoạch cán bộ. Từ thư ký Giám đốc, sau hai năm nhập ngũ, năm 1988 anh cán bộ trẻ trở về với vị trí quyền Trưởng phòng Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An.
Sau 6 năm phấn đấu, tưởng như thành công đến nhanh với một cán bộ trẻ. Nhưng con đường Trương Văn Phước đi về sau có những ngã rẽ bất ngờ…
… đến câu nói của một người thầy
“Nếu không có một sự cố trong đời thì có lẽ tôi đã đi ở một con đường khác. Năm 1990, bà xã tôi bị tai nạn mất, con nhỏ mới 4 tuổi. Hai bố con bơ vơ bởi từ miền Trung vào Nam lập nghiệp có mấy ai thân thích. Từ sự cố đó, tôi quyết định lên Tp.HCM. Nhưng chưa biết đi đâu, làm gì”, ông Phước kể lại.
Một lần chạy xe trên đường Hàm Nghi, mông lung và chợt nhớ tới nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Dương, người từng quen biết với ông giám đốc mà mình làm thư ký, ông nảy sinh ý “liều”: 12h trưa, tìm nhà gõ cửa, nhờ xin việc. Bước khởi đầu của một dealer chuyên nghiệp bắt đầu từ đây.
Trương Văn Phước được giới thiệu và được nhận về Phòng Kinh tế kế hoạch và Kinh doanh ngoại tệ - Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh Tp.HCM. Nhiệm vụ ban đầu là nhân viên điều phối vốn phục vụ hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh Việt Nam bị cấm vận, các tài khoản Đô la không được mở ở Mỹ mà phải mở qua các thị trường khác như Anh, Nhật, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore… Yêu cầu đặt ra là cân đối, điều phối các dòng tiền đi, tiền về để lựa chọn những điểm đặt tiền cho hiệu quả, để đảm bảo lưu thông nguồn ngoại tệ tại Tp.HCM. Công việc này đặt ông vào yêu cầu phải tìm hiểu và xác định các vấn đề tỷ giá.
Ông nhớ lại: “Hồi đó, mình muốn đồng Yên Nhật để thanh toán thì phải gửi thư nhờ đối tác mua hộ. Sau này thì thấy vô lý, mình đưa tiền cho họ đi chợ mà không biết mua bán giá nào, cứ đưa Đô la, họ mua Yên rồi chuyển vào tài khoản cho mình. Trong đầu mình thấy nó vô lý. Giả sử họ ăn gian thì sao?”.
Đó là suy nghĩ trực quan, mộc mạc của một người làm ngoại hối trực tiếp trong những ngày đầu. Sự mộc mạc khởi đầu cho những tính toán và lý luận mà “ông tỷ giá”, theo cách gọi về sau, theo đuổi.
“Với suy nghĩ này, khi gặp gỡ với một số đối tác, tôi đề nghị có thể mua bán ngoại tệ trực tiếp, thay vì tôi viết thư gửi nhờ anh mua dùm. Tôi muốn giao dịch hàng ngày, anh fax cho tôi thông tin về tỷ giá. Từ đó mới bắt đầu biết tỷ giá các đồng tiền hàng ngày như thế nào. Thế rồi khi giao dịch, mình còn mộc mạc lắm. Mình cần bán USD để lấy Yên, họ báo 1 USD là 120 Yên, mình hỏi là 125 Yên được không? Chắc bên đó hẳn họ nghĩ mình là người không bình thường”, ông Phước cười hồn nhiên khi nhớ lại những ngày khởi đầu ấy.
Chắc là đối tác “thông cảm”, rồi hỗ trợ bằng cách mời qua nước ngoài đào tạo. Ngày đó, cùng với ông Nguyễn Hòa Bình (Chủ tịch Vietcombank hiện nay), Trương Văn Phước sang Singapore học việc. Câu nói của đời người đến với ông ở cơ hội này.
Người thầy tỷ giá đầu tiên của Trương Văn Phước, Alexandre Xavier, cũng là một dealer nổi tiếng, nói về tỷ giá rằng: “Chúng ta không cần biết đó là cái gì. Điều mà chúng ta cần biết là thị trường đang nhìn nó là cái gì. Anh không cần biết, không quan tâm đồng USD, Yên, Franc đúng giá hay chưa, mà cần biết mọi người đang nghĩ nó sẽ ra làm sao. Anh phải cảm nhận những cái nhìn khác nhau của thị trường về nó”.
Về sau, câu nói đó ảnh hưởng suốt 20 năm làm ngoại hối của Trương Văn Phước. Nó tác động đến quan điểm, cách làm của ông, mà có một số người phê phán là thị trường quá…
Sau này, khi nghiên cứu sâu về các học thuyết kinh tế, khi làm luận án tiến sĩ kinh tế chuyên về lý thuyết tỷ giá, có cơ hội tiếp cận lý thuyết “Kỳ vọng hợp lý trong một thị trường hiệu quả”, ông xâu chuỗi lại quan điểm của mình, rằng: “Cái ta cần biết là kỳ vọng của thị trường. Nếu ta không biết, không quan tâm đến nó thì ta bị cô lập và sẽ có cái nhìn phiến diện. Nhưng thế nào là kỳ vọng hợp lý thì lại là vấn đề khác. Anh phải tạo ra một thị trường hiệu quả mà ở đó các luồng thông tin lan tỏa, công khai, minh bạch, mọi người đều bình đẳng, công bằng khi đón nhận những luồng thông tin đó, từ đó tạo ra kỳ vọng hợp lý. Khi nắm được điều đó, anh có thể nắm được, đoán được đường đi nước bước của thị trường”.
Và một dealer “mơ mộng”
Sáng học lý thuyết, chiều vào phòng kinh doanh ngoại tệ (dealing room), anh cán bộ ngoại hối của một ngân hàng thanh toán quốc tế hàng đầu Việt Nam chóng mặt với thực tế, ngã ngửa với sự hồn nhiên của mình trước đó khi thấy tỷ giá các đồng tiền biến động từng giây; khi biết dealing room nối mạng với những người môi giới (broker) để kết nối liên tục các nguồn thông tin, loan tới hàng chục nghìn dealer trên thế giới và các quyết định, giao dịch chỉ diễn ra trong khoảng khắc…
Ở hệ thống đó, lý thuyết thị trường hiệu quả được hiện thực qua các thông tin từ broker; họ đưa tới các dealer khắp thế giới tiếp nhận để tạo kỳ vọng về biến động của tỷ giá.
Vỡ vạc và say mê. Đây là thời điểm tỷ giá và những vấn đề của nó thực sự ngấm vào con người Trương Văn Phước. Từ năm 1990 - 2000, hầu như năm nào ông cũng được qua Singapore để cập nhật và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.
Và năm 1992, lần đầu tiên tại Việt Nam, tại Vietcombank Tp.HCM có một quầy giao dịch được dựng lên, lắp màn hình truyền thông tin từ Reuters với diễn biến tỷ giá các đồng tiền trên thế giới, do các dealer thực thụ đảm nhiệm. Trương Văn Phước phụ trách và trực tiếp giao dịch. Nhóm chỉ vẻn vẹn 3 người, sáng tham gia thị trường Hồng Kông, Singapore, chiều đến thị trường London, Đức… Hãy thử xem, cách đây hai mươi năm, doanh số nhóm này giao dịch mỗi ngày có từ 100 - 300 triệu USD!
10 năm ròng, cả khi ở vị trí quản lý, Trương Văn Phước được sống trong sự chóng mặt, căng thẳng, áp lực và cả mê hoặc của một dealer ngoại tệ. Và khi các vấn đề tỷ giá được ông khái quát lên thành những quan điểm thu hút sự chú ý của giới chuyên môn, học thuật và nhà quản lý, thì đó không chỉ là một dealer mẫn cán với nhiệm vụ nữa…
Ngay những ngày đầu vào nghề, trong đầu của dealer trẻ hai mươi năm về trước đã từng đặt ra suy nghĩ, và ông từng viết: “Cũng giống như lá cờ Việt Nam tung bay trên đấu trường Sea Games hay Olympic, một ngày nào đó 3 mẫu tự VND sẽ xuất hiện trên màn hình Reuters của các dealing room quốc tế và biết đâu lúc đó nước Việt Nam sẽ trở nên thân thiết với phần còn lại của thế giới hơn nhiều”.
“Mơ mộng!” - ông nói khi nhớ lại suy nghĩ và tình cảm của mình ngày đó. Bởi thực tế đến hôm nay, để có được một đồng Việt Nam tự do chuyển đổi và “tung bay” trên thị trường thế giới là một con đường không đơn giản…
Sự không đơn giản được ông nhấn mạnh ở quan điểm: “Cái khó của tỷ giá hối đoái là nghiên cứu rất sâu về lý thuyết, lại phải nghiên cứu rất sâu lý thuyết đó có phù hợp với tiến trình phát triển của một nền kinh tế đặc thù hay không”.
“Không nên chiết xuất ra một cơ chế tỷ giá nào đó để cấy ghép vào thân của một nền kinh tế khác, hệt như không thể chiết một cành đào để ghép vào một cây mai Nam Bộ. Nó có thể ra hoa trong vài ngày Tết, nhưng không thể sống được lâu dài”.
Ngừng câu chuyện về quãng thời gian sôi nổi nhất của đời mình, ông Phước nhìn theo dọc con phố lớn của Hà Nội. Ngoài kia, những hàng cây đang thay lá để đón chào một mùa xuân mới.
(Theo Minh Đức// Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com