Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyện về ông "vua chè"

Thu hái chè ở Cao Bồ, Vị Xuyên.
Ảnh HẢI SƠN
-Hà Giang là vùng chè nổi tiếng từ lâu đời. Nơi đây có những vùng chè Shan tuyết cổ thụ ở độ cao từ 800 m đến gần 2.000 m so với mặt biển, như ở huyện Hoàng Su Phì, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần, với tổng diện tích trên 10.000 ha/15.500 ha chè toàn tỉnh; cây chè cao năm đến sáu m, thân to nhiều người  ôm, thu hái đến hàng chục, trăm năm mà vẫn cho năng suất, sản lượng tốt.

 Qua bao thăng trầm thời gian, do những khó khăn khách quan và chủ quan, cây chè Hà Giang thăng trầm, đến đầu những năm 90 của thế kỷ 20 cũng chưa thật sự trở thành thế mạnh, mũi nhọn và chưa  thành hàng hóa lớn, do vậy, ít người biết đến. Từ Ðại hội 13 Ðảng bộ Hà Giang, nhiệm kỳ 2000- 2005, cây chè Hà Giang mới thật sự lột xác và đổi mới. Cuối năm 2009, tôi đến "đại bản doanh" của Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cường Nguyễn Thanh Hùng, một cựu chiến binh ở huyện Vị Xuyên, cách thị xã Hà Giang 17 km.  Lẫn trong những người công nhân, mồ hôi lấm tấm trên trán, nước da mầu nắng, tiếng máy chạy ầm ầm, từ xa tôi đã nhận ra giám đốc Hùng đang hướng dẫn, trao đổi công việc với anh em công nhân. Cái bắt tay rắn chắc của người lính năm xưa còn ram ráp sạn bụi nơi lòng bàn tay.

Thả bộ theo những con đường trong khuôn viên công ty, anh Hùng đưa tôi đi thăm các khu nhà gồm: Khu công sở, văn phòng làm việc; khu khách sạn, nhà ăn tập thể; khu thể thao, giải trí; khu nhà máy đóng gói sản phẩm; khu kho hàng; khu chăn nuôi, khu trồng rau màu (VAC)... Qua câu chuyện tôi được biết, công ty thành lập đến năm 2009 là 11 năm. Giá trị tài sản của công ty hiện có theo giá thực tế đạt hơn 120 tỷ đồng, với 5 nhà máy chè công suất mỗi nhà máy từ 15 đến 30 tấn chè tươi/ngày, trong đó có nhà máy chè Việt Lâm, công ty vừa đầu tư 1 triệu USD, công nghệ Ấn Ðộ, cải tạo từ sản phẩm chè búp đóng hộp chuyển sang chè túi lọc... Số công nhân lao động bình quân của công ty 300 người, khi vào thời vụ lên đến hơn 500 người. Hằng năm công ty chế biến, xuất khẩu chè các loại ra thị trường châu Á, châu Âu... từ 2.000 đến gần 3.000 tấn chè, cho doanh thu bình quân từ 50 tỷ đồng trở lên.
Anh Hùng tâm sự:

- Cuộc đời tôi cũng chìm nổi lắm. Năm 1965 giữa lúc máy bay Mỹ đánh phá ác liệt miền bắc, tôi đi bộ đội, lính phòng không. Năm 1968 được kết nạp Ðảng. Năm 1969 đi chiến trường Lào, rồi sang Cam-pu-chia, về chiến trường miền nam. Năm 1975 tham gia giải phóng Sài Gòn. Năm 1976 ra quân với quân hàm thượng sĩ, trung đội trưởng. Lúc đó tôi có ý định về quê hương Nam Ðịnh, nhưng nghĩ quê mình đất hẹp người đông, làm ăn chắc khó. Mình còn trẻ, nên đi xa tìm nơi nào đó sinh sống. Tôi có người đồng đội ở tỉnh Hà Tuyên cũ, thế là tôi lên Tuyên Quang, xin vào công ty Ngoại thương tỉnh. Ðến năm 1991, Hà Tuyên được chia tách, tôi lại khăn gói lên Hà Giang.

Dạo đó cơ chế kinh tế còn rất bó, vừa có chút mở, vừa giữ bao cấp. Kinh doanh ngoại thương là phải buôn bán, năng động. Tôi đã mở rộng hoạt động của công ty kinh doanh nhiều lĩnh vực, nhiều mặt hàng, thành lập các chi nhánh vệ tinh ở Hà Nội, Hải Phòng... để giao dịch, liên doanh, liên kết. Nhiều năm công ty phát đạt hẳn lên, doanh thu hàng chục tỷ đồng, nộp ngân sách vài tỷ, đời sống người lao động được cải thiện. Nhưng cũng có người cho thế là "vượt khung". Năm 1998, tôi quyết định chuyển ra ngoài và thành lập công ty tư nhân, đi lên bằng nghị lực và phẩm chất của một người lính...

Công ty của anh Hùng bắt đầu từ làm ăn nhỏ, thu mua chè bán trong nước, xuất khẩu ủy thác, bán thị trường Trung Quốc... Dần dần có vốn, anh nghĩ ngay là phải đầu tư chiều sâu, mở rộng quy mô kinh doanh, lấy sản xuất làm gốc, gắn với chế biến, xuất khẩu; xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh chiến lược, tiến hành khảo sát các vùng chè, phối hợp với chính quyền các huyện, xã và bà con vùng chè. Anh Hùng từng bước cùng với các cấp chính quyền vùng chè ở huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Quang Bình... có cơ chế giúp đỡ bà con nông dân phát triển cây chè như: giống, phân bón hữu cơ, trích thưởng cho người sản xuất  hoàn thành vượt kế hoặch, chất lượng tốt; hướng dẫn nông dân cách thu hái, chế biến sao cho giữ được chất lượng chè búp tươi bảo đảm hương vị tự nhiên. Ðặc biệt về giá thu mua chè, giám đốc Hùng luôn bảo đảm thu mua hợp lý cho người sản xuất, trung thực trong khâu tuyển chọn, phân loại chất lượng chè, thanh toán đầy đủ, sòng phẳng... Hai năm 2007 - 2008 có một số tư thương trong và ngoài tỉnh, cả tư thương người Trung Quốc nhảy vào kích giá thu mua chè các loại, vận động ngầm bà con chặt nhiều ha chè cổ có tuổi đời chục, trăm năm đem bán lấy gỗ... Do thiếu thông tin, nhiều bà con ở các vùng chè đi chặt hạ những cây chè cổ đem bán, mỗi mét dài thân cây chè vài trăm nghìn đồng. Bằng tuyên truyền, bằng bảo đảm vật chất Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường và cây chè Hà Giang vẫn đứng vững. Giữ và phát triển cây chè, hiện công ty đã có năm nhà máy chè của công ty đặt ở các vùng trọng điểm chè là nhà máy chè Việt Lâm, công suất hơn 20 tấn chè tươi/ngày; nhà máy chè Hùng Thắng, công suất  30 tấn chè tươi/ngày; nhà máy chè Cao Bồ, công suất 15 tấn chè tươi/ngày; nhà máy chè Tân Lập, công suất 15 tấn chè tươi/ngày, nhà máy chè Vị Xuyên công suất 30 tấn chè tươi/ngày. Các sản phẩm chè xanh, chè đen, chè vàng, chè Phổ Nhĩ đóng gói, xuất khẩu khắp các nước như Nga, Anh, Pháp, Ðức, Hàn Quốc, Ðài Loan, Hồng Công (Trung Quốc) v.v... Ðặc biệt, mặt hàng chè Phổ Nhĩ đóng bánh, với nhiều mẫu mã đa dạng có thể để được rất lâu đến hàng chục năm mà không bị mốc, mất mùi vị. Năm 2008 và năm 2009, mặc dù công ty gặp khó khăn chung do ảnh hưởng lạm phát của nền kinh tế thế giới và trong nước, giá cả vật tư, chi phí sản xuất - kinh doanh tăng cao... nhưng công ty đạt doanh thu năm 2008 gần 60 tỷ đồng, vượt hơn 20 tỷ đồng so năm 2007. Năm 2009, Công ty phấn đấu đạt doanh thu gần 90 tỷ đồng, tăng hơn 20 tỷ đồng so năm 2008. Hằng năm công ty nộp ngân sách từ 400 triệu đến 600 triệu đồng . Thu nhập của người lao động cao nhất đạt 4,5 triệu đồng.

Tâm sự với tôi về "bí quyết" làm ăn của mình, anh Nguyễn Thanh Hùng  nói:

- Phải có chữ tín. Muốn có chữ tín phải có tâm.

Chia tay người cựu chiến binh bước sang tuổi 60, Giám đốc Nguyễn Thanh Hùng, trong lòng tôi thật cảm phục, yêu mến một con người biết khát khao cống hiến, biết vượt lên khó khăn, biết tôi luyện nghị lực, niềm tin, dù là muộn mằn, dù là ít ỏi, nhưng đó là tự hào, góp phần vào xây dựng quê hương, đất nước mạnh giàu.

Cây chè Hà Giang đang có nhiều hứa hẹn. Năm 2010, tỉnh sẽ đầu tư khoảng 151 tỷ đồng vào ngành chè, để chè Hà Giang vươn xa, bay xa... Tôi tin ở một tập thể công ty- những con người biết đoàn kết, cần cù, sáng tạo; tin ở những con người như Nguyễn Thanh Hùng, nhũng người không bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn, làm giàu đẹp cho quê hương, đất nước.

(Theo ĐẶNG QUANG VƯỢNG // Báo Nhân dân điện tử)

  • Nữ doanh nhân Bùi thị Quy: Lặng lẽ góp mật cho đời
  • Nguyên Tổng Giám đốc JPA: Thành công và thất bại
  • Trò chuyện với tỷ phú nông dân
  • Doanh nhân Đoàn Ngọc Hùng: Đam mê và nghị lực
  • Những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam
  • Hà Dũng: Mang nợ vì giấc mơ bay
  • Nếu thiếu tin tưởng, mọi con đường sẽ xa xôi, âm u hơn
  • Người gây dựng sản phẩm công nghệ “Made in Vietnam”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao