Quyết định hủy lịch bay của Indochina Airlines đã được Cục Hàng không đưa ra chiều qua, 26/11, với nhận định cần rút thương quyền vận chuyển và rút giấy phép kinh doanh của hãng này
Indochina Airlines (ICA) của ông ngừng bay là điều có thật?
ICA chỉ ngừng bay một thời gian để đến ngày 15/12, ICA lại mở cửa đón khách.
Trả lại máy bay để giảm chi phí
Tức là ICA đã được “bơm” tiền như thông tin mọi người truyền miệng?
- ICA đã bay được một năm và đó là khoảng thời gian tạo dựng thương hiệu. Khi xây dựng được thương hiệu, ICA bước vào giai đoạn phát triển dựa trên cơ sở được tính theo hiệu quả kinh tế, phải kiếm lợi cho công ty. Và để có thể làm được điều này, công ty chúng tôi phải tiết giảm kinh phí. Như vậy, việc tái cấu trúc toàn bộ công ty là điều cần thiết.
Trong đó có cả việc giảm bớt những nhân viên làm việc không hiệu quả và quan trọng nhất là giảm bớt chi phí thuê máy bay. Thời gian ngừng bay chính là lúc chúng tôi thương thảo lại hợp đồng thuê máy bay.
Chúng tôi trả lại máy bay cũng là một cách để giảm chi phí. Khi quá trình thương thảo chưa hoàn thành thì việc máy bay không bay là chuyện đương nhiên. Nhưng dù không bay, chúng tôi vẫn phải trả tiền thuê theo hợp đồng. Vậy thì vì cớ gì chúng tôi không trả lại máy bay để cắt giảm một mức phí đáng kể.
Nhưng điều quan trọng nhất là hợp đồng thỏa thuận thuê máy bay của chúng tôi với Travel Service trong thời gian tới đã thành công để bắt đầu từ ngày 15-12, ICA sẽ hoạt động trở lại với không chỉ một chiếc máy bay mà là 3 chiếc với tần suất bay tăng hơn trước.
Ông bảo ngừng bay để thương thảo hợp đồng mới?
- Ở VN thời điểm này là cao điểm nhưng ở châu Âu lại là mùa thấp điểm về lượng khách. Dựa vào yếu tố đó, chúng tôi làm sức ép với đối tác để hạ chi phí thuê máy bay theo giá thuê mùa đông. Ước tính, giá thuê mới thấp hơn vài chục phần trăm so với giá thuê trước đây.
Liệu giai đoạn phát triển mới của ICA có được suôn sẻ hơn giai đoạn xây dựng thương hiệu trước đây?
- Trong kinh doanh, không ai dám bảo đảm mình sẽ gặt hái thành công bao nhiêu cả. Làm kinh doanh, chuyện doanh nghiệp nợ nhau là hết sức bình thường. Tôi từng nợ 300 triệu USD và cũng đã thanh toán xong. Hiện, tôi nợ vài chục tỉ đồng cũng đâu phải là gì quá ghê gớm với một người làm ăn như tôi.
Tôi chẳng bao giờ đi làm thuê!
Nhưng hãng hàng không của ông từng bị khuyến cáo ngừng bay chỉ vì không thanh toán nợ?
Các đối tác của tôi không lên tiếng về các khoản nợ cũng đồng nghĩa giữa chúng tôi đã đạt được những thỏa thuận mới. Tổ chức hàng không nước ngoài định giá thương hiệu ICA hiện nay đã đạt mức 128 triệu USD. Khả năng trả nợ của ICA nằm ở giá trị thương hiệu đó. Nếu rút giấy phép của ICA tức là rút thương hiệu của ICA và ICA cũng mất luôn 128 triệu USD.
Xì-căng-đan của ICA không chỉ xoay quanh việc nợ, ngừng bay mà còn là “Hà Dũng chỉ là gương mặt đại diện của ICA mà thôi”?
Tôi chẳng bao giờ lại đi làm thuê, bù nhìn cho người khác cả. Tôi chỉ làm công việc kinh doanh của tôi. ICA có nhiều cổ đông và tôi là một trong những cổ đông lớn nhất...
Nếu vậy, sao ông không bao giờ cải chính cho những vụ lùm xùm về công ty? Ông không sợ thương hiệu do chính ông gầy dựng bị vấy bẩn?
Văn hóa làm việc của tôi là làm nhiều hơn nói. Khi nào mọi thứ xong xuôi, tôi mới thông báo rộng khắp để mọi người cùng biết. Ngày 15-12, ICA bay lại sẽ là câu trả lời chính thức của tôi cho mọi lời đồn. Tất nhiên, mọi phỏng đoán đó đều bắt nguồn từ những sự việc có thật (văn bản khuyến cáo, ngừng bay, trả máy bay- PV). Nhưng, mọi thứ phải có luật và bản chất của mỗi sự việc không giống như hiện tượng của sự việc.
Kinh doanh hàng không không phải vì tiền
Kinh doanh hàng không là ngành kinh doanh khó và ông cũng là một nạn nhân của cái khó đó?
- Có những thứ kinh doanh không phải vì tiền. 350 tỉ đồng bỏ ra để xây dựng thương hiệu, tôi để ăn chơi cả đời không hết. Trong kinh doanh hàng không, phải giỏi lắm mới có lời. Nhưng tôi vẫn làm và chấp nhận mang nợ để có được những điều to lớn hơn tiền. Đó là vinh dự. Cả nước có mấy hãng hàng không, nhất là một hãng hàng không tư nhân. Ai nói tôi dở tôi chịu, chứ tôi luôn tự hào tôi đã làm được một việc khó.
Có quá đắt không cho việc tìm danh phận kiểu này?
- Nói vậy thôi chứ kinh doanh vẫn là kinh doanh. Khi mình càng chấp nhận rủi ro thì cơ hội chiến thắng càng lớn. Hàng không được mệnh danh là chiếu trên của thương trường nên chắc hẳn kinh doanh hàng không không phải là việc làm tệ. Tất nhiên, tôi phải chấp nhận đầu tư nhiều thì mới mong thu lợi lớn.
Xem chừng hơi nhiêu khê khi ICA ở tình trạng phải đi thuê mọi thứ?
- Vì cơ bản ICA chưa có được giấy phép điều hành bay nên ICA phải thuê máy bay, thuê phi hành đoàn. Trong kinh doanh, các giai đoạn phát triển đều được hoạch định rõ ràng. Giai đoạn hiện tại, ICA phải thuê máy bay, thuê phi hành đoàn nhưng ở giai đoạn mới, kế hoạch phát triển của ICA sẽ khác.
ICA còn nợ hơn 30 tỉ đồng Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN, ông Lại Xuân Thanh, cho biết chiều qua, 26-11, cơ quan này đã ra quyết định hủy lịch bay của ICA. Quyết định này đã được gửi đến ICA, được thông báo cho các sân bay và báo cáo lên Bộ GTVT. Trong đó, Cục Hàng không VN tiếp tục nêu quan điểm cần rút thương quyền vận chuyển và rút giấy phép kinh doanh vận tải hàng không của ICA vì hãng này không đủ năng lực khai thác. Cụ thể, ICA còn nợ quá hạn 30 tỉ đồng với các đối tác cung cấp dịch vụ, không bổ sung được vốn điều lệ theo mức quy định và không có phương tiện bay. Như vậy, đây là lần thứ hai chỉ trong vòng hơn một tháng, Cục Hàng không VN đề nghị Bộ GTVT xem xét rút thương quyền và giấy phép hoạt động của ICA. Khi được cấp thương quyền, ICA đăng ký bay 8 chuyến/ngày trên các đường bay Hà Nội - TPHCM và TPHCM - Đà Nẵng, khai thác bằng hai máy bay nhưng sau giảm một nửa phương tiện và tần suất bay giảm xuống còn 2 chuyến/ngày trên đường bay duy nhất Hà Nội – TPHCM. Hãng hàng không tư nhân này có vốn điều lệ là 300 tỉ đồng, có trụ sở khai thác chính đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Chuyến bay đầu tiên của ICA cất cánh ngày 25-11-2008, chỉ sau 6 tháng nhận giấy phép thành lập. Xét về thời gian, đây là một kỷ lục bởi thông thường, sự chuẩn bị để gia nhập thị trường của một hãng hàng không cần nhiều hơn thế. Nhiều chuyên gia trong ngành bình luận đây là sự vội vàng khó hiểu, vì thời điểm ICA cất cánh, các hãng hàng không toàn cầu phải đối mặt với khó khăn lớn do suy thoái kinh tế, thị trường hàng không sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng trong thực tế, ICA đã có những thành công đáng ghi nhận. Chỉ sau khoảng 5 tháng cất cánh, hệ số sử dụng ghế của hãng đã đạt đến 80% trong khi thông thường chỉ đạt đến 30% đã là mức cao. Tô Hà |
(Theo Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com