Ông Lương Hoài Nam là người khá nổi tiếng trong ngành hàng không VN. Hơn 10 năm làm việc tại Tổng Công ty Hàng không VN (VNA), ông Nam đã có những thành tích được ghi nhận nhưng khi chuyển sang Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines (PA)-sau này là Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA)- nhiều người nhìn nhận ông chưa thực sự thể hiện được bản lĩnh như đã thể hiện ở “ngôi nhà xưa” VNA.
Ông LươngHoài Nam (thứ hai từ phải sang) cùng phi hành đoàn của JPA tại sân bay Nội Bài. Ảnh: T.THẠNH
Trưởng ban trẻ nhất
Ông Lương Hoài Nam sinh tháng 9-1963 tại Diễn Bình, Diễn Châu, Nghệ An. Khi thi đại học, ông đạt điểm cao, đủ tiêu chuẩn và được cử đi học tại Trường Đại học Hàng không Lithunia thuộc Liên Xô cũ, khoa kinh tế và trở về làm việc tại VNA năm 1991.
Hai năm sau (năm 1993), ông Nam được đề bạt làm trưởng ban vận tải (sau này là ban kế hoạch thị trường), trở thành trưởng ban trẻ nhất của VNA từ trước đến tận bây giờ.
Các đồng nghiệp của ông Nam đánh giá ông là người có chuyên môn vững vàng, năng nổ và quyết đoán. Việc VNA mở hàng loạt đường bay thẳng đến Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản để vươn ra thế giới cũng có dấu ấn của trưởng ban Lương Hoài Nam.
Ông Nam cũng là tổng biên tập của tạp chí Heritage và Fashion của VNA. Ngày làm việc cơ quan, tối về nhà, ông còn đem theo bản thảo của tạp chí Heritage và Fashion để tranh thủ đọc.
Từ khi thành lập, VNA đã hai lần thay đổi thương hiệu (biểu tượng cánh cò, vầng trăng và biểu tượng bông sen vàng như hiện nay), cả hai thương hiệu đều có sự góp sức của ông Lương Hoài Nam.
Hàng loạt phương án cải tổ
Sau 10 năm làm trưởng ban kế hoạch thị trường, tháng 6-2004, ông Lương Hoài Nam nhận nhiệm vụ mới tại PA. Lúc đó, PA là công ty con của VNA, hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng. T
ình hình tài chính của PA thời điểm đó rất xấu, đến mức Chính phủ đã đặt vấn đề cho phá sản. Ông Nam được đề bạt làm tổng giám đốc PA, với hy vọng là người chèo lái đưa PA vượt khó. Đây là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của ông.
Hàng loạt phương án được đưa ra để cải tổ PA. Trong đó, quan trọng nhất là mua thương hiệu mạnh của hãng hàng không Jetstar Airways (thuộc Tập đoàn Qantas) để trở thành JPA từ tháng 5-2008.
Đề án này lúc đó được đánh giá là rất khả thi, tạo sức sống mới cho PA trở thành hãng hàng không lớn thứ hai của VN, mở đường bay trong nước và vươn ra khu vực. Nhưng trong thực tế, hai năm qua, hoạt động của JPA rất khó khăn.
Mô hình không thành công
Ngoài thua lỗ trong năm đầu tiên, sang năm 2009, JPA tiếp tục thua lỗ. Sáu tháng đầu năm 2009, JPA dự kiến lỗ khoảng 30 triệu USD nhưng trên thực tế, khoản lỗ tính ra VNĐ đã lên đến nhiều trăm tỉ. T
hua lỗ quá cao ngoài dự kiến là do hãng thực hiện nghiệp vụ hedging (phòng ngừa rủi ro) xăng dầu. Đề xuất thực hiện nghiệp vụ này là Ban Điều hành gồm ông Lương Hoài Nam và hai phó tổng giám đốc người Úc (đã bị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cấm xuất cảnh khỏi VN), được HĐQT chấp thuận.
Nhưng kết quả kiểm toán cho thấy những người thực hiện đã không tuân thủ nguyên tắc và không báo cáo đầy đủ với HĐQT khi ký liên tiếp hai hợp đồng trong thời gian quá dài.
Một trong những việc làm tạo dấu ấn của nguyên tổng giám đốc Lương Hoài Nam là đưa mô hình hàng không giá rẻ vào VN. Từ tháng 9-2004, PA hoạt động thử nghiệm theo mô hình hàng không giá rẻ với nhiều mức giá thấp hơn nhiều so với giá trần, bỏ các chi phí suất ăn, phục vụ báo chí...
Với mô hình này, thị trường hàng không được mở rộng và bắt đầu có tính cạnh tranh.Tuy nhiên, mô hình hàng không giá rẻ ở VN đến nay được đánh giá là chưa đủ điều kiện để phát triển.
Là hãng hàng không giá rẻ nhưng JPA không “ép” được chi phí đầu vào, trong khi nguồn thu trong nhiều năm gần như không thay đổi. Mô hình hàng không giá rẻ của JPA tại VN đến nay được nhiều chuyên gia đánh giá là không thành công.
(Theo Phương Anh – Hiền Lương/nld)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com