Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Tướng chăn vịt" và câu chuyện làm giàu của người cựu tù Phú Quốc

Với vợ chồng người cựu tù Phú Quốc, cựu chiến binh, thương binh 2/4 Hà Thiên Văn ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), một ngày mới bao giờ cũng bắt đầu bằng việc thu nhặt mấy trăm quả trứng - sản phẩm sau một đêm của hơn 400 con vịt mái đang thời kỳ đẻ rộ.

Thu hoạch trứng vịt - Khúc dạo đầu một ngày mới của vợ chồng ông Hà Thiên Văn.

Xong việc thu trứng, vợ chồng họ lại tất bật chuyển sang chăn cá, lợn, bò, gà… Họ cần mẫn, nhịp nhàng làm hết việc nọ đến việc kia trong "bản nhạc chào buổi sáng" inh ỏi của tiếng vịt kêu, gà tác, xen với tiếng eng éc chói tai của đàn lợn mấy chục con đang kỳ bén máng....

Từ rạng đông đến lúc xong tất cả những công việc "chào ngày mới" độc đáo ấy, vợ chồng ông Văn mới quay ra xếp trứng vịt vào khay chuẩn bị giao cho khách hàng. Ngó lên, mặt trời đã lấp ló ngang ngọn tre phía đầu làng. Đến lúc này, vợ chồng ông Văn mới ngơi tay, ăn lót dạ qua quýt để rồi lại chuẩn bị cho những việc không tên tiếp theo của nhà nông.

Cựu chiến binh Hà Thiên Văn là một trong số hơn 800 chiến sĩ cách mạng của tỉnh Vĩnh Phúc tham gia chiến đấu từng bị địch bắt và tù đày ở nhà tù Phú Quốc năm xưa còn sống sót trở về quê hương.

Nhắc đến cái tên Hà Thiên Văn, dân quanh vùng Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), chẳng ai là không biết. Bởi với họ, ông không chỉ là hình ảnh tiêu biểu về một người chiến sĩ kiên trung, một một thương binh giàu nghị lực, đã biết vượt lên gian khó đời thường, phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, nêu cao gương sáng Thương binh “tàn mà không phế” để làm giàu cho mình và quê hương…

Sinh năm 1949, năm 1966, vừa bước sang tuổi 17, Hà Thiên Văn xếp lại ước mơ trở thành một sinh viên Đại học, tình nguyện cầm súng lên đường đánh Mỹ. Ông cùng đồng đội trải qua khóa huấn luyện cấp tốc, rồi được phiên chế vào Bộ  đội Đặc công (K10) và đưa vào chiến trường. Trong một trận quyết tử giữa lực lượng K10 của ta với kẻ thù tại mặt trận Quảng Trị vào cuối năm 1967 – trận đánh mở màn cho chiến dịch Mậu Thân 1968, Hà Thiên Văn đã bị thương nặng, ngất đi. Sau bảy ngày mê man, tỉnh lại trong nhà giam của địch ở giáp Quy Nhơn, ông mới biết mình đã bị địch bắt. Tới tháng 2 năm 1968, ông bị địch chuyển tới giam cầm tại nhà lao Phú Quốc.

Tại nơi ngục tù của đế quốc, dù phải trải những trận đòn roi tra tấn, khủng bố tàn bạo của địch, nhưng Hà Thiên Văn cùng đồng đội, đồng chí đã bí mật thành lập các cơ sở Đảng, các tổ chức đoàn thể nhằm tổ chức đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc của Đế quốc, vừa học tập văn hóa, chính trị, vừa củng cố, nêu cao và giữ vững thần lạc quan cách mạng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Để rồi, ngày cả nước ca khúc khải hoàn, Hà Thiên Văn cùng đồng đội đã được trở về trong vòng tay yêu thương của Đảng, quân đội và nhân dân.

Hà Thiên Văn đã phải hứng chịu nhiều trận đòn tra tấn man rợ của kẻ thù, cánh tay cùng bàn phải tay bị địch đánh dập nát, giờ thành tật lòng khòng, bàn tay  rúm ró, co quắp lúc nào cũng như bị quặt ngược lại về phía trên mu; ba chiếc xương sườn, toàn bộ xương quai xanh, cũng không còn nguyên vẹn do những đòn tra tấn dã man của địch. Đó là chưa kể đến những vết thương trong trận đánh trước khi bị địch bắt trên chiến trường năm xưa tại Quảng Trị đã găm sâu và da thịt. Bây giờ, mỗi lúc trái nắng trở trời, toàn thân ông vẫn như bị hàng chục chiếc kìm rút từng thớ thịt. Nhưng ông vẫn lạc quan bảo rằng: so với bao đồng đội đã hy sinh, mình vẫn còn may mắn vô cùng!

Về với đời thường, thương tật nặng (mất 71% sức khoẻ) khiến Hà Thiên Văn phải chia tay với ước mơ đến với giảng đường đại học. Không nản lòng, người lính cựu đã tự tìm cho mình một hướng đi mới: trở lại với ruộng đồng, tìm cách gây dựng cuộc sống ngay tại quê hương. Nhưng ngày ấy, vừa bị chiến tranh tàn phá mấy mươi năm; rồi cơ chế bao cấp bó buộc, đã khiến cả đất nước ta, đặc biệt là những ngưòi nông dân phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thiếu thốn. Hà Thiên Văn bắt đầu cuộc mưu sinh bằng một đàn vịt hơn 30 con. Với một “thâm niên” 33 năm chăn vịt, ông cùng vợ con xoay xỏa đủ cách để mong ngày có hai bữa no. Thế nhưng, thiếu đói vẫn luôn vây bủa gia đình ông - một gia đình thương binh nặng đông miệng ăn vốn đã nghèo, lại càng thêm nghèo!

Không nản lòng, lấy niềm tin, sự lạc quan và khí chất của một người lính kiên trung làm nhựa sống, ông tự trào mình bằng danh xưng “Tướng chăn vịt” để chỉ huy đàn vịt giống vượt qua ngững ngày giáp hạt. Không những thế, ông còn làm thơ để tự động viên mình vững tâm vượt qua gian khó.

Và rồi một luồng sinh khí mới đã ùa đến khi đất nước ta xóa bỏ cơ chế bao cấp, bước vào thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, chủ trương san ghép ruộng đất, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã giúp người nông dân thực sự làm chủ mảnh đất của mình. Nhạy bén nắm thời cơ, mạnh dạn dám nghĩ dám làm, năm 2005, Hà Thiên Văn đã đứng ra, bằng uy tín của mình, thuyết phục được 46 hộ nông dân trong làng đồng ý cho gia đình ông dồn điền đổi thửa, một việc mà trước đó không lâu, đã có không ít người “có máu mặt” sẵn vốn, sẵn nhân lực muốn làm mà không thành.

Trả lời câu hỏi vì sao ông lại “thắng thầu” trong cuộc san ghép ruộng đất với sự góp sức của 46 hộ dân (miếng nhỏ nhất khoảng 72m2 (3thước ta), miếng lớn nhất khoảng 720 m2, tương đương 2 sào Bắc Bộ), trong khi, cả vốn, nhân lực... ông đều không có? Ông Văn cười hiền, bảo: Có lẽ tôi may mắn. Nhưng, những ai biết ông thì đều khẳng định: Ông được các thành viên trong gia đình, chính quyền địa phương và bà con dân làng ủng hộ. Bởi lẽ, họ tin ở ông, một anh lính Trường Sơn, một đảng viên, thương binh kiên trung, một người cựu tù đầy dũng khí, giàu nghị lực và luôn khát khao vươn lên.

Có được đất đai, “Tướng chăn vịt” Hà Thiên Văn dồn sức “chạy” vốn. Ai có lòng giúp cho vay mượn bao nhiêu, vợ chồng ông cũng xin nhận hết. Gom góp từ đủ các nguồn để có tiền thuê máy xúc, máy ủi đào đắp hệ thống mương dẫn, ao thả cá, nuôi vịt; xây chuồng trại, đắp bờ, khoanh vườn trồng cây... Vì vốn ít, nên ông chọn giải pháp đầu tư dần kết hợp với phương châm “lấy ngắn – nuôi dài” để thực hiện bằng được kế hoạch của mình. Vậy mà, vừa công vừa của bỏ ra ròng rã trong hơn hai năm trời cộng lại cũng lên tới hơn 150 triệu đồng. Vành đai 1,3 mẫu ruộng bao quanh ao, ông dành cấy lúa. Hệ thống bờ ao, ông trồng chuối, mía, đu đủ, bí đỏ... để có cái ăn mà chờ cá, lúa, gà, vịt, bò, lợn đến ngày cho sản phẩm. Trong những ngày khó khăn nhất ấy, vết thương cũ liên tục hành hạ, khiến sức khỏe của ông bị ảnh hưởng nặng nề. Thương ông vất vả, bà Sinh – vợ ông càng ra sức tảo tần vừa nuôi dạy con cái vừa góp sức cùng ông quyết “vắt” mảnh đất bạc màu này ra lúa gạo, ra cá, ra trứng, ra thịt cung cấp cho thị trường.

Nhờ triệt để vận dụng “chiến thuật” lấy ngắn nuôi dài của “Tướng chăn vịt” trên trang trại giữa đồng không mông quạnh ấy, đất đã không phụ người, khi mồ hôi của gia đình người thương binh này thấm đẫm đất quê, cũng là lúc, đất đai bắt đầu trả cho gia đình ông những vụ mùa sây bông nặng hạt. Khoảng từ năm 2008 lại đây, mô hình ao - ruộng – chuồng – vườn sau khi trừ mọi chi phí, đã cho gia đình ông một nguồn thu ổn định bình quân từ 70 - 80 triệu đồng/ năm. Ông Văn cho biết, chỉ riêng thu nhập từ chuối và đu đủ hằng năm đã đủ trả sản cho 46 hộ dân. Làm ăn bắt đầu sinh lời, từng bước, ông bà đầu tư hàng chục triệu đồng mua sắm thiết bị, công cụ hỗ trợ sản xuất, từ máy cày - bừa, máy phát điện, máy bơm nước. Có máy móc, ông bà thuê thêm nhân công vừa để phát triển sản xuất, vừa tạo việc làm cho lao động trong thôn và tạo điều kiện cho các con có thêm thời gian học hành.

Câu chuyện làm giàu của Tướng chăn vịt thật ấn tượng. Thế nhưng, với Hà Thiên Văn, thành quả lớn nhất có lẽ không hẳn từ cơ ngơi 4,3 mẫu ao, ruộng, chuồng trại với cá, lúa, lợn, gà, vịt đàn, hoa trái với tổng thu nhập bình quân gần trăm triệu đồng mỗi năm, mà là năm người con. Chiến tranh đã khiến ông không có cơ hội được bước chân vào giảng đường đại học, nhưng ước mơ ấy, đã được ông “truyền lửa” cho những đứa con. Không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, cả năm người con đều chăm ngoan. Trong đó, hai người đã có bằng cử nhân và là đảng viên, hai người con khác đang theo học đại học. Ghi nhận thành tích đó, gia đình ông đã được UBND huyện Vĩnh Tường trao tặng danh hiệu Gia đình hiếu học tiêu biểu.

Với bà con dân làng, với đồng chí đồng đội, Hà Thiên Văn là tấm gương sáng khiến họ luôn yêu mến, nể phục, noi theo. Còn với Hà Thiên Văn, điều giản dị mà ông luôn tâm huyết đó là, nước có giặc thì đi đánh giặc giữ nước. Được sống trở về, thì lại làm ăn lương thiện xây dựng cuộc sống no ấm. Ông bảo: Bao nhiêu năm theo Đảng, ơn Đảng, nay tôi thỏa tâm nguyện. Mình có ruộng, làm ăn chân chính, con cái ngoan ngoãn trưởng thành, lại có phần đóng góp cho quê hương, cuộc sống còn gì đáng mơ ước hơn thế!

Đàn lợn thịt của ông Văn.

 

Ông Hà Thiên Văn (đứng thứ 4 từ trái qua phải) cùng đồng chí đồng đội - nguyên là các cựu tù Phú Quốc trong một buổi đến thăm trang trại của ông Văn. 

 

Phút nghỉ ngơi - Ông Văn cùng đồng đội lật giở kỷ niệm trong những ngày chiến đấu ở nhà tù đế quốc.

(Theo Nguyên Vĩnh // Nhandan Online)

  • Đam mê và giàu nghị lực
  • Đổi đời với ca cao
  • Độc đáo “ Hoa đất sét” !
  • Làm giàu từ nuôi đặc sản rừng
  • Người Sán Dìu thành công làm vải muộn
  • Trồng kiểng: làm chơi ăn thật
  • Người “bán kẹo” giỏi nhất Việt Nam
  • Làm giàu từ cây kiểng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao