Tiến sĩ Trần Văn Nhân - Ảnh: Hồng Văn |
Thiết kế sản phẩm sao cho sản xuất sạch hơn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp mà còn giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm giải pháp bảo vệ môi trường.
Đây là nội dung chính mà tiến sĩ Trần Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.
TBKTSG Online: Thưa ông, dự án “sản xuất sạch hơn vì sản phẩm tốt hơn” do trung tâm của ông đang triển khai tại Việt Nam được các doanh nghiệp gọi nôm na là thiết kế sản phẩm để bảo vệ môi trường. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?
Ông Trần Văn Nhân: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam lâu nay chỉ chú trọng vào gia công hàng xuất khẩu, gia công một công đoạn nào đó của quy trình sản xuất cho các doanh nghiệp lớn và họ cạnh tranh chủ yếu với nhau bằng giảm giá. Điều đó giải thích vì sao chúng ta chỉ hưởng 5-10% lợi nhuận từ gia công may mặc, giày dép xuất khẩu. Khâu yếu nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm ở chỗ thiết kế sản phẩm và phân phối.
Bên cạnh đó vấn đề môi trường trở nên bức thiết, đe dọa tới phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
Các vấn đề này đặt ra yêu cầu phát triển “xanh”, có nghĩa chúng ta phát triển kinh tế theo chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị nguyên vật liệu và năng lượng sử dụng để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Cách nâng cao giá trị có thể thực hiện dễ dàng nhất là chú trọng tới khâu thiết kế sản phẩm, bao bì, làm sao để tiết kiệm được nguyên vật liệu và năng lượng trong quá trình sản xuất.
Nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay lại thiếu đội ngũ thiết kế hoặc họ sản xuất theo mẫu thiết kế của khách hàng nước ngoài, liệu dự án của trung tâm có thuyết phục được doanh nghiệp?
Thực tế sau gần 2 năm triển khai dự án “sản xuất sạch hơn vì sản phẩm tốt hơn”, phần nào đã minh chứng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đẩy mạnh khâu thiết kế sản phẩm và tính toán được những giá trị mang lại từ thiết kế rõ ràng nhất.
Tại Công ty TNHH thủy sản Hùng Cá, chuyên chế biến cá tra, ba sa ở ĐBSCL, chúng tôi cùng đội ngũ thiết kế của công ty thiết kế lại bao bì bằng cách điều chỉnh kích thước thùng carton, giúp tránh bị sụm khi chồng các thùng lên nhau, giảm được 24% nguyên vật liệu làm thùng, lại tăng được 100 thùng carton khi chất vào container xuất khẩu. Như vậy không chỉ giúp tiết kiệm vật liệu, mà còn giảm được chi phí vận chuyển, bốc dỡ, hạn chế lượng rác thải ra môi trường sau khi bốc dỡ.
Cùng với thiết kế sản phẩm mới và cải tiến mẫu mã bao bì, chúng tôi tính được lượng nước dùng trong sản xuất giảm 28%, điện giảm 22,8%, thời gian cấp đông cũng giảm…
Còn tại Công ty cổ phần thủy sản Út Xi, trong ba nhà máy chế biến, chúng tôi chọn một nhà máy để áp dụng và chỉ riêng việc cải tiến khâu thiết kế sản phẩm, giúp nhà máy tiết kiệm 47 triệu đồng tiền điện và 38 triệu đồng tiền nước một năm, giảm thiểu nước thải trong quá trình sản xuất. Nhiều sản phẩm mới được thiết kế, tận dụng nguyên liệu sẵn có trong nước như tôm xẻ bướm có nguyên liệu dừa, tôm vụn thì xay làm chả tôm, cải tiến khâu thiết kế bao bì giúp giảm 12% chi phí đóng container…
Tiết kiệm điện nước, tận dụng nguyên vật liệu sẵn có, tận dụng phụ phẩm trong sản xuất, nói về mặt kinh tế là giúp tăng thêm lợi nhuận nhưng với quan điểm môi trường thì đó cũng là cách bảo vệ môi trường.
Thiết kế giúp bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp vừa và nhỏ không khác gì chúng ta nghèo, sống trong một ngôi nhà chật chội, bề bộn đồ đạc nhưng nếu chủ nhà biết cách sắp xếp đồ đạc hợp lý trong ngôi nhà của mình thì vẫn có một không gian sống tốt.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Hồng Văn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com