Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cảng biển Nam Du thúc đẩy kinh tế vùng ĐBSCL

Mặc dù mục tiêu trước hết của Dự án Cảng biển nước sâu Nam Du (Kiên Giang) là phục vụ Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương, song bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo, chủ đầu tư cả hai dự án trên cho biết, dự án này sẽ tác động mạnh tới phát triển kinh tế của cả vùng.

Cảng biển nước sâu Nam Du sẽ không đơn thuần là cảng dành riêng cho Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương, thưa bà?

Sẽ không thể giới hạn hoạt động của cảng biển này được, khi cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện không có một cảng biển nào. Hiện tại, hầu hết hoạt động xuất nhập khẩu của vùng, từ lúa gạo, máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu đều phải thông qua hệ thống cảng ở khu vực Bà Rịa -Vũng Tàu, nên đẩy giá thành hàng hoá lên cao, ảnh hưởng lớn tới khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt, thiếu hạ tầng cảng biển cũng là một trong những nguyên nhân khiến các kế hoạch đầu tư vào đảo Phú Quốc gặp khá nhiều khó khăn, khi chi phí đầu tư bị đội lên tới 30 - 40% do chi phí vận tải cao.

Khi Cảng biển nước sâu Nam Du đi vào hoạt động (dự kiến vào năm 2011), việc thông thương hàng hoá khu vực này sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.

Tất nhiên, cũng phải khẳng định rằng, nếu không có Cảng biển nước sâu Nam Du thì việc xây dựng nhà máy nhiệt điện ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không có tính khả thi.

Là chủ đầu tư của hai dự án quy mô lớn tại khu vực này, Tân Tạo tính toán bài toán kinh tế như thế nào?

Đứng về phía chủ đầu tư, theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, hiệu quả kinh tế của Cảng biển nước sâu Nam Du sẽ cao hơn so với Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương. Trong bài toán kinh tế của mình, quyết định đầu tư vào nhà máy điện của Tân Tạo là nhằm góp phần phát triển kinh tế của khu vực và đất nước, còn Cảng biển nước sâu Nam Du sẽ là cơ hội để chúng tôi thu hồi vốn nhanh hơn và đạt hiệu quả đầu tư. Chính vì vậy, Cảng biển nước sâu Nam Du được xác định là một bộ phận của Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương, được hưởng các cơ chế chính sách cho dự án này.

Cũng giống như Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương, chúng tôi đang làm việc với các tổ chức quốc tế để vay vốn. Thông qua sự bảo lãnh của Chính phủ, cộng với năng lực của Tập đoàn, các tổ chức vay vốn quốc tế đã đồng ý tài trợ 2 tỷ USD cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện và 800 triệu USD cho Dự án Cảng nước sâu Nam Du, trong đó, giai đoạn đầu của Dự án Cảng nước sâu Nam Du là 600 triệu USD.

Tập đoàn Royal Haskoning, một trong ba công ty lớn nhất thế giới về tư vấn cảng biển, sẽ giúp chúng tôi xây dựng hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu cho dự án này.

Các kế hoạch tiếp theo của Tân Tạo trong lĩnh vực đầu tư cảng biển là gì, thưa bà?

Chúng tôi đang làm việc với các nhà tư vấn để nghiên cứu xây dựng cảng chuyên dùng phục vụ ngành dầu khí ở khu vực này. Như vậy, tại đây sẽ có một hệ thống cảng tổng hợp, cảng than và cảng chuyên dùng phục vụ ngành dầu khí.

Trong dài hạn, hệ thống cảng biển ở Nam Du có thể phát triển thành cảng cửa ngõ của Việt Nam đến với các nước ASEAN. Như vậy, các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng ở đây sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, các nhà thầu trong lĩnh vực này, trong đó có Tập đoàn Tân Tạo.

(Theo Khánh An // Báo đầu tư)

  • Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
  • Tập đoàn Mai Linh cắt giảm một loạt ngành nghề kinh doanh
  • Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
  • Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành 'phế nhân'
  • Chuyển nợ thành vốn góp: Lợi và hại !
  • “Tiêu dùng sản phẩm xanh” - Bảo vệ cuộc sống của chính mình
  • Đánh thức tiềm năng một vùng đất
  • Xăng máy bay VN bị chê?
  • Tín hiệu tốt đối với phần mềm phục vụ thị trường nội địa
  • Luxury: Thương hiệu tạo nên đẳng cấp
  • Giám đốc TRADOCO: Tư duy đúng sẽ tiến nhanh
  • Những đại dự án FDI vốn ảo: Chất lượng thấp do ganh đua, giật thành tích
  • Tăng viện phí: Cần lộ trình thích hợp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com