Việc Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã sản xuất được xăng máy bay Jet A1 là tin vui. Tuy nhiên, thông tin loại xăng này không được sử dụng trong nước mà lại "xuất ngoại" khiến dư luận cảm thấy khó hiểu và bức xúc.
Trong nước thận trọng...
"Vinapco rất muốn tiêu thụ xăng máy bay của VN" - đó là khẳng định của ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Công ty xăng dầu hàng không (Vinapco) trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với phóng viên vào chiều hôm qua. Theo ông Trần Hữu Phúc, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm xăng Jet A1 của NMLD Dung Quất đã được ký kết. Việc này đã được chuẩn bị từ năm 2008 và trong thời gian qua, Vinapco với tư cách là nhà cung ứng nhiên liệu cho các hãng hàng không tại VN và PV Oil (Tổng công ty dầu VN) là đại diện nhà tiêu thụ sản phẩm đã ký kết hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm xăng Jet A1 của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện được hợp đồng.
* Vì sao vậy, thưa ông?
- Việc này có một số đòi hỏi thuộc về đặc thù của ngành. Không chỉ riêng về nhiên liệu hàng không, mà tất cả các hóa chất, vật tư, phụ tùng máy bay liên quan đến hàng không dân dụng, phải được cơ quan quản lý nhà nước về hàng không phê chuẩn đủ tư cách của nhà cung ứng, trước khi đưa vào tiêu thụ. Có nghĩa là phải có cơ sở pháp lý về kỹ thuật trước khi đưa vào sử dụng. Việc này hiện đang được tiến hành nhưng chưa hoàn tất. Cơ quan quản lý nhà nước là Cục Hàng không dân dụng VN đã ủy quyền cho Vietnam Airlines (VNA) xem xét và phê chuẩn tư cách tiêu chuẩn nhà cung ứng. Trong việc này, Vinapco chỉ là đơn vị phối hợp, giúp PV Oil thực hiện và 2 đơn vị đã có những cuộc họp, làm việc với Cục Hàng không dân dụng VN, với VNA để triển khai công việc và sau những buổi làm việc đó, chúng tôi đã đệ trình hồ sơ lên rồi. Trách nhiệm làm thế nào để VNA an tâm mà phê chuẩn là của PV Oil. Vì đây là lần đầu tiên VN sản xuất sản phẩm xăng máy bay, cho nên người phê chuẩn cũng có thận trọng. Một trong những yêu cầu hàng đầu trong hàng không là an toàn bay, cho nên chúng ta cũng phải chia sẻ sự cân nhắc của VNA trong việc này. Tôi thấy sự thận trọng của VNA là cần thiết.
* Vinapco có dự định khi nào sẽ tiêu thụ sản phẩm xăng Jet A1 của VN, thưa ông?
- Trong kế hoạch năm 2010 của Vinapco, đáng lẽ đã tiêu thụ sản phẩm xăng Jet A1 của NMLD Dung Quất, đồng thời cắt giảm sản lượng xăng nhập khẩu. Nhưng giờ hỏi đến khi nào tiêu thụ được thì chưa thể trả lời, bởi vì còn phụ thuộc vào sự phê chuẩn của VNA. Nếu được phê chuẩn thì lập tức Vinapco sẽ đưa vào tiêu thụ ngay. Bây giờ trách nhiệm của PV Oil là làm thế nào để được phê chuẩn, được cấp chứng chỉ nhà cung ứng. Xăng máy bay Jet A1 theo thông báo của NMLD Dung Quất, sản lượng đáp ứng chưa được 50% nhu cầu trong nước. Và, theo hợp đồng đã ký, sản lượng bao nhiêu chúng tôi sẽ tiêu thụ hết bấy nhiêu. Việc tiêu thụ sản phẩm xăng máy bay của VN là có lợi cho Vinapco, vì những nhà nhập khẩu như chúng tôi hiện nay đang rất khó khăn về ngoại tệ. Việc vận chuyển cũng thuận lợi. Nói chung là mọi việc sẽ tốt hơn so với nhập khẩu. Vinapco rất muốn được tiêu thụ sản phẩm xăng máy bay trong nước và sẽ làm hết sức mình để khẩn trương đưa sản phẩm này sớm được tiêu thụ trong nước.
Xăng máy bay tự tin "xuất ngoại"
Trong khi VNA chưa "an tâm" về chất lượng xăng Jet A1 "nội" thì xăng này đã tự tin "xuất ngoại". Ông Lê Xuân Trình, Phó tổng giám đốc PV Oil cho biết, đã bán xăng Jet A1 cho hãng BP Singapore vì hãng này sẵn sàng mua để phục vụ cho dịch vụ hàng không, cụ thể là dùng làm nhiên liệu xăng máy bay cho các chuyến bay quốc tế. Về giá cả, PV Oil bán xăng Jet A1 theo đúng giá thị trường, tương đương với giá xăng máy bay của thế giới. Trả lời câu hỏi về chất lượng xăng máy bay sản xuất tại NMLD Dung Quất, ông Lê Xuân Trình cho rằng qua kiểm định tại nhà máy đã cho thấy chất lượng xăng máy bay của NMLD Dung Quất đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.
“Các doanh nghiệp trong nước mua xăng Jet A1 của chúng tôi thì sẽ có lợi hơn rất nhiều vì họ không cần phải trả bằng ngoại tệ mà chỉ trả bằng tiền đồng VN. Vì vậy, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung sẽ giảm đáng kể việc chịu sức ép về ngoại tệ, cụ thể là đồng USD”, ông Trình giải thích. Một lợi thế nữa, theo đại diện PV Oil thì các doanh nghiệp trong nước mua xăng máy bay của NMLD Dung Quất sẽ được chủ động trong việc vận chuyển, ít tốn chi phí nhập khẩu, kho cảng... so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Giải thích về sự "chần chừ" của Vinapco, đại diện PV Oil giải thích: “Thực ra hiện Vinapco đã ký hợp đồng nguyên tắc với chúng tôi về việc mua xăng máy bay. Thế nhưng, do họ chưa tự tin để lấy hàng nên còn chờ một số điều kiện khác thì mới vào cuộc. Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào rồi nên chúng tôi khẳng định Vinapco sẽ sớm vào cuộc thôi”.
Theo điều tra của PV Oil, nếu chỉ tính các chuyến bay nội địa thì xăng máy bay của NMLD Dung Quất có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu. “Chúng tôi đã sẵn sàng, VNA cần lúc nào thì chúng tôi có ngay lúc đó”, ông Trình tự tin.
(Thanh Niên)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com