Theo Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp quốc gia, đến năm 2010 ngành gỗ phải xuất khẩu được khoảng 7 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay chúng ta mới đạt con số rất khiêm tốn là khoảng 3 tỷ USD. Do vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để DN gỗ xuất khẩu phát triển thị trường bền vững, tức là doanh thu từ xuất khẩu gỗ phải tăng dần đều theo các năm. Trao đổi cùng ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN xung quanh vấn đề này.
Theo ông Quyền, thị trường Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) luôn được xem là thị trường lớn của các DN chế biến gỗ VN. Nếu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu hàng gỗ của VN đạt 2,7 tỷ USD thì thị trường Mỹ chiếm 1 tỷ USD và EU chiếm khoảng 700 triệu USD. Năm 2010 là cơ hội tốt đối với ngành gỗ xuất khẩu VN bởi tiêu dùng của người dân Mỹ và EU bắt đầu phục hồi. Bên cạnh đó, chính sách trợ giúp DN của VN hiện nay cũng đã cởi mở và thông thoáng hơn. Nếu năm 2008, DN phải chịu 10% thuế xuất khẩu, thì năm 2010 Nhà nước bãi bỏ. Yếu tố quan trọng hơn là sau 2 năm khủng hoảng kinh tế, năng lực, trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ lãnh đạo các DN ngành gỗ xuất khẩu đã được nâng cao hơn, từ đó họ đã xây dựng được chiến lược phát triển bền vững hơn.
- Vậy thách thức lớn nhất của ngành gỗ VN hiện nay là gì, thưa ông ?
Hiện nay, DN chế biến gỗ xuất khẩu đang phải đối mặt với hai thách thức lớn. Thứ nhất về nguyên liệu, hiện DN chế biến gỗ xuất khẩu của VN đang phải nhập nhẩu từ 70-80% nguyên liệu từ nước ngoài. Việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu không còn dễ dàng như trước mà DN nhập khẩu phải đảm bảo 100% lượng gỗ nhập khẩu có tính hợp pháp. Nhưng để đạt được yếu tố hợp pháp cần phải có đầy đủ bộ chứng từ do nhiều cơ quan quốc tế xác nhận. Điều này khiến DN mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí. Thứ hai, hiện nay, DN xuất khẩu gỗ VN đang đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các DN xuất khẩu gỗ của Trung Quốc, Malaysia... do các nước này có thể cung ứng đủ nguyên liệu gỗ cho các DN của họ mà không cần nhập khẩu. Bên cạnh đó, họ lại mạnh hơn về tài chính cũng như công nghệ nên giá thành sản phẩm thường thấp hơn so với giá thành hàng hóa VN cùng chủng loại. Vì vậy, làm thế nào để sản phẩm gỗ của DN VN cạnh tranh được và không để giảm thị phần ở thị trường Mỹ và EU thực sự là thách thức lớn.
- Thưa ông, hiệp hội cũng như các thành viên đã có kế hoạch gì để “hóa giải” các thách thức này ?
Đến nay, sản phẩm gỗ của VN đã tiếp cận thị trường Mỹ, EU được khoảng 10 năm và đã tạo được uy tín trên các thị trường này. Biểu hiện là kim ngạch đồ gỗ xuất khẩu vào hai thị trường này ngày càng tăng, trung bình khoảng 7 đến 8%/năm, dự báo trong tương lai sẽ tăng từ 10 đến 15%/năm. Riêng năm 2010, kim ngạch xuất khẩu gỗ của VN có thể tăng đến 35% so với năm 2009.
Theo Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp quốc gia, đến năm 2010 ngành này phải xuất khẩu được khoảng 7 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay chúng ta mới đạt con số rất khiêm tốn là khoảng 3 tỷ USD. Do vậy, vấn đề hiện nay không phải là tiếp cận thị trường thế giới nữa mà vấn đề là làm thế nào để DN chế biến gỗ xuất khẩu phát triển bền vững thị trường đã có, tức là doanh thu từ xuất khẩu gỗ phải tăng dần đều theo các năm. Ví dụ như năm 2010 đạt 3 tỷ USD thì năm 2015 phải là 5 tỷ USD và năm 2020 phải là 7 tỷ USD.
Để thực hiện được mục tiêu này, có ba vấn đề mà cả Nhà nước và các DN chế biến gỗ xuất khẩu phải cùng làm. Thứ nhất, Nhà nước phải có chính sách rất cụ thể, rất quyết liệt trong việc tạo nguồn nguyên liệu trong nước. Thứ hai, Chính phủ cần nhanh chóng phối hợp với Mỹ, EU và các nước nhập khẩu gỗ để thống nhất một bộ quy định thế nào là sử dụng gỗ hợp pháp để DN chủ động trong việc chuẩn bị thủ tục giấy tờ cần thiết cho hàng hóa khi xuất khẩu vào các thị trường này. Thứ ba, yếu tố quan trọng nhất là phải nâng cao trình độ, năng lực của doanh nhân, các chủ DN. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và tổ chức thấu đáo cho họ tìm hiểu chính sách thương mại quốc tế, bên cạnh khả năng ngoại ngữ thành thạo và phương thức làm ăn một cách bài bản mới có thể giúp họ phát triển bền vững và lâu dài.
- Chúng ta đang bàn về vấn đề xuất khẩu, nhưng có một thực tế là ngay tại thị trường nội địa, chúng ta cũng đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn của sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc, Malaisia... ?
VN đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nên phải thực hiện cam kết của WTO. Điều này cũng có nghĩa là các sản phẩm của các nước trên thế giới thuộc thành viên WTO có thể tự do vào thị trường VN. Thứ hai, theo cam kết lộ trình giảm thuế, bắt đầu từ tháng 1/2009, VN phải cho phép các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào thị trường trong nước, đồng thời phải thực hiện lộ trình giảm thuế để đến 2012, thuế suất mặt hàng này chỉ còn ở mức từ 0 đến 3%. Tuy nhiên, khi vào VN, các sản phẩm này cũng phải thực hiện cam kết sử dụng gỗ hợp pháp.
Để đứng vững trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn ngay trên sân nhà, các DN chế biến gỗ của VN phải nắm và phát huy được lợi thế của mình. Đồng thời với việc chủ động, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” với tư cách của nhà sản xuất, các DN chế biến gỗ trong nước phải sản xuất được những sản phẩm có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu của người VN. Trước mắt, các DN chế biến gỗ phải chủ động tìm cho được nguồn nguyên liệu gỗ; tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như gỗ xoài, gỗ mít, gỗ điều... Nguồn nguyên liệu này rất rẻ, nhưng DN phải sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất như sấy, sơ chế, sơn... để tăng độ bền của gỗ với giá thành phù hợp. Tôi cho rằng, chú trọng nâng cấp sản phẩm, đổi mới công nghệ hiện đại phải là ưu tiên hàng đầu của các DN chế biến gỗ trong giai đoạn hiện nay.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Thảo Phương // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com