Ông Đỗ Duy Thái. |
Ngày 23-9-2009, Công ty cổ phần Thép Pomina sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua phương án phát hành cổ phiếu và niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm chủ động nguồn vốn đầu tư và tăng vốn lưu động.
Ngày 12-9 vừa qua, Pomina cũng đã ký kết hợp đồng hợp tác xây dựng nhà máy luyện thép công suất 1 triệu tấn/năm với hai tập đoàn SMS Concast và Tenova SpA.
TBKTSG đã phỏng vấn ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Pomina, xung quanh chiến lược phát triển của công ty.
TBKTSG: Nhà máy luyện thép mới đóng vai trò như thế nào trong chiến lược của Pomina?
Ông Đỗ Duy Thái: Nhà máy luyện thép công suất 1 triệu tấn/năm là một trong ba hạng mục của một dự án lớn bao gồm: nhà máy luyện 1 triệu tấn phôi/năm, nhà máy cán thép 500.000 tấn/năm và một cảng biển công suất bốc dỡ 3 triệu tấn/năm.
Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu đô la Mỹ đặt tại khu công nghiệp Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; trong đó riêng vốn đầu tư cho nhà máy luyện thép này là 1.373 tỉ đồng. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ mang lại doanh thu khoảng 8.000 tỉ đồng/năm cho Pomina và tạo việc làm cho hơn 1.000 nhân công, chủ yếu là lao động tại địa phương.
Như vậy, Pomina sẽ có hai nhà máy luyện phôi với tổng công suất 1,5 triệu tấn/năm và ba nhà máy cán thép có tổng công suất 1,6 triệu tấn/năm.
- Rất nhiều ý kiến quan ngại vấn đề môi trường trong lĩnh vực sản xuất thép. Pomina giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Trước đây, chúng tôi đã đầu tư nhà máy luyện phôi công suất 500.000 tấn/năm để rút kinh nghiệm quản lý và vận hành khi đầu tư dự án lớn này. Nhà máy luyện phôi công suất 1 triệu tấn/năm của Pomina được đầu tư theo công nghệ Consteel-Techint của Ý cho phép sử dụng nhiệt thoát ra để sấy phế liệu, giúp giảm nguyên liệu tiêu hao đồng thời hạn chế khí thải có ảnh hưởng không tốt đến môi trường. Tính trên toàn thế giới, đây là nhà máy thứ 20 ứng dụng công nghệ này.
Trong khi đó, nhà máy cán thép công suất 500.000 tấn/năm sử dụng công nghệ Vai Siemen của Đức, hoạt động theo quy trình cán nóng và nạp phôi trực tiếp, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm tối đa chi phí gia nhiệt. Nhờ đó, các nhà máy của Pomina sẽ hạn chế khói bụi và tiếng ồn. Ngoài ra, Pomina đã đạt chứng chỉ ISO 14001: 2004 về bảo vệ môi trường với quy trình xử lý nước thải khép kín, nguồn nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn quy định sẽ được tái sử dụng hoàn toàn.
- Các chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ dư thừa thép, vì sao Pomina vẫn quyết định đầu tư thêm nhà máy luyện phôi và nhà máy cán thép trong thời điểm này?
- Hiện nay, sản lượng sản xuất của Pomina là 500.000 tấn phôi và 1,1 triệu tấn thép thành phẩm/năm. Kế hoạch đầu tư dự án nói trên của Pomina là nhằm tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu của ngành thép. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất thép được khuyến khích đầu tư ngay tại nguồn để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, tiết kiệm ngoại tệ từ việc giảm nhập khẩu phôi thép.
Mặt khác, theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, ở thời điểm này, tổng sản lượng phôi sản xuất trong nước đạt khoảng 2,6 triệu tấn/năm, còn nhu cầu phôi cho sản xuất thép là khoảng 4 triệu tấn nên các nhà máy cán thép vẫn phải nhập khẩu. Sau ba năm nữa, nhu cầu phôi thép của các nhà máy sẽ tăng lên khoảng 4,6 triệu tấn/năm. Như vậy, khi nhà máy luyện phôi công suất 1 triệu tấn/năm của Pomina và một số nhà máy hiện đang xây dựng cùng đi vào hoạt động thì sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà máy sản xuất thép.
- Nói đến “chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu” của ngành thép là phải nói đến chuyện xuất khẩu. Tình hình xuất khẩu của công ty trong thời gian qua như thế nào?
- Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Pomina là Lào, Campuchia, Trung Đông… Năm 2008, xuất khẩu của Pomina chiếm khoảng 8% trên tổng doanh số bán ra.
- Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, ngành thép Việt Nam bị ảnh hưởng khá nặng, nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Với Pomina thì sao?
- Trước một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực là không tránh khỏi. Tuy nhiên, năm ngoái, ở đỉnh của cuộc khủng hoảng nhưng chúng tôi vẫn duy trì được khoảng 60% công suất. Còn năm nay, thị trường đã xuất hiện những tín hiệu tích cực nên có thể Pomina sẽ hoạt động được hơn 70% công suất nhà máy. Tám tháng đầu năm 2009, doanh thu của Pomina đạt 3.974 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 471,2 tỉ đồng.
- Và ông đã rút ra bài học gì từ cuộc khủng hoảng?
- Đối với Pomina, cuộc khủng hoảng lần này không nghiêm trọng bằng khủng khoảng tài chính khu vực năm 1997-1998. Bởi lúc đó, chúng tôi mới tham gia thị trường và còn ít kinh nghiệm, tiềm lực tài chính cũng có hạn. Nhận thức được tài chính là mạch máu của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp nên trong quá trình hoạt động từ sau năm 1998, Pomina luôn có kế hoạch tài chính dự phòng.
Khi khủng hoảng xảy ra, với nguồn vốn lưu động sẵn có, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động khá tốt, thậm chí có thể tận dụng được thời cơ mà khủng hoảng mang lại. Cuộc khủng hoảng nào rồi cũng có điểm dừng. Và việc đầu tư nhà máy mới ngay ở thời điểm này cũng là để tranh thủ nguồn vốn giá rẻ, mua sắm máy móc, thiết bị với giá thấp và đón trước cơ hội thị trường xây dựng phục hồi mạnh sau vài năm nữa.
(Theo Khang Minh thực hiện // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com