Ông Nguyễn Quốc Khánh |
Thưa ông, nhiều dự án điện bị chậm triển khai vì giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp khó khăn. Vậy ở PVN, vấn đề này diễn biến ra sao?
Trong các dự án điện, vấn đề GPMB có những khó khăn nhất định và đều có thể nhìn thấy trước. Các dự án của PVN không gặp quá nhiều khó khăn về GPMB, nhưng cũng đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Hiện tại, mặt bằng của Trung tâm Điện lực Thái Bình và Long Phú còn một ít chưa giải phóng được, ở Trung tâm Điện lực Sông Hậu thì mới bắt đầu. Tại các địa phương mà chính quyền tích cực ủng hộ, thì việc GPMB được triển khai rất nhanh. Vì thế, chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong dự án.
Để chính quyền địa phương chung tay thúc đẩy GPMB nhanh, PVN có cơ chế gì đặc biệt không?
Chúng tôi chuyển tiền ngay sau khi UBND tỉnh ban hành các quyết định về đơn giá để địa phương có thể làm nhanh. Nếu mình triển khai chậm lại dễ có tình trạng xôi đỗ trong GPMB.
Trong chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản mới đây, công tác gọi vốn đầu tư vào sản xuất điện là một trong những ưu tiên hàng đầu của PVN. Phải chăng việc thu xếp vốn đầu tư cho điện của PVN cũng có khó khăn?
Theo tính toán, để phát triển các dự án điện trong Tổng sơ đồ VI cần khoảng 80 tỷ USD. Nếu chỉ trông chờ vào các nguồn lực trong nước thì chắc chắn không thể đủ, nên phải có thêm các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài. PVN cũng đưa ra nhiều hình thức để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào điện như liên doanh, cổ phần. Một số nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn hợp tác với PVN để làm các dự án điện theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT), thay vì làm nhà máy điện độc lập (IPP) như được giao.
Theo họ, làm dự án BOT an toàn hơn và có nhiều cam kết hơn so với dự án điện IPP, nhưng hiện chưa được chấp thuận.
Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng kêu gọi các hình thức liên doanh hoặc hình thức BOT có sự tham gia của nước ngoài vào sản xuất điện, nhưng kết quả còn khá khiêm tốn. Như vậy PVN có e ngại các nhà đầu tư nước ngoài cũng không mặn mà với dự án điện mà PVN triển khai không?
Tôi cho rằng, điều này còn tùy thuộc vào thời điểm và môi trường chung. Ngoài ra, hơn 50% đối tác nước ngoài mà chúng tôi mời tham gia đầu tư vào điện đều là những đối tác lâu năm của PVN, hoạt động ở cả lĩnh vực dầu khí lẫn điện lực, nên có thể hiểu cách làm việc với PVN. Dĩ nhiên là họ cũng phải nghiên cứu kỹ, vì còn liên quan đến chuyện thu xếp vốn.
Suất đầu tư của các dự án nhiệt điện than hiện nay ra sao, thưa ông?
Suất đầu tư của hợp đồng EPC Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 đang triển khai thì chưa tới 1.000 USD/kW. Còn ở Dự án Thái Bình 2 thì chưa xong thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán, nên chưa có con số chính xác. Nhưng như Dự án Điện Nghi Sơn 1 (công suất 600 MW) mới được khởi công thì có tổng mức đầu tư tới 22.000 tỷ đồng.
Một vấn đề nan giải với các dự án nhiệt điện than là nguồn than nhập khẩu. PVN đã chuẩn bị cho nguồn than nhập khẩu này ra sao rồi, thưa ông?
Nếu trực tiếp mua than với chủ mỏ thì ký xong là phải lấy than, mà thường thì không thể có ngay lập tức vài triệu tấn nếu chưa có đầu tư gì. Vì thế chúng tôi chọn cách khởi đầu là mua than của một công ty có hệ thống kinh doanh toàn cầu, có sẵn nguồn than. Còn sau này thì có thể ký trực tiếp mua than với mỏ để đa dạng đầu vào.
Trong các dự án điện của PVN, phần mà các doanh nghiệp Việt Nam làm được có gia tăng nhiều không?
PVN đang chỉ đạo các ban quản lý dự án rà soát lại để có thể sử dụng các thiết bị, phụ tùng, vật tư trong nước sản xuất được ở mức cao nhất. Thậm chí, PVN yêu cầu ngay cả trong trường hợp dù đã có hợp đồng sơ bộ, nhưng nếu phát hiện ra sản phẩm đó sản xuất được ở trong nước thì nhất thiết phải dùng hàng trong nước. Ở Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 thì tỷ lệ này thấp vì mới bắt đầu làm điện, nhưng tới Dự án Điện Nhơn Trạch 2 thì phần trong nước làm được đã chiếm tới 30% giá trị công trình.
(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com