Cùng được thành lập thí điểm nhưng mô hình Tập đoàn Dệt may lại được xem là khá thành công, góp phần giúp xuất khẩu của ngành có lúc vượt cả ngành dầu khí. Ông Lê Quốc Ân, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may, trao đổi với Tuổi Trẻ về mô hình này:
- Dệt may là ngành xuất khẩu đứng nhì, có năm đứng nhất, trên cả dầu khí nhưng thực chất Tập đoàn Dệt may không trực tiếp xuất khẩu đồng nào. Tập đoàn là một công ty đầu tư, đầu tư vào các công ty con để các công ty đó trực tiếp sản xuất, xuất khẩu. Các công ty con như Việt Tiến, May 10, Phong Phú, Nhà Bè... được toàn quyền chủ động trong nhận đơn hàng, đàm phán xuất khẩu.
Tập đoàn không can thiệp mà chỉ hỗ trợ chính sách thị trường, tác động các cơ quan nhà nước ở VN và các cơ quan phía đối tác để mở rộng thị trường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp con phát triển.
Như chúng tôi vừa tác động để mở cửa thị trường Nhật rộng hơn. Đối với thị trường Hoa Kỳ cũng có tác động để không áp dụng cơ chế giám sát hàng dệt may VN. Tập đoàn cũng hỗ trợ nghiên cứu, đánh giá thị trường, xây dựng hình ảnh của tập đoàn ở nước ngoài. Tóm lại, cơ chế của Tập đoàn Dệt may là hỗ trợ, tạo môi trường chứ không trực tiếp làm, không cạnh tranh với các công ty con.
* Theo mô hình các tập đoàn hiện nay, nếu Tập đoàn Dệt may ôm tất cả doanh nghiệp dệt may vào, đầu tư, rồi chi phối, theo ông, hiệu quả sẽ tăng hay giảm?
- Tập đoàn chúng tôi chỉ đầu tư vốn vào khoảng 120 công ty trong số khoảng 3.000 doanh nghiệp dệt may. Chúng tôi cũng chỉ đầu tư và giữ cổ phần chi phối ở 17 doanh nghiệp và nhận thấy mức độ thế là phù hợp. Còn lại chỉ đầu tư 20% trở xuống. Quyền chủ động của doanh nghiệp, tập đoàn cũng không được can thiệp.
* Vì sao tập đoàn không “ôm” vào khi có thể thâu tóm các công ty khác, giữ quyền bổ nhiệm giám đốc, sẽ có rất nhiều dự án đầu tư?
- Đây không phải lựa chọn của tôi, mà của ban lãnh đạo, hội đồng quản trị. Cơ chế này phù hợp với đặc thù ngành dệt may. Đặc thù đó là có nhiều doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp làm ra một chút, tạo thành một khối lớn, không tập trung vào một người. Ngay việc mua nguyên liệu nhiều người hỏi, thực tế Tập đoàn Dệt may cũng không đứng ra mua, mà chỉ giới thiệu các thông tin để các công ty con có thể chọn được nguyên liệu tốt, cạnh tranh nhất. Nó không giống các đơn vị khác là họ tập trung mua hay bán ngay tại tập đoàn, còn việc sản xuất là của công ty con.
* Vậy việc đầu tư, tập đoàn có nên làm thay các công ty con, theo ông?
- Chúng tôi có đầu tư nhưng chúng tôi chỉ đóng vai trò chủ lực ở những lĩnh vực mà nhiều công ty tư nhân không làm, nhưng cần thiết cho sự phát triển của ngành. Như đầu tư vào bông chẳng hạn, không ai làm vì lợi nhuận thấp, nhưng chúng tôi phải đầu tư vì đó là nguyên liệu quan trọng. Hay đầu tư sản xuất xơ sợi tổng hợp, tập đoàn đang đầu tư nhà máy để cung cấp cho ngành. Đầu tư vào dệt, nhuộm cần vốn rất lớn, thu hồi vốn lâu. Chúng tôi chỉ đầu tư “mồi”, dẫn dắt sự phát triển.
* Vậy thì tập đoàn thu được gì từ mối quan hệ với các công ty con?
- Ngành dệt may có đặc thù, có sự cạnh tranh rất mạnh cả trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp phải có sự năng động rất cao mới tồn tại, đáp ứng được thị trường. Theo tôi, nếu tập trung lại thì không cạnh tranh được. Muốn cạnh tranh được, công ty con phải có sự chủ động cao. Nên nói tập đoàn không có quyền lợi cũng có ý đúng, nhưng cái chính là sự phát triển của công ty con.
Quan hệ tiền bạc của Tập đoàn Dệt may với các công ty con theo đúng Luật doanh nghiệp. Nghĩa là tập đoàn đầu tư vào công ty con với tỉ lệ vốn nào thì khi công ty con làm ăn có lãi, nộp ngân sách, trích quỹ xong, tập đoàn sẽ được chia lãi theo tỉ lệ vốn góp. Tập đoàn không thể muốn chia bao nhiêu thì chia hay dùng tiền của công ty con theo ý muốn của tập đoàn.
(Báo Tuổi Trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com