Trao đổi với Tiền Phong chiều qua xung quanh việc Vinaconex bị thu hồi gần 900 tỷ đồng, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết, đến nay Tổng Cty đã và đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 29/7, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau khi nghe báo cáo kết quả thanh tra việc cổ phần hóa Tổng Cty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Theo đó, một trong những nội dung được Thủ tướng kết luận là Bộ Tài chính có quyết định thu hồi ngay số tiền gần 900 tỷ đồng.
Công trình hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) - Vinaconex tham gia thi công. |
Tổng Giám đốc Vinaconex - ông Nguyễn Thành Phương |
Theo ông Nguyễn Thành Phương, cụ thể, về khoản tiền 6,7 tỷ đồng vốn nhà nước còn lại doanh nghiệp và khoản vốn nhà nước tăng thêm từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến khi chuyển thành Tổng Cty Cổ phần 73 tỷ đồng, Tổng Cty đã chuyển vào tài khoản của Cty Đầu tư & Kinh doanh vốn nhà nước SCIC - đơn vị đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước tại Vinaconex) ngay sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ năm 2008 với số tiền chuyển là 143 tỷ đồng vào tháng 5/2009.
Một số khoản khác, Tổng Cty và hai đơn vị thành viên đã và sẽ tiếp tục nộp khi có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước...Thực tế, sau khi trừ số tiền Tổng Cty đã nộp vào tài khoản của SCIC thì Vinaconex chỉ còn phải nộp 747 tỷ đồng.
Thưa ông, cụ thể về khoản dư bán cổ phần lần đầu 810 tỷ đồng vì sao đến thời điểm này Tổng Cty vẫn chưa nộp cho Nhà nước?
Chúng tôi muốn nói rõ là 810 tỷ đồng là khoản chênh lệch thặng dư khi Tổng Cty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Số tiền thặng dư này có được là nhờ công sức của nhiều thế hệ, cán bộ, công nhân viên đóng góp từ nhiều năm qua, không phải Nhà nước cấp từ ngân sách.
Cụ thể đây là khoản chênh lệch giữa mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần với giá đấu giá bình quân mà nhà đầu tư mua là 26.300 đồng/cổ phần. Theo Nghị định 187/2004 của Chính phủ thì đây là khoản tiền được xác định là của Nhà nước, và Vinaconex cũng như các nhà đầu tư đều hiểu rằng đây là khoản tiền của Nhà nước.
Có ý kiến cho rằng, khoản tiền đó được để lại nhằm tăng vốn nhà nước tại Vinaconex, thực hư ra sao, thưa ông?
Theo Quyết định số 56/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm cổ phần hóa Tổng Cty Vinaconex, Thủ tướng cho phép “phần vốn tăng thêm do đấu giá cổ phiếu của Tổng Cty Vinaconex được để lại nhằm tăng vốn nhà nước tại Tổng Cty”.
Thực tế, có lý do thế này, khi Vinaconex tăng vốn từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, Đại hội đồng cổ đông (trong đó có đại diện SCIC) đã thống nhất bán ra với mệnh giá phát hành là 20.000 đồng/cổ phần dành cho cổ đông hiện hữu.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, thị trường chứng khoán không thuận lợi, giá cổ phiếu của Vinaconex trên thị trường thấp hơn giá được phê duyệt. Vì vậy, Tổng Cty SCIC từ chối quyền mua cổ phần phát hành thêm của Vinaconex.
Hội đồng quản trị Vinaconex đã phê duyệt bán cổ phần nhưng SCIC và một số cổ đông từ chối mua. Do đó, Tổng Cty Viễn thông quân đội (Viettel) mua 35 triệu cổ phần, Vinaconex thu được 700 tỷ đồng từ số cổ phần này.
Cũng chính vì vậy mà số tiền 810 tỷ đồng dự kiến để tăng vốn nhà nước tại Vinaconex chưa thực hiện được như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đây cũng là lý do khiến Thủ tướng Chính phủ mới đây chỉ đạo Bộ Tài chính ra quyết định thu hồi số tiền 810 tỷ đồng về cho Nhà nước.
Tổng Cty sẽ xoay xở ra sao với khoản tiền lớn như vậy vào thời điểm hiện nay thưa ông?
Đến nay, Đại hội đồng cổ đông trong đó có đại diện SCIC, đã thông qua việc tăng vốn điều lệ của Vinaconex từ 1.850 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng trong năm 2009. Vì vậy khoản tiền 810 tỷ đồng là nguồn vốn để SCIC dùng mua cổ phần để duy trì tỷ lệ vốn nhà nước chi phối tại Vinaconex.
Chúng tôi cùng đơn vị tư vấn đang hoàn tất thủ tục nộp hồ sơ đề nghị tăng vốn điều lệ lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước và mong muốn đề nghị của chúng tôi sớm được chấp thuận.
Cảm ơn ông.
(Theo Khôi Vỹ // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com