Theo ông Đoàn Ngọc Hoàn - Giám đốc Cty chứng khoán VNS, việc 90% nhà đầu tư nhỏ chiếm đến 80% giá trị giao dịch thị trường sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới thị trường. Không những vậy, việc có một nhóm nhà đầu tư “ưa thích đặc biệt” một vài mã cổ phiếu nào đó cũng là điều khó tránh khỏi.
- Có nhiều ý kiến cho rằng, năm 2010 thị trường chứng khoán vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng khó tạo được sự đột biến. Còn quan điểm của ông ?
Thị trường chứng khoán là “hàn thử biểu” phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, mà không chỉ nền kinh tế một nước mà còn cả thế giới. Như chúng ta đều biết, mục tiêu tăng trưởng năm nay của chúng ta là 6,5% và lạm phát là dưới 9%, và tôi cho rằng với những mục tiêu trên, chúng ta cũng phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đạt được đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải tháo gỡ các vấn đề liên quan đến thâm hụt cán cân thanh toán, sức ép về tỷ giá, lãi suất... và nền kinh tế của các nước thuộc khu vực EU có nhiều bất ổn. Chính vì thế tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên.
- Theo dõi diễn biến thị trường từ đầu năm đến nay, dường như nhà đầu tư không còn “mặn mà” với các mã bluechips. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chính ?
Theo tôi, có hai nguyên nhân chính sau:
Nguyên nhân thứ nhất là do cơ cấu nhà đầu tư tham gia thị trường. Hiện tại ở Việt Nam có đến 90% là nhà đầu tư nhỏ lẻ, 10% là nhà đầu tư tổ chức trong khi ở các nước có thị trường chứng khóan phát triển thì ngược lại. Các nhà đầu tư cá nhân thường chưa có một chiến lược đầu tư cụ thể, và phần lớn là đầu tư lướt sóng ngắn hạn. Với “túi tiền nhỏ” thì các nhà đầu tư thường có xu hướng chọn các cổ phiếu nhỏ.
Nguyên nhân thứ hai có khởi nguồn từ thị trường tiền tệ. Các cổ phiếu có vốn hóa lớn (bluechips) thường có nhu cầu tiêu thụ vốn lớn trong khi lãi suốt thị trường vẫn ở mức cao và điều kiện vay phần nào khó khăn hơn. Chính vì thế các Cty niêm yết cũng thận trọng hơn trong việc sử dụng vốn vay ngân hàng. Vì thế kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ bị thu hep và thu nhập kỳ vọng của các bluechips không đáp ứng được mong đợi của nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên hiện nay, bluechips vẫn là lựa chọn số 1 của các nhà đầu tư nước ngoài.
- Trong khi đó, nhiều mã penny và mid-cap có độ biến động rất mạnh, thậm chí hiện tượng này xuất hiện ở cả một số mã có kết quả kinh doanh lỗ. Điều này liệu có sự tham gia “làm giá” của một bộ phận nhà đầu tư, thưa ông ?
Như tôi đã nói ở trên, trên thị trường có đến 90% là nhà đầu tư cá nhân và xu hướng lựa chọn các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng là điều dễ hiểu vì “túi tiền nhỏ” của họ. Việc đầu tư vào cổ phiếu vừa và nhỏ chỉ yêu cầu một lượng vốn vừa phải, trong điều kiện biến động thị trường thì những mã này thể hiện rõ sự năng động và tăng trưởng đột biến. PE thấp, EPS cao, vòng quay vốn nhanh, lợi nhuận hấp dẫn, và sự luôn chuyển sống động giữa các nhóm ngành, sóng cổ phiếu tạo sự thu hút với các nhà đâu tư mới tham gia lẫn những lão làng. Bên cạnh đó cũng có nhiều cổ phiếu penny và mid - cap có chỉ số cơ bản tương đối tốt. Nguyên nhân việc có những cổ phiếu vừa và nhỏ có kết qủa kinh doanh lỗ vẫn có độ biến động rất mạnh là do tin đồn và sự tham gia của các nhà đầu tư có khả năng chấp nhận rủi ro rất cao, cũng như các nhà đầu tư dài hạn.
Việc 90% nhà đầu tư nhỏ chiếm đến 80% giá trị giao dịch thị trường và văn hóa của VN mình có tính cộng đồng cao thì việc có một nhóm nhà đầu tư “ưa thích đặc biệt” một vài mã cổ phiếu nào đó cũng là điều khó tránh khỏi.
- Vậy theo ông thì Cty chứng khoán giữ vai trò như thế nào trong việc quản lý thị trường, tránh tình trạng nhóm nhà đầu tư “ưa thích đặc biệt” như ông nói ?
Một trong các nghiệp vụ chính của Cty chứng khoán là tư vấn đầu tư và tự doanh. Tôi nghĩ các nghiệp vụ này cũng giữ vai trò đáng kể tác động đến nhận thức và tâm lý của nhà đầu tư một cách bền vững. Khi nhà đầu tư có kiến thức và bản lĩnh thì hiện tượng làm giá sẽ khó có đất sống.
Ví dụ hàng tuần VNS đều có các buổi hội thảo để cùng các nhà đầu tư phân tích, đánh giá và nhận định xu hướng thị trường dưới góc độ kỹ thuật cũng như cơ bản. Mục đích là trang bị cho nhà đầu tư các vũ khí cần thiết để họ có thể xây dựng chiến lược đầu tư của mình và không bị “nhiễu sóng” bởi các tin đồn...
- Nhưng theo tôi, đó mới là việc của DN. Còn việc của cơ quan quản lý để đảm bảo tính minh bạch cho thị trường chứng khoán ?
Theo tôi, ngoài các giải pháp như hiện nay các cơ quan quản lý cần triển khai thêm một số giải pháp sau:
Sự công khai minh bạch hóa thông tin trên thị trường chứng khoán VN là một vấn đề không thể bỏ qua được trong điều kiện hiện nay của một thị trường tâm lý như ở Việt Nam.
Cần phải tăng cường kiểm tra giám sát độc lập các giao dịch của thị trường thường xuyên và liên tục.
Xử phạt nghiêm minh các vi phạm theo đúng luật chứng khóan.
Khuyến khích và thu hút thêm các nhà đầu tư là tổ chức.
Có như vậy, theo tôi thị trường mới ngày một phát triển và thu hút được lượng vốn hóa lớn hơn.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com