Ngành thuế và hải quan đã rà soát và cắt giảm được 61 thủ tục hành chính (TTHC) trong tổng số 258 TTHC ưu tiên, giảm khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm cho DN. Đây là công bố của Bộ Tài chính tại Hội nghị đối thoại giữa DN với cơ quan thuế và hải quan ngày 16/6/2010. Tuy nhiên, những kiến nghị về sự bất cập trong triển khai các TTHC tại hai cơ quan này vẫn còn khá nhiều. PV đã phỏng vấn ông Nguyễn Cảnh Tuấn – Giám đốc Cty TNHH Hoàng Trà về một trong số những kiến nghị trên.
- Đến với hội nghị đối thoại lần này, DN của ông có kỳ vọng gì vào công tác cải cách TTHC của ngành thuế và hải quan ?
Đề án 30 đã đem lại nhiều đổi mới tích cực trong lĩnh vực cải cách TTHC của lĩnh vực thuế và hải quan. Điều này không chỉ có lợi cho DN mà chính các cơ quan thuế và hải quan cũng giảm được khối lượng công việc khổng lồ. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động xuất nhập khẩu xe ôtô tải của DN, chúng tôi thấy một số TTHC vẫn có thể cắt giảm.
Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính bãi bỏ thủ tục tờ khai nguồn gốc xe nhập khẩu ôtô nguyên chiếc. Hiện nay, một số loại xe nhập khẩu không cần loại tờ khai nguồn gốc này, như xe taxi, xe tải có thùng. Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ thêm sự cần thiết của loại TTHC này.
Chỉ với TTHC này, DN đã mất khoảng 2 – 3 tuần cho mỗi lần nhập khẩu xe. Cơ quan hải quan cũng mất thêm một bộ phận bán tờ khai và một bộ phận quản lý tờ khai. Còn cơ quan công an cũng đỡ được việc quản lý loại hồ sơ liên quan.
- Cải cách TTHC khiến cho việc thực thi của cả DN và cơ quan quản lý dễ dàng hơn, đỡ tốn kém hơn. Tuy nhiên, không ít DN vẫn băn khoăn trong quá trình triển khai thiếu sự đồng nhất. Ông có ý kiến gì về vấn đề này ?
Cải cách có thể đem lại sự ưu việt. Nhưng dù các chính sách có ưu việt đến đâu thì cũng cần phải thực hiện công bằng, công bằng với mọi DN. Chúng tôi có thể nêu ra một trường hợp cụ thể về sự thiếu công bằng trong triển khai các chính sách thuế.
Thuế nhập khẩu ôtô tải trên 24 tấn từ năm 2006 – 2007 được áp dụng không thống nhất tại các cục hải quan. Ví dụ Cục Hải quan Quảng Ninh áp thuế 20%, còn Cục Hải quan Lạng Sơn lại áp dụng 10%. Khi DN kiến nghị, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo áp dụng thống nhất mức thuế 10%. Như vậy, nhờ có DN kiến nghị đã thống nhất được một mức thuế.
Tuy nhiên, lại nảy sinh vấn đề không thống nhất tiếp theo công tác hoàn thuế cho DN. Các DN bị nộp thuế 20% đều làm hồ sơ xin được hoàn thuế đã nộp về mức 10% như quy định chung. Điều bất hợp lý đã xảy ra. Có DN thì được hoàn, có DN thì không được hoàn thuế. Mặc dù chủ trương tạo điều kiện hoàn thuế cho các DN sớm nhất có thể được Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành từ khá lâu, nhưng một số DN đã kiến nghị tới 3 năm này vẫn chưa được hoàn thuế.
- Những kiến nghị của DN về vấn đề này đã được Bộ Tài chính và cơ quan thuế trả lời ra sao, thưa ông ?
Dù đã được cắt giảm nhiều, nhưng vẫn còn có thể cắt giảm nhiều TTHC nữa. Bên cạnh việc cắt giảm là vấn đề nhất quán trong việc triển khai, áp dụng. |
Khi chúng tôi thắc mắc tại sao lại có chuyện chỗ này truy hoàn thuế, chỗ kia lại không thì được cơ quan thuế trả lời: “Vì nhiều DN đã làm xong các thủ tục quyết toán thuế và hồ sơ sổ sách kế toán của các năm đã hoàn tất rồi nên cơ quan thế không làm thủ tục truy hoàn nữa”. Với cách trả lời như vậy thì khó có DN nào có thể chấp nhận được.
Từ quan điểm thiên lệch, đặt quyền lợi của cơ quan quản lý lên trước đó, Bộ Tài chính đã ra văn bản chỉ cho phép hoàn thuế năm 2010. Những chuyện không nhất quán trước kia coi như xí xóa.
Những vấn đề trên của một số DN chung cảnh ngộ với chúng tôi đã kiến nghị nhiều nơi và nhiều năm nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Chúng tôi cho rằng mỗi chính sách được ban hành phải có sự nhất quán. Bên cạnh nỗi lo về TTHC rườm rà thì DN còn phải thêm nỗi lo về sự thiếu công bằng trong cách áp dụng chính sách.
Công tác rà soát và cải cách TTHC của Đề án 30 đang được triển khai khá thành công. Chúng tôi chỉ mong khi triển khai bộ TTHC đã rà soát cũng cần chú ý tới sự áp dụng nhất quán. Có được như vậy, chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ mới thực sự đi vào cuộc sống.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com