Gặp ông vào một buổi trưa, khoảng trống thời gian giữa hai chuyến bay. Không màu mè, không thủ tục chào hỏi phức tạp, Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải bắt đầu câu chuyện bằng việc giới thiệu bản thân một cách quả quyết, rành rọt:
“Tôi xuất thân là một kỹ sư cơ khí, làm nên Trường Hải từ hai bàn tay trắng.
Tôi là con người của kỹ thuật, nên có rất nhiều việc phải làm.
Tôi không là dân tài chính.
Tôi không quen tư duy phát triển doanh nghiệp mình quy mô thế nào, quản trị ra sao...
Chỉ biết làm để có kết quả tốt nhất.
Tôi cũng không có ý định mua lại công ty này, doanh nghiệp kia để mở rộng.
Có muốn cũng chẳng được!
Chuyện khó ấy, dành cho các tập đoàn đa quốc gia.
Tôi phát triển từ giá trị cốt lõi, từ quá trình sản xuất thực sự.
Tôi mở rộng phương án kinh doanh để Trường Hải có thể phát triển.
Để giải quyết được nhiều việc làm hơn....
Để đóng góp nhiều hơn...
“Có lần, tôi bị nói mình dại”
* Chuyện anh kỹ sư, thợ sửa chữa xe Trần Bá Dương hai bàn tay trắng, bằng cố gắng của mình lập nên Trường Hải đã đi vào các trường đại học và ông vô tình trở thành “thần tượng” của rất nhiều sinh viên Bách Khoa hiện nay. Nhưng mọi người vẫn biết rất ít về những thất bại của ông trong quá trình xây dựng Trường Hải?
Tôi cho rằng, khó khăn chính là những cột mốc để công ty phát triển lên tầm cao mới. Cá nhân tôi, khó khăn nhất chính là việc phải đấu tranh giữa quan điểm gia đình và quan điểm bản thân. Ngày trước thì không nhưng bây giờ, gia đình hay phản đối và bảo tôi: “Giờ thì tiền có đủ để dùng rồi, ông còn làm nhiều thế làm gì, sức khỏe đâu mà chịu cho nổi...”. Tôi suy nghĩ và đấu tranh nhiều lắm cho vấn đề này.
* Có vẻ như việc kinh doanh hay không, gây mất thời gian suy tư cho ông nhiều quá?
- Nếu nghĩ đơn giản, kinh doanh là kiếm tiền thì đúng là không có động lực. Nhưng nếu nói là làm để phục vụ xã hội thì lại quá mênh mông, to tát. Tôi phải chọn mục tiêu ở mức vừa đủ thể hiện vai trò và tính phục vụ của mình với cuộc sống này.
Trong tôi, giai đoạn khó khăn là những lúc tôi cần phải xác tín lại quan điểm, lập trường trong quá trình phát triển sự nghiệp của mình. Tôi tự hỏi, mục tiêu của mình là gì? Làm sao để chia sẻ mục tiêu đó với cộng sự, với gia đình? Chuyện tưởng đơn giản nhưng thực chất là rất khó.
Hiện nay, môi trường xã hội có rất nhiều mô hình kinh doanh đôi lúc mang tính thời thượng. Cụ thể như chứng khoán, bất động sản... thời gian trước kiếm tiền rất dễ. Những người trong ngành này đi xe xịn, làm việc phòng máy lạnh, có thời gian nhàn rỗi chơi golf...
Trong khi đó, những người làm sản xuất, ví dụ như sản xuất xe như tôi thì trầy trật với bao nhiêu là phép tính nào lãi suất, nào nhân công... và người thì lúc nào cũng lấm lem dầu nhớt... Những hình ảnh này được gia đình tôi thấy đầy đủ cả.
Có lần, tôi bị người trong nhà nói rằng mình dại. Với số tiền tôi có, đưa vào mua vài ba miếng đất rồi thong thả đi chơi, hưởng nhàn, bỏ ra xây dựng nhà máy tại Chu Lai, quản lý bảy ngàn con người làm gì cho mất công, mất sức mà nguồn thu về chẳng bằng giá đất lên. Nói thật, thất bại sẽ rất dễ xảy ra nếu tôi không giải quyết được bài toán về quan điểm lập trường và mục tiêu sản xuất.
* Các chuyên gia kinh tế dự báo, từ đây đến cuối năm, tình hình kinh tế cũng chẳng sáng sủa hơn được mấy. Vừa đối mặt với khó khăn, vừa chịu áp lực từ gia đình, làm thế nào ông có niềm tin mà tiếp tục công việc?
- Cuộc sống buộc con người phải thích nghi với môi trường sống thì kinh tế buộc doanh nghiệp phải thích nghi với môi trường phát triển, sản xuất kinh doanh của mình. Tất cả, đều cần nhận diện thực tiễn để rồi từ thực tiễn, tìm ra giải pháp đúng. Trong điều kiện kinh tế thế giới đang trong trạng thái bất ổn và Việt Nam thì lạm phát hiện nay, doanh nghiệp cần có giải pháp ứng phó tức thời.
Đồng thời, phải xác tín với mình rằng, trong khó khăn thì luôn có cách để tồn tại và phát triển. Có niềm tin như thế thì trước mắt là doanh nghiệp đã thắng về mặt nghị lực. Từ nghị lực sẽ biến thành nội lực.
Trong khó khăn, tôi không vẽ ra mục tiêu quá lớn để bị ngộp với chính mình mà đặt ra mục tiêu đơn giản, chỉ cần Trường Hải cạnh tranh được trong môi trường hội nhập quốc tế. Mục tiêu nhỏ nhưng bước tiến dài. Vững chãi thì mới mong có phát triển bền vững!
Mục tiêu hàng đầu ASEAN
*Năm 1997, ông thành lập Công ty CP Ô tô Trường Hải, tiên phong trong việc nhập xe ô tô cũ và chiếm lĩnh 50% thị trường. Năm 2003, ông kiên quyết dồn tài lực, công sức đầu tư nhà máy tại khu kinh tế mở Chu Lai, chính thức sản xuất ô tô tại Việt Nam. Chính ông cũng là người đầu tư, sản xuất dòng xe giường nằm thương hiệu THACO phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nội địa và thay đổi “văn hóa xe đò” của người dân Việt Nam, tạo sự thoải mái cho khách đường dài... Việc làm người tiên phong, mở cõi có khiến ông tự hào về mình?
- Việt Nam là một nước đi sau các nước về công nghiệp. Tôi vẫn nghĩ rằng, mình đang phải liên tục học từng chút một những tiến bộ của nước ngoài. Cách học tốt nhất là đồng hành, sát cánh cùng họ. Thế nên, tôi chọn cách hợp tác với các thương hiệu mạnh như Huyndai và KIA... Chính phủ đang mong mỏi có một ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.
Trước đây, chúng ta có những nhận định không chính xác về ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Gần đây, Trường Hải cũng đã nói và đã làm cho xã hội biết rằng Việt Nam có thể sản xuất, lắp ráp ô tô theo hướng tham gia chuỗi giá trị, hướng đến thị trường AFTA khu vực ASEAN.
* Để tham gia được thị trường này, doanh nghiệp phải gia tăng tỷ lệ nội địa hóa lên đến 40%. Con số này có vẻ không đơn giản với một doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy?
- Điều này buộc tôi phải đầu tư và liên kết với nhiều doanh nghiệp khác trong và ngoài nước để nâng cấp các dây chuyền công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất cũng như nghiên cứu, sáng chế, thay đổi nhiều công đoạn trên dây chuyền sản xuất của nước ngoài cho phù hợp với Việt Nam.
Tăng tỷ lệ nội địa hóa nghĩa là góp phần giảm được nhập siêu. Trong con số 40% ấy, còn có cả vấn đề giải quyết được việc làm cho người lao động. Và hơn hết, khi xuất khẩu được sang thị trường AFTA, chúng ta còn thu về ngoại tệ, góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam với các nước. Những lợi ích lâu dài như thế khiến tôi thấy mình cần nỗ lực hơn.
* Sự kiện đáng chú ý nhất của THACO là việc ký kết hợp tác xây dựng Nhà máy động cơ THACO - Hyundai tại Khu Kinh tế mở Chu Lai - Quảng Nam. Sao không là một khu công nghiệp nào đó ở TP.HCM hay Hà Nội mà lại là Chu Lai, thưa ông?
- Việc lựa chọn Chu Lai liên quan đến vấn đề chiến lược. Thực ra, đất nước chúng ta đang trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tham vọng của tôi là Trường Hải không chỉ là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam mà phải là hàng đầu Asean.
Chúng tôi nhận diện mô hình của Trường Hải đến năm 2018, thời gian hoàn tất quy trình hội nhập ASEAN, là phải có được một khu công nghiệp tập trung của riêng mình. Chỉ có tập trung mới giảm thiểu được đầu tư hạ tầng công nghệ dàn trải, giảm chi phí vận chuyển...
Do đó, Chu Lai là một địa điểm thích hợp. Trong ước mơ của tôi, mô hình Chu Lai khi thành công sẽ là nơi tập trung sản xuất tất cả máy móc, phát triển ngành nghề liên quan đến lĩnh vực ô tô, cơ khí...
Trường Hải cũng đã mở trường, tập trung đào tạo con người Chu Lai về cơ khí, ô tô để tận dụng nguồn nhân lực địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước khác. Đi sau, chúng tôi bất lợi hơn về mặt công nghệ nhưng lại có lợi là có thể rút kinh nghiệm và tổ chức bài bản ngay từ đầu.
Nhận diện lại bản thân
* Việt Nam là quốc gia nông nghiệp. Việc phát triển một khu công nghiệp lớn như thế ở một địa phương thuần nông như Chu Lai sẽ khó tránh các hệ lụy đến môi trường, đời sống. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Khi quyết định đầu tư vào Chu Lai, tôi thấy được những ưu điểm về mặt chiến lược. Khó khăn chỉ là vấn đề trước mắt bởi thay đổi môi trường sống và làm việc của người dân địa phương từ nông nghiệp sang công nghiệp và hơn nữa là công nghệ cao không đơn giản. Tuy nhiên, đây lại là việc làm thiết thực. Chu Lai thuộc dải đất miền trung, vốn chịu nhiều thiên tai, bão lũ...
Nếu xây dựng hệ thống hạ tầng nơi đây tốt, người dân nơi đây sẽ phòng chống và hạn chế được tác hại của thiên tai. Như vậy, bước chuyển này là tích cực.
Qua rồi thời gian chỉ biết làm giàu cho mình, doanh nghiệp hiện nay đang bắt đầu quan tâm đến môi trường và sự phát triển bền vững. Đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Khi chọn Chu Lai, tôi đã tiên liệu rất nhiều những tác động môi trường để có thể có được giải pháp tốt nhất.
* Trách nhiệm xã hội là một khái niệm đã xuất hiện trên thế giới từ cuối những năm 60, được đề cập đến ở Việt Nam từ năm 1999, nhưng chỉ trong thời gian gần đây mới trở thành một xu hướng, một chủ đề được cộng đồng, xã hội và chính các doanh nghiệp quan tâm đặc biệt. Ông nghĩ điều này có muộn quá không, thưa ông?
- Doanh nghiệp muốn bền vững, trường tồn thì phải đảm bảo được môi trường xung quanh phải trường tồn trước. Trước đây, do hoàn cảnh đặc trưng, nhiệm vụ trước mắt của các doanh nghiệp là phải có sản phẩm, giải quyết được nhu cầu cấp thiết của xã hội. Bản thân việc quản lý xã hội cũng chưa có những quy định, mức độ... yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng.
Tuy nhiên, tiến đến điểm phát triển như bây giờ, cách nhìn này đã dần được thay đổi. Vấn đề sạch, xanh được đưa lên hàng đầu và sản xuất công nghiệp phải đảm bảo không phá vỡ môi trường.
* Thời gian dài trước đây, ông thường xuyên từ chối tham gia vào các giải thưởng trong nước. Rồi bất ngờ ông tham gia vào Giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp do VCCI, Ernst & Young đồng tổ chức với sự tài trợ của Techcombank, là một giải thưởng tôn vinh doanh nhân. Đến lúc, ông thấy mình cần được nhớ tới chăng?
- Có nhiều công ty xem việc tham gia giải thưởng như việc làm truyền thông. THACO cũng đã như thế trước đây. Sau này, tôi thấy việc ấy không cần thiết nữa.
Tuy nhiên, với giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp, tôi thấy đây là một giải thưởng khá nghiêm túc. Các tiêu chí mà giải thưởng đề ra chính là đòi hỏi mà doanh nhân thời đại phải có. Tham gia sân chơi này là dịp cho tôi nhận diện lại doanh nghiệp của mình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
* Ông kỳ vọng gì ở việc nhận diện lại bản thân doanh nghiệp như thế?
- “Biết người” được đặt ngang hàng với “biết ta”. Doanh nghiệp nhận diện lại để thấy được vai trò của mình trong thời đại mới. Ở chiều ngược lại, tôi kỳ vọng xã hội sẽ nhận diện được lực lượng doanh nghiệp, vai trò doanh nghiệp... trong sự phát triển của kinh tế hiện nay.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com