Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quy hoạch chung Hà Nội: Bảy triệu đô la, ít và nhiều

Vấn đề quy hoạch chung Hà Nội mỗi lần được nhắc đến, được mang ra bàn thảo rộng rãi dường như lại kéo theo một cơn sốt đất.

Nhìn vào quy hoạch chung này Quy hoạch sư trưởng Nguyễn Đỗ Dũng (ảnh), Cty Tư vấn Thanh Bình (TPHCM) mong ước nhiều điều, trong đó có ước muốn quy hoạch chung Hà Nội sẽ không phải là một dự án bất động sản lớn, dẫn đến những cơn sốt nhà mà người nghèo luôn chịu thiệt.

Quy hoạch sư trưởng Nguyễn Đỗ Dũng
Nguyễn Đỗ Dũng.

Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội nhấn mạnh chuỗi đô thị mới với nhà nhiều tầng, đường cao tốc thẳng cánh, anh thấy thế nào?

Đường cao tốc và nhà cao tầng dường như là lựa chọn không thể tránh khỏi không chỉ bởi vì chúng hấp dẫn về hình thức đối với một xã hội còn đang ở mức phát triển thấp mà còn vì chúng mang lại những tiện ích và công năng cho một đời sống đô thị hiện đại, những yêu cầu mà đường làng và nhà ba gian-hai chái truyền thống không thể đáp ứng. Đường cao tốc và nhà cao tầng cần được khuyến khích ở Việt Nam bởi chúng là câu trả lời tức thì cho những vấn nạn hiện tại về giao thông, nhà ở, và đô thị hóa đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, lối quần cư truyền thống có nhiều giá trị vô hình như “tình làng nghĩa xóm”. Những giá trị đó không chỉ là một phần của đời sống tinh thần mỗi người Việt mà còn bởi chúng định nghĩa chúng ta là ai trong một thế giới toàn cầu hóa. Đấy chính là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và của những thành phố giàu truyền thống như Hà Nội.

Ngay cả mô hình làng của Việt Nam, thú vị thay, lại có nhiều điểm tương đồng với mô hình “đơn vị láng giềng” mà Clareance Perry phát minh tại New York, Mỹ, vào đầu thế kỷ 20 sau hàng loạt nghiên cứu xã hội học. Như vậy, kể cả trong một lĩnh vực hiện đại vốn được du nhập từ tây phương như quy hoạch đô thị, văn hóa và di sản của chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm giá trị mà dường như bị quên lãng.

Nhìn từ góc độ ấy, tôi và nhiều đồng nghiệp luôn đặt ra câu hỏi “Làm sao để đường cao tốc, nhà cao tầng và đô thị hiện đại phải là những phiên bản Việt với rất nhiều tiếp thu từ chính truyền thống của chúng ta và được thiết kế cho người Việt, xứng đáng với tính cách và tinh thần Việt?”.

Phải học hỏi truyền thống, liệu đằng sau nghĩa vụ ấy có đi kèm lòng tự ái dân tộc?

Không hẳn. Đấy còn là cơ hội để các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng trẻ thế hệ chúng tôi thành công trên chính quê hương mình.

Không ít ý kiến hài lòng nhưng…

Có người từng là quan chức, thậm chí từng là bộ trưởng Bộ Xây dựng, cũng bày tỏ thất vọng trước những thiếu sót trong quy hoạch chung.

Tôi nghĩ cũng có không ít ý kiến hài lòng, hồ hởi với bản quy hoạch chung Hà Nội đấy chứ. Nhiều ý kiến trái chiều về một bản quy hoạch là bình thường, nhất là đối với một thành phố quan trọng và để lại nhiều cảm xúc như Hà Nội. Vấn đề đặt ra là những ý kiến trái chiều đó được tiếp nhận và xử lý thế nào thôi.

Điều tôi cảm thấy tiếc là quy hoạch Hà Nội vẫn thực hiện theo phương pháp tiếp cận từ trên xuống. Chính quyền thuê chuyên gia thực hiện quy hoạch theo đề bài do chính quyền đặt ra và sau đó lấy ý kiến nhân dân. Lẽ ra, để đạt được đồng thuận, nên có sự tham gia của dân ngay từ khi xây dựng tầm nhìn cũng như mục tiêu của đồ án.

Và đồ án nếu chưa thành công cũng do một số khó khăn?

Thời gian là một thách thức lớn của đồ án quy hoạch chung khi phải triển khai trong vòng hơn một năm trong khi nguồn thông tin thống kê (dân số, giao thông, kinh tế, môi trường, v.v…) và bản đồ của chúng ta còn sơ sài. Có lẽ đây là một kỷ lục thế giới mới về lập quy hoạch chung một siêu thành phố.

Mặt khác, tôi nghĩ 7 triệu USD là quá nhiều để thực hiện một đồ án nặng về thể hiện như chúng ta đã thấy. Nhưng sẽ là không đủ để thực hiện một đồ án hoàn chỉnh với những nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế, dân số, môi trường, giao thông, quản lý đô thị, như nhiều người kỳ vọng.

Theo anh, tiêu chí nào là tiên quyết để lựa chọn nhà tư vấn?

Cái này, nhờ anh hỏi Bộ Xây dựng hộ tôi. Thông qua chính website của các thành viên trong liên doanh tư vấn PPJ thì, dường như đồ án quy hoạch chung Hà Nội là kinh nghiệm mới mẻ đối với họ. Jina và Perkin Eastman đều là các Cty kiến trúc đơn thuần và Posco là một tập đoàn công nghiệp. Những kinh nghiệm trước đó của Jina và Perkin Eastman chỉ rút ra từ xây dựng những khu đô thị mới với mục đích rõ ràng của khách hàng là đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, khu thương mại dịch vụ, để kinh doanh.

Hà Nội không phải là dự án bất động sản

Nếu quy hoạch chung Hà Nội giống những dự án mà các Cty trên đã thực hiện thì công việc của nhà tư vấn khá đơn giản?

Gần như thế. Họ chỉ việc tạo ra không gian đô thị đẹp với số lượng công trình được tính toán theo kế hoạch kinh doanh của nhà đầu tư. Nhưng Hà Nội không phải là một dự án bất động sản.

Vậy các nhà tư vấn phải làm gì?

Tư vấn phải làm những việc vô cùng phức tạp và khó khăn trong điều kiện Việt Nam như dự báo tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng dân số, nhu cầu việc làm, xác định chức năng kinh tế - xã hội cho từng thành phố vệ tinh, đề xuất giải pháp bảo tồn phố cổ hay tính toán nhu cầu giao thông, giải pháp chống kẹt xe hay xác định khu vực môi trường cần bảo tồn, v.v…

Anh thấy thế nào khi các nhà chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể thất vọng về chất lượng đồ án?

Tôi không ngạc nhiên. Danh sách công việc mà tư vấn phải làm còn rất dài. Với 7 triệu USD, chúng ta đã giao phó cho một liên doanh nước ngoài công việc rất khó khăn là biến một thành phố còn ngổn ngang và lộn xộn với ba triệu dân đô thị và ba triệu dân nông thôn thành một thành phố vô cùng thịnh vượng và tươi đẹp. Bất cập trong đồ án không thể chỉ do tư vấn. Cách chúng ta ra đề bài và thực hiện quy hoạch vẫn chưa rũ bỏ tư duy của một thời bao cấp.

Một thành phố không phải là một đối tượng thiết kế mà là một tiến trình xã hội. Chúng ta có thể xây dựng khu Phú Mỹ Hưng ở TP Hồ Chí Minh trong vòng 10 năm. Nhưng để Hà Nội trở thành như hôm nay, cần 1.000 năm. Trong 1.000 năm đó, hàng triệu triệu người đã tham gia, từ làm đường, xây nhà, đắp đê cho đến việc trồng giàn hoa giấy trước nhà. Nhiều thế hệ đã kiến tạo nên Hà Nội như hôm nay bằng chính những hành vi đời thường của mình.

Nhưng hãy thử xem lại những bức ảnh Hà Nội 20 năm qua, tức khoảng thời gian gần ta nhất, ta sẽ thấy đó là một thành phố rất khác so với những gì chúng ta hình dung trước đó. Năm 1990, ai có thể dự đoán Hà Nội 20 năm sau sẽ tràn ngập xe máy, ô tô, và cao ốc?

Nhưng làm sao để có thể dự báo và định hình đô thị 20 năm sau?

Ở hầu hết các quốc gia phát triển, người làm quy hoạch không phải là kiến trúc sư, mà là nhà quy hoạch với chuyên môn về kinh tế học, dân số học, địa lý học, chính trị học, tương lai học, v.v… Rất nhiều người trong số đó còn nghiên cứu về những vấn đề như thị trường dầu mỏ.

Điều dễ nhận ra là các nhà quy hoạch Việt Nam, vốn chủ yếu có nền tảng là lĩnh vực kiến trúc, dễ sa đà vào hình thức tác phẩm hơn là tính hợp lý, khả năng vận hành trong hiện tại và tương lai, cũng như triết lý và mô hình tổ chức xã hội đằng sau mỗi ý đồ quy hoạch.

Suvendu đến từ tổ chức Drik, Ấn Độ, chỉ thích khám phá phố cổ Hà Nội đông đúc chật hẹp thay vì đến các khu cao tầng. Ảnh: Quốc Dũng
Suvendu đến từ tổ chức Drik, Ấn Độ, chỉ thích khám phá phố cổ Hà Nội
đông đúc chật hẹp thay vì đến các khu cao tầng. Ảnh: Quốc Dũng.

Quá đắt nếu…

Anh thấy các dự án phát triển khu đô thị nổi bật từ Bắc chí Nam ra sao?

Hầu hết những nơi có dịp thăm quan, tôi thấy những yêu cầu quan trọng của đời sống thường nhật vẫn chưa được quan tâm đúng mức như chỗ đậu xe, điểm thu gom rác thải, chống ồn, hạn chế giao thông ngoại khu hay đảm bảo dịch vụ công cộng và công viên cây xanh trong bán kính đi bộ trung bình.

Tại một khu đô thị mới như Trung Hòa - Nhân Chính của Hà Nội, vỉa hè vẫn được sử dụng vào việc đậu ô tô và xe máy hơn là đi bộ. Hay trên một trục đường chính mới mở của thành phố Biên Hòa, một đoạn vườn hoa bên đường bị biến thành điểm gom rác thải.

Nhưng đó có vẻ chỉ là những chi tiết nhỏ?

Nếu những điều nhỏ nhặt ấy không được quan tâm, chất lượng của sản phẩm thiết kế, những khu đô thị và cuộc sống trong đó, sẽ giảm sút và nhiều rủi ro. Chẳng hạn 70% diện tích của TP Hồ Chí Minh nằm trong vùng ngập triều nhưng quy hoạch chung năm 1998 không hề đề cập “chi tiết nhỏ” ấy.

Những dự án như Phú Mỹ Hưng được cho là làm biến đổi những đầm lầy hoang sơ thành đô thị hiện đại? Đấy chẳng phải là tích cực của quy hoạch đô thị sao?

Nhưng chưa ai đặt câu hỏi liệu có phải những dự án như vậy đang đẩy rủi ro lụt lội cho các khu vực khác của thành phố, bởi san lấp một diện tích đầm lầy, đất ruộng là lấy đi một diện tích vốn có khả năng trữ lượng nước tương đối lớn. Phát triển Nam Sài Gòn là hợp lý nếu có tầm nhìn xa nhằm đảm bảo phát triển một khu vực không làm gia tăng rủi ro cho một khu vực khác.

Anh có góp ý gì nữa không cho những người làm quy hoạch chung Hà Nội?

Tôi mong quy hoạch chung Hà Nội không phải là một mô tả về tương lai Hà Nội 20-40 năm nữa như một dự án bất động sản lớn, dẫn đến những cơn sốt nhà đất mà người nghèo luôn chịu thiệt. Tôi mong quy hoạch chung Hà Nội phải là công cụ giải quyết các vấn nạn đô thị hiện tại và là ngọn lửa thắp sáng trong trí tưởng tượng của các thế hệ sau, đó về một thủ đô đi đến tương lai tươi sáng hơn. Mong chúng ta trả số tiền 7 triệu USD không phải chỉ để nhìn thấy mơ ước của mình trên video, ảnh phối cảnh và sa bàn kiến trúc để, ngày nào đó, quy hoạch chung Hà Nội trở thành quy hoạch treo khổng lồ.

Để đạt được mong ước ấy, để thành công trên chính quê hương mình, một trong những việc cần làm ngay là phải sớm đi đến nhận thức rằng, kiến trúc sư chỉ có thể làm quy hoạch chung Hà Nội nếu anh ta có kiến thức về tất cả những vấn đề mà một đô thị lớn như Hà Nội phải đối mặt.

Cám ơn anh.

(Theo Quốc Dũng // Tienphong Online)

  • Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
  • Tập đoàn Mai Linh cắt giảm một loạt ngành nghề kinh doanh
  • Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
  • Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành 'phế nhân'
  • Chuyển nợ thành vốn góp: Lợi và hại !
  • Đến Việt Nam bán máy bay riêng
  • Không phải sản phẩm đắt tiền mới là hàng chất lượng cao
  • Hợp tác giữa PVI và OIF: Khác biệt để đột phá!
  • Bàn giao nhà máy lọc dầu Dung Quất: Sẽ làm chủ công nghệ
  • Hợp lực để tận dụng lợi thế
  • Càng tiến gần vị thế kiểm soát, càng ít độc lập
  • Giá thuê mặt bằng bán lẻ còn leo thang
  • Thị trường bất động sản : Khó xoay vốn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao