Hà Nội có gần 1.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất công nghiệp hỗ trợ ở 20 ngành hàng khác nhau. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ Hà Nội vẫn ở trình độ thấp, còn khoảng cách lớn về trình độ khi so sánh với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực trong khu vực. Để khắc phục tình trạng này rất cần những khu công nghiệp tập trung đủ mạnh.
PV có cuộc trao đổi cùng TS Phạm Thị Thu Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, Viện trưởng Viện Phát triển DN xung quanh vấn đề này.
Bà Hằng cho biết, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội chưa tham gia nhiều và nếu có mới chỉ làm được các linh phụ kiện đơn giản cho doanh nghiệp sản xuất chính, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lắp ráp lựa chọn phương án nhập khẩu; đặc biệt các doanh nghiệp lắp ráp FDI đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ trong nước là đối tác cung ứng, nếu có cũng chỉ là các chi tiết đơn giản, ít quan trọng. Các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ thay vì bán thẳng sản phẩm cho các doanh nghiệp lắp ráp hoàn tất, hoặc thực hiện một số công đoạn sản xuất, thường lựa chọn phương thức tiêu thụ bán cho các cơ sở thương mại thu gom, dùng làm phụ tùng thay thế.
- Nguyên nhân của sự tồn tại kéo dài trên là do đâu, thưa bà ?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên, trong đó nổi bật là do sự khác biệt lớn về công nghệ, chất lượng và trình độ quản lý trong các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội. Các nhà nghiên cứu kinh tế nhận định, công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cũng như cả nước đi sau các nước khác từ 30 – 40 năm.
Dù rất muốn nhưng để trở thành nhà cung ứng linh phụ kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chính, đặc biệt là doanh nghiệp FDI Nhật Bản vẫn là sân chơi khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước đang đứng trước nguy cơ phải nhường sân chơi này cho các doanh nghiệp hỗ trợ đến từ các nước và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc...
- Như vậy có nghĩa năng lực của các DN của chúng ta còn hạn chế ?
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có Công văn số 1150/TTg – KTN ngày 6/7/2010 về việc bổ sung KCN hỗ trợ Nam Hà Nội vào Quy hoạch phát triển các KCN cả nước. Theo đó, đồng ý chủ trương đầu tư KCN hỗ trợ Nam Hà Nội với diện tích khoảng 440 ha trên cơ sở chuyển đổi cụm công nghiệp Đại Xuyên và bổ sung khu công nghiệp này vào Danh mục các khu công nghiệp dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1107/QĐ – TTg ngày 21 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng CP. |
DN của chúng ta chủ yếu DNNVV, trình độ, công nghệ cũng như khả năng quản trị còn hạn chế. Muốn công nghiệp hỗ trợ phát triển, Nhà nước cần có chương trình hành động cụ thể để phát triển lĩnh vực này; có cơ quan giám sát, điều phối, xây dựng chính sách công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xúc tiến cần tạo dựng mạng lưới, liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với nhau để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, thi đua sản xuất; liên kết doanh nghiệp hỗ trợ VN với doanh nghiệp lớn và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, bằng mọi cách, doanh nghiệp trong nước phải nắm bắt, chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới để áp dụng sản xuất.
- Chính phủ vừa chấp thuận cho TP Hà Nội xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội rộng 581,42 ha tại huyện Phú Xuyên. Đó sẽ là cơ hội để Hà Nội hoàn thiện và phát triển CNHT, tạo nên ngành công nghiệp bền vững, có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, rất cần cơ chế cho KCN này để việc hỗ trợ DNNVV được hiệu quả ?
Lợi thế chính của các khu công nghiệp hỗ trợ chính là việc nó có thể thu hút rất nhiều doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp lớn , doanh nghiệp FDI mà còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác để có thể trở thành nhà cung ứng cho đối tác ngay bên cạnh mình. Đó cũng là nhân tố quan trọng giúp các DN trong khu công nghiệp hỗ trợ giảm được chi phí tiếp thị, chi phí vận chuyển, chi phí giao dịch.. . Hơn thế nữa các DN lớn có thể hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho nhà cung ứng, nhất là đối với những DNNVV thực hiện một công đoạn nào đó trong quy trình sản xuất của DN lớn (ví dụ như dập, hàn, mạ ...).
Có một thực tế là các DNNVV của VN nói chung và các DNNVV Hà Nội nói riêng rất khó “đặt chân” vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp do chi phí thuê mặt bằng khá cao. Hơn thế nữa, các dịch vụ hỗ trợ phát triển DN tại các khu này vẫn chưa được phát triển, hay nói cách khác, các khu công nghiệp này vẫn chưa có “dịch vụ riêng” phù hợp với đặc thù của các DNNVV . Do vậy để các DNNVV có thể đặt chân vào đó , thì Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ ngay chính nhà đầu tư vào khu công nghiệp để họ có thể có những “dịch vụ” phù hợp. Có thể có một cơ chế tài chính thuận lợi để khu công nghiệp có cơ sở hạ tầng phù hợp - phục vụ được nhiều DNNVV hơn là có một số ít DN lớn nhưng ở nhiều lĩnh vực sản xuất rời rạc - là một cách. Hoặc, nhà đầu tư và cụm công nghiệp hỗ trợ được nhận sự giúp đỡ của chính quyền thành phố trong việc triển khai kế hoạch tiếp thị “khu công nghiệp hỗ trợ" nhằm thu hút các DN lớn , DN FDI “ đầu tàu” để rồi từ đó , thu hút các DNNVV cung ứng sản phẩm cho các “ đầu tàu“ đó. Các ngành dịch vụ như tài chính, vận tải, tư vấn kinh doanh và công nghệ cũng cần được quan tâm hỗ trợ phát triển trong khu công nghiệp hỗ trợ. Tóm lại, việc khai thác lợi thế cạnh tranh của một khu công nghiệp hỗ trợ rất cần có nhiều bên tham gia và rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chính quyền địa phương bằng những chính sách, hành động cụ thể.
- Xin cảm ơn bà!
(Theo Phương Thảo // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com