Việc lãnh đạo CTCP chứng khoán Kim Long tuyên bố xin ý kiến cổ đông về việc chấm dứt hoàn toàn nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, đổi tên Cty và chuyển hướng tập trung đầu tư vào bất động sản đang là câu chuyện thời sự trên TTCK VN. Người ta băn khoăn, nếu thị trường cứ tụt hậu như hiện nay, câu chuyện Kim Long không phải là hiện tượng cá biệt.
Theo Nghị quyết HĐQT được thông qua ngày 1/3/2011, Kim Long sẽ đổi tên từ CTCP chứng khoán Kim Long sang tên mới là CTCP Tập đoàn Kim Long. Theo đó, thay vì 4 nghiệp vụ của một Cty chứng khoán là: môi giới, tư vấn, tự doanh, bảo lãnh phát hành; Kim Long sẽ chuyển sang hoạt động với 6 nhóm lĩnh vực chủ yếu là: Đầu tư tài chính và nguồn vốn, lĩnh vực bất động sản, dịch vụ liên quan đến bất động sản, công nghệ thông tin. Dịch vụ thương mại và các loại dịch vụ khác. Các thủ tục chuyển đổi sẽ được Kim Long thực hiện nếu ĐHCĐ ngày 19/3/2011 thông qua.
Các thủ tục chuyển đổi sẽ được Kim Long thực hiện nếu ĐHCĐ ngày 19/3/2011 thông qua
Tránh thua lỗ, đem tiền gửi tiết kiệm
Lý do dẫn tới quyết định gây chú ý này, theo giải thích của lãnh đạo Kim Long, là các hoạt động môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành tốn kém về chi phí, nhân sự; nhưng lại không mang lại hiệu quả tài chính. Trong khi đó, hoạt động đầu tư của Cty khi ở hình thức CTCK sẽ phải chịu nhiều ràng buộc, từ tỉ lệ tham gia vào một DN đến công khai danh mục... Việc nhập lệnh khi mua bán cổ phiếu trong phiên cũng phải theo nguyên tắc ưu tiên lệnh của nhà đầu tư. Hiện Kim Long có 1.800 tỉ đồng tiền mặt gửi ngân hàng, trên 200 tỉ đồng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và khoảng 250 tỉ đồng đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết. Theo ông Hà Hoài Nam - Chủ tịch HĐQT Cty, để tránh thua lỗ, lãnh đạo Cty chỉ có cách đem tiền gửi tiết kiệm.
Sau Kim Long sẽ là Cty nào ?
Câu chuyện của Kim Long được dư luận tiếp nhận mỗi người mỗi cách. Thông điệp được nhiều người chia sẻ nhất là khó khăn của các CTCK trong việc chọn hướng hoạt động cũng như tồn tại.
Không ít ý kiến trên các diễn đàn lại nghi ngờ việc ban lãnh đạo Kim Long đưa ra thông báo này là nhằm đánh xuống cổ phiếu để trục lợi. |
Hiện nay, trên TTCK VN có 105 CTCK, hoạt động trên 4 loại nghiệp vụ, môi giới, tự doanh, tư vấn và bảo lãnh phát hành. Trong mảng môi giới, hoạt động cốt lõi nhất của các CTCK, theo tính toán sơ bộ tương ứng với phí giao dịch toàn thị trường năm 2010, mỗi Cty chỉ thu được 13-19 tỉ đồng/năm, trong khi đó để duy trì sàn giao dịch, trả lương nhân viên, mỗi CTCK phải chi ít nhất 2-3 tỉ đồng mỗi tháng. Tổng kết lại UBCK cho thấy, doanh thu của cả 105 CTCK trong năm 2010 đạt vỏn vẹn 10.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của các Cty tới 33.000 tỉ đồng. Sau Kim Long sẽ là Cty nào từ bỏ giấy phép, chọn con đường giải thể, phá sản trước khi ăn hết vốn và buộc phải đóng cửa hoạt động ?
Ông Phạm Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ kinh doanh chứng khoán UBCK cho biết, do CTCK là một ngành nghề có điều kiện, do UBCK cấp phép thành lập và giám sát hoạt động, việc CTCK chấm dứt hoạt động phải thực hiện theo quy định của Luật chứng khoán và các quy định hiện hành. Điều này có nghĩa, CTCK không hoạt động các nghiệp vụ đã được cấp phép, UBCK phải rút giấy phép kinh doanh. Do việc này chưa có tiền lệ, Kim Long cũng chưa chính thức có văn bản đệ trình UBCK, nên cơ quan quản lý chưa thể có ý kiến chính thức về cách giải quyết.
Việc các CTCK được thành lập theo phong trào, thua lỗ và giờ nhiều Cty đứng trước nguy cơ phải tự giải thể, đóng cửa hoặc phá sản là diễn biến bình thường, đã xảy ra nhiều ở các thị trường chứng khoán đã phát triển. Tuy nhiên, điều TTCK VN lo ngại là danh mục tự doanh của các CTCK khá lớn, mức độ đại chúng của khối Cty này phổ cập hơn trước rất nhiều. Trong trường hợp phải rút giấy phép như trường hợp của Kim Long, Cty buộc phải thanh lý tài sản, bán cổ phiếu ra thị trường, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, cung cầu càng mất cân đối. Hệ lụy lớn hơn là sự thua lỗ, mất mát và mất niềm tin của các nhà đầu tư với TTCK, vốn đang rất cần được củng cố niềm tin.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com