Doanh nghiệp Thái Lan tìm hiểu đối tác tại Việt Nam. Ảnh: Thu Hiền. |
Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường IDC, năm 2010, Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia sẽ là ba thị trường có tốc độ phát triển CNTT và truyền thông cao nhất khu vực châu Á.
Trong 10 năm qua (từ năm 2000 đến 2009), ngành CNTT Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng hằng năm từ 20-25%, riêng trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2009, mức tăng trưởng có phần chậm lại, chỉ đạt 18-19% do suy thoái kinh tế, theo báo cáo của Bộ Thông tin-Truyền thông. Theo Tổng cục Thống kê, nếu tính trung bình thì ngành CNTT luôn có mức tăng trưởng cao hơn từ 2-3 lần so với sự tăng trưởng của GDP. Doanh thu của ngành công nghiệp phần cứng đạt khoảng 4,68 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2009, tăng tám lần so với năm 2000. Trong khi đó, doanh thu phần mềm đạt khoảng 880 triệu đô-la trong năm 2009 so với 580 triệu đô-la năm 2000. Với một thị trường CNTT phát triển nhanh, ngành này đã thu hút khoảng 5,7 tỷ đô-la cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào sản xuất phần cứng. Những dự án đầu tư lớn phải kể đến là của Samsung, Foxconn, Intel, Canon và Fujitsu. Đối với ngành gia công phần mềm, Việt Nam đang là “điểm đến” khi các công ty nghiên cứu thị trường A.T Kearney và Gartner đều nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành gia công phần mềm hấp dẫn trên thế giới. Căn cứ vào sự dự báo trên đây, rất nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia nổi lên tại thị trường châu Á đã tìm đến Việt Nam như một địa chỉ đầu tư hấp dẫn, bất chấp sau vòng xoáy của cuộc suy thoái kinh tế chưa kịp phục hồi. Sự trở lại của đối tác Nhật Bản Ngay từ đầu tháng Mười năm nay, ngành phần mềm Việt Nam đã đón đối tác truyền thống là Nhật Bản quay trở lại thị trường sau khi nhiều công ty phần mềm của nước này hoạt động cầm chừng hoặc nhiều hợp đồng bị hủy bỏ do chịu những tác động của kinh tế suy thoái trong hai năm qua (2008-2009). Theo ông Phạm Tấn Công, Phó chủ tịch VINASA, 2008-2009 là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành CNTT Nhật Bản. Vì đây là một thị trường với quy mô doanh thu khoảng 130 tỷ đô-la một năm, nên khi cuộc khủng hoảng xảy ra thì đây là ngành hứng chịu nhiều tác động xấu. Ngành CNTT Nhật Bản đã có bảy quý liên tiếp sụt giảm doanh số, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty CNTT Việt Nam, là những đối tác chuyên gia công phần mềm cho Nhật. Tập đoàn FPT là một ví dụ điển hình. Khi thị trường gia công Nhật Bản sụt giảm thì tập đoàn này rơi vào khó khăn vì 56% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT đến từ thị trường Nhật Bản. Để khắc phục khó khăn, công ty này đã mở rộng thị trường gia công sang châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, từ đầu năm nay thị trường gia công phần mềm Nhật Bản đã có sự phục hồi đáng kể và các công ty Nhật Bản đang quay lại tìm kiếm đối tác tại Việt Nam bởi Việt Nam vẫn là đối tác đứng thứ ba trong lĩnh vực gia công phần mềm cho Nhật Bản sau Ấn Độ và Trung Quốc. Ông Công cho biết từ đầu năm, các doanh nghiệp Nhật Bản đã liên tiếp có các cuộc gặp gỡ, tìm kiếm đối tác và những cơ hội kinh doanh mới. Trong các cuộc gặp gỡ xúc tiến thương mại, nhiều công ty Việt Nam đã tìm kiếm được những hợp đồng có giá trị. “Hiện, các công ty CNTT phía Nhật Bản đã nhìn nhận các doanh nghiệp CNTT Việt Nam như một đối tác đáng tin cậy. Do đó, khi nền kinh tế Nhật Bản phục hồi thì cơ hội cho doanh nghiệp CNTT Việt Nam sẽ là rất lớn”, ông Công nói. Ông Tadashi Higashino, Phó chủ tịch cấp cao của tập đoàn NEC (Nhật Bản), nói rằng công ty ông đang quay trở lại thị trường Việt Nam sau hai năm cắt giảm các hợp đồng gia công với phía đối tác Việt Nam. “Giờ đây, nền kinh tế Nhật Bản đã có dấu hiệu hồi phục và chúng tôi đã có những hợp đồng mới. NEC vẫn muốn tìm đến đối tác Việt Nam bởi họ có nguồn nhân lực lớn, có chất lượng và có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ phía Nhật Bản”, ông Higashino nói. Ông Higashino cho biết hiện NEC đã có chi nhánh tại Việt Nam với hơn 150 kỹ sư phần mềm. Trong lần quay trở lại này, ông Higashino cho hay NEC đang tìm kiếm đối tác Việt Nam để phát triển điện toán đám mây và mong muốn được tham gia các dự án của Chính phủ như chính phủ điện tử. Và những gương mặt mới Cùng với sự trở lại của đối tác truyền thống Nhật Bản, thì Đài Loan, Thái Lan và Myanmar đang được xem là những gương mặt mới nổi trên thị trường Việt Nam. Trong năm nay, Hội đồng Phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITRA) đã lựa chọn Việt Nam, sau Ấn Độ và Indonesia, để quảng bá các thương hiệu CNTT mạnh của lãnh thổ này. TAITRA đã đưa ra chiến dịch Taiwan Excellence với 17 thương hiệu thuộc ngành công nghệ thông tin như BenQ, ZyXel, Edimax, D-Link, Optoma, Transcend, Asus, Trend Micro… Ông Tso Wei-Dar, Trưởng văn phòng đại diện TAITRA tại Việt Nam, cho biết Đài Loan còn một số thương hiệu mạnh chưa có cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam. Vì vậy, Taiwan Excellence là cơ hội nhằm quảng bá các thương hiệu này. Hiện tại, phía các công ty CNTT Đài Loan đang hợp tác sâu và rộng với các nhà bán lẻ Việt Nam như Phong Vũ, Hoàn Long, Microstar và Silicom nhằm tạo ra một hệ thống phân phối sản phẩm CNTT của Đài Loan rộng khắp hơn. Không nhắm đến thị trường phần cứng như Đài Loan, Thái Lan cũng có ý định tham gia thị trường Việt Nam thông qua các công ty phần mềm khi 16 công ty phần mềm của Thái Lan như Adasoft, AI Soft, Arunawad Dot Com, Comance International, Computer Telephony Asia, Dynamic IT SP, IT Works đã đến TP.HCM hồi trung tuần tháng Tám. Hiệp hội Xúc tiến xuất khẩu phần mềm Thái Lan (TSEP) dự định tăng mức xuất khẩu phần mềm Thái Lan trong năm nay bằng việc giúp các công ty thâm nhập thị trường hải ngoại, bắt đầu từ Việt Nam. Hiệp hội này cho hay các công ty phần mềm Thái Lan sẽ tập trung vào hai địa phương chính là Hà Nội và TP.HCM. Khách hàng chính ở Hà Nội là Chính phủ, còn ở TP.HCM là khu vực tư nhân. “Chúng tôi sẽ bắt đầu với thị trường Việt Nam và đánh giá kết quả vào cuối năm nay trước khi vạch rõ chiến lược chuyển đến các thị trường khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines vào năm tới”, ông Kittikorn Kunnalekha, Giám đốc điều hành của Công ty AI Soft Co. Ltd, đơn vị chuyên cung cấp các phần mềm cho khách sạn, nhà hàng ở Thái Lan, cho hay. Các công ty phần mềm Thái Lan cho rằng ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là phần mềm của Việt Nam, có nhiều tiềm năng và phát triển rất nhanh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc quảng cáo, tiếp thị trên Internet của Việt Nam vẫn còn ít ỏi và chưa đa dạng; các trang web mới chỉ phục vụ chủ yếu cho doanh nghiệp trong nước, chưa có nhiều trang web phục vụ cho đối tượng nước ngoài, nhất là các dịch vụ về du lịch. Vì vậy, để thâm nhập thị trường Việt Nam, các công ty phần mềm của Thái Lan sẽ đưa ra những cách tiếp cận mới trong các phương thức quảng cáo, tiếp thị tương tác trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên Internet; cách quản lý nguồn vốn, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm… Qua đó, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nắm bắt nhiều thông tin quan trọng về việc cải thiện sự trải nghiệm của khách hàng và vận hành khách sạn trong thời đại Internet; những thách thức chủ yếu của ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; kinh nghiệm thực tế từ việc quản lý trung tâm dịch vụ khách hàng...
(Theo Thu Hiền // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com