Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cửa hàng thực phẩm tươi sống tiện lợi: Cuộc đua đang nóng

Cửa hàng Satrafoods vừa được khai trương hồi đầu tuần trước. Ảnh: Minh Tâm.

Cuộc đua đang nóng Đầu tuần trước, cửa hàng thực phẩm tiện lợi SatraFoods, thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), đã được khai trương tại quận 5, TPHCM. Bên cạnh những cái tên như Co.op Food của Saigon Co.op hay New Chợ của Bách Hóa Mới..., sự góp mặt của SatraFoods khiến mô hình kinh doanh cửa hàng thực phẩm tươi sống tại Việt Nam dần sôi động.

Ngày càng sôi động

Cửa hàng Co.op Food đầu tiên của Liên hiệp các Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) ra đời cuối năm 2008, nằm tại chung cư Phan Văn Trị, quận 5, TPHCM. Bà Bùi Ngọc Châu Báu, Phó giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Saigon Co.op - đơn vị quản lý trực tiếp chuỗi Co.op Food, cho biết Saigon Co.op đã quyết định đầu tư cho mô hình này khi nhìn thấy tiềm năng lớn của thị trường TPHCM.

Mục tiêu của Saigon Co.op thông qua Co.op Food là đáp ứng nhu cầu của những phụ nữ vừa đi làm, vừa làm nội trợ. Những người này có nhu cầu mua thực phẩm tươi sống thiết yếu trên đường đi làm về tại một nơi sạch sẽ, lựa chọn nhanh gọn và đảm bảo vệ sinh, những yêu cầu mà hệ thống chợ, siêu thị hay các kênh bán lẻ hiện có chưa thực sự thỏa mãn. Saigon Co.op muốn thông qua Co.op Food để hút khách từ các kênh mua sắm khác, từ đó tăng thị phần và độ bao phủ của mình.

Tính đến thời điểm này, chuỗi Co.op Food của Saigon Co.op đã có 18 cửa hàng trên toàn địa bàn TPHCM. Lãnh đạo đơn vị này khẳng định diễn biến của thị trường hoàn toàn đúng với dự tính ban đầu.

Suốt một thời gian dài, Co.op Food gần như một mình một chợ ở phân khúc thị trường này, một vài hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các công ty sản xuất thực phẩm như Vissan, CP, Phú An Sinh... Tuy nhiên, những hệ thống này, nổi bật nhất là Vissan, vẫn chỉ dừng lại chủ yếu ở việc bán thực phẩm do công ty sản xuất, một số loại rau, thực phẩm công nghệ..., không đáp ứng hết nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong vòng nửa năm trở lại đây, cuộc đua giành miếng bánh thị trường thực phẩm bán lẻ tiện lợi đã sôi động khi có thêm Công ty Mỹ Đức - Bình Điền tham gia thị trường với cửa hàng thực phẩm tươi sống nằm gần chợ Thái Bình, quận 1, TPHCM. Cửa hàng này có diện tích chừng 20-25 mét vuông, cung cấp các loại thủy hải sản tươi sống lấy từ chợ đầu mối Bình Điền, thịt heo Vissan, một số loại rau an toàn đóng gói, thực phẩm công nghệ chế biến. Theo ghi nhận của TBKTSG, cửa hàng này đã có được một lượng khách khá ổn định.

Lặng lẽ ra đời cách đây chưa lâu là chuỗi New Chợ của Công ty TNHH Bách Hóa Mới. Sau cửa hàng đầu tiên mở trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, gần chợ Hòa Hưng, New Chợ cũng vừa có mặt trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận. Trên danh nghĩa New Chợ thuộc Công ty Bách Hóa Mới và chuỗi siêu thị giá rẻ, Big C chưa bao giờ chính thức thừa nhận, nhưng người trong nghề đều biết, đây thực chất là một cánh tay nối dài của hệ thống siêu thị này. Điều này cũng dễ nhận ra khi quan sát các loại hàng hóa được bày bán. Với việc sử dụng cái tên nửa Tây nửa ta, nhà đầu tư của chuỗi cửa hàng này hẳn đang nuôi tham vọng tạo nên một nơi mua sắm mới thay thế chợ truyền thống?

Thừa nhận mình là đơn vị xuất hiện sau, yêu cầu đối với sự khác biệt theo đó càng lớn và ra đời trong hoàn cảnh kinh tế năm 2011 có nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng đại diện chuỗi cửa hàng SatraFoods tin tưởng sẽ phát triển tốt nhờ lợi thế về nguồn gốc hàng hóa (các mặt hàng bán tại SatraFoods do các công ty, đơn vị thành viên trực thuộc Satra cung cấp), và mạng lưới phân phối. Hệ thống này đặt mục tiêu sẽ mở 10 cửa hàng tại TPHCM trong năm 2011.

Để tồn tại và phát triển

Theo đại diện các doanh nghiệp, mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi đã và đang phát huy được những lợi thế khi có mạng lưới phân phối khá rộng, đi sâu vào khu dân cư, chủng loại hàng phong phú... nên đã thu hút người tiêu dùng. Tất cả đều cho rằng kênh bán lẻ này tiếp tục hứa hẹn nhiều kỳ vọng trong tương lai. Saigon Co.op khẳng định sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào Co.op Food và đang hướng tới mục tiêu 100 cửa hàng trong vòng 4-5 năm tới. Trong khi đó, đại diện Satra khẳng định sẽ tập trung xây dựng chuỗi cửa hàng SatraFoods tại TPHCM để đặt nền tảng cho việc phát triển SatraFoods tại các thành phố lớn trong tương lai.

Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Masso Group, đơn vị chuyên về tiếp thị, cho rằng mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi đang có những điều kiện cơ bản để phát triển. Thứ nhất, Việt Nam luôn nằm trong top những thị trường bán lẻ hấp dẫn trên thế giới. Trong thời gian qua, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ 25% (năm 2010) và dự kiến đạt 88 tỉ đô la Mỹ vào năm 2012 (theo dự báo của AT Kearney). Năm 2010, Việt Nam đã có thêm 85 chợ, 86 siêu thị và 11 trung tâm thương mại! Song song đó là sự dịch chuyển xu hướng mua sắm theo hướng hiện đại của người tiêu dùng Việt Nam. Một khảo sát cho thấy hơn 70% người tiêu dùng được hỏi cho rằng thích mua sắm ở siêu thị và hơn 80% gia đình ở thành thị đã mua sắm ở các kênh mua sắm hiện đại. “Hình ảnh các siêu thị và trung tâm mua sắm đông nghẹt khách trong khi các chợ vắng ngắt dịp lễ 30-4 vừa qua là một minh chứng cụ thể cho xu hướng này”, ông Thẳng nói.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sự thành bại của mô hình kinh doanh cũng như của từng doanh nghiệp còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Theo ông, cửa hàng thực phẩm tiện lợi đánh vào phân khúc người tiêu dùng có thu nhập cao và trung, bận rộn, không có nhiều thời gian cho việc mua sắm các loại thực phẩm thiết yếu hàng ngày. Đồng thời, nó cũng định vị là điểm đến với đặc trưng là sản phẩm tươi sạch, chất lượng và vệ sinh. Người tiêu dùng đồng ý trả giá cao hơn mặt bằng chung. “Vấn đề đặt ra là giá cao hơn bao nhiêu, tương xứng như thế nào trong mối tương quan với sự tiện lợi như vị trí cửa hàng, chủng loại sản phẩm, các tiện ích, dịch vụ đi kèm... Doanh nghiệp khi xây dựng chính sách giá cần trả lời tất cả những câu hỏi trên để đưa ra phương án thích hợp bởi nó là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định việc giữ chân người tiêu dùng lâu dài, nhất là trong thời điểm giá cả đang là mối quan tâm hàng đầu như hiện nay”, ông Thẳng phân tích.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh: để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần có chiến lược định vị thương hiệu rõ ràng với người tiêu dùng và cam kết thực hiện lời hứa về chất lượng sản phẩm một cách nghiêm túc. Theo ông, việc đảm bảo nguồn cung ứng hiện đang là một trở ngại lớn đối với các nhà bán lẻ ở Việt Nam hiện nay khi việc nuôi trồng các loại nông sản sạch vẫn khá manh mún, thiếu hoạch định dẫn đến bấp bênh về giá, doanh nghiệp khó kiểm soát. Do vậy, các chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi cũng phải tham gia vào chuổi cung ứng để đảm bảo nguồn cung cho mình. Cuối cùng, theo ông Thẳng, loại hình này thông thường chỉ thành công khi có quy mô mạng lưới rộng lớn, duy trì thời gian dài để thuyết phục và dẫn dắt thị trường. 

Saigon Co.op đã thực hiện cuộc khảo sát với hơn 800 hộ dân về tiêu chí lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Kết quả: 98% ý kiến được hỏi cho rằng an toàn và vệ sinh là yếu tố hàng đầu khi lựa chọn thực phẩm; 89% số người được hỏi quan tâm nhất đến vấn đề giá cả hợp lý.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 24%/năm
  • HFIC - Cầu nối vốn cho doanh nghiệp
  • Thu xếp 400 tỷ cho Nhà máy Phong điện Phú Quý
  • Quyết đầu tư vào viễn thông, FPT chọn lối nào?
  • Chuẩn bị xây 8 cầu đường sắt trên tuyến Bắc-Nam
  • Cắt giảm thuế nhập khẩu từ 1-1-2012: Doanh nghiệp trong nước sẽ chịu nhiều sức ép
  • VTC và Q-mobile hợp tác xây dựng chợ nội dung số Q-Store
  • Mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ: Doanh nghiệp chịu nhiều sức ép
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao