Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ thông tin

Để giành được thị trường nội địa và đi vào lòng người tiêu dùng một cách bền vững, doanh nghiệp Việt Nam cần sự hỗ trợ thiết thực hơn từ phía các cơ quan nhà nước- Đó là khẳng định của ông Ngô Trọng Thanh – Giám đốc Công ty Tư vấn phát triển thị trường Mancom khi đánh giá về chương trình vừa được Bộ Chính trị chỉ đạo triển khai.

- Dưới góc độ là một chuyên gia marketing, ông đánh giá như thế nào về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị trong thời gian vừa qua? Liệu cuộc vận động này có tạo nên một cú hích thực sự đối với doanh nghiệp Việt trên con đường đến với người tiêu dùng Việt Nam không?

Mục đích của cuộc vận động này là tốt đẹp. Không một sản phẩm nào thành công trên thị trường quốc tế mà lại không thành công ở thị trường nội địa. Chúng ta thường nhắc đến vị thế của những sản phẩm Nhật Bản, Hàn quốc tại thị trường nội địa của họ một cách trân trọng. Và chính vị thế này đã là những bệ phóng vững chắc cho các doanh nghiệp của họ thành công trên thị trường quốc tế. Với các doanh nghiệp Việt, khi thương hiệu còn yếu và nguồn lực hạn chế, có thể nói thị trường nội địa còn đóng vai trò “tồn tại hay không tồn tại”. Chính vì vậy, người Việt dùng hàng Việt mang tính sống còn đối với mỗi doanh nghiệp Việt.

Mục đích có thể là tốt đẹp, nhưng phương pháp thực hiện chưa mang tính khả thi cao. Có thể nói, chúng ta đang đi theo một quy trình ngược, thay vì “hô hào” người tiêu dùng Việt dùng hàng Việt, thì chúng ta phải xuất phát từ chính bản thân các doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp Việt phải là người đầu tiên và đóng vai trò chính để hàng Việt được người Việt tin dùng.

- Vậy theo ông, rào cản lớn nhất đối với hàng Việt khi tiếp cận người tiêu dùng trong nước là gì?

Tôi có thể kể một câu chuyện làm thí dụ như thế này. Một người bạn của tôi vừa mua 1 vòi nước nhãn hiệu S. tại phố Cát Linh - trung tâm kinh doanh các mặt hàng thiết bị vệ sinh của Hà Nội. Thật ngạc nhiên khi tôi nhìn thấy bao bì của sản phẩm hoàn toàn viết bằng tiếng Anh, với dòng chữ “Made in Korea”- sản xuất tại Hàn quốc.

- Đã từng nghiên cứu về thị trường và các công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết bị xây dựng của Việt Nam, tôi khẳng định chắc chắn rằng nhãn hiệu S. nói trên là của một doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng tại sao trên bao bì họ không muốn hay không dám khẳng định điều đó? Tại sao họ chối bỏ nguồn gốc sản phẩm - đứa con của chính doanh nghiệp của mình?

Người bạn tôi, trước đó vài tháng đã từng dùng vòi nước cũng của hàng S, nhưng bao bì viết bằng tiếng Việt, và nó đã hỏng sau 3 - 4 tháng sử dụng mặc dù giá của nó không hề rẻ. Không hy vọng vào chế độ bảo hành như đã được doanh nghiệp hứa hẹn, anh quyết định chọn một thương hiệu “ngoại”. Và thật đáng tiếc, anh ta lại mắc sai lầm lần thứ 2 với cùng 1 sản phẩm, của cùng một doanh nghiệp.

Câu chuyện trên một phần phản ánh những rào cản của hàng Việt với người tiêu dùng Việt Nam.

Trên thị trường, người tiêu dùng Việt đã phải trả giá khá nhiều cho những cách làm ăn chụp giật của một số doanh nghiệp. Sữa hoàn nguyên được gọi là sữa tươi trong hàng chục năm trời, nước tương nhiễm 3MCPD, cây xăng tự nhảy số, nhà chung cư tự xưng là cao cấp nhưng thấm dột ngay khi bàn giao… Tất cả những bê bối này đã gặm nhấm dần uy tín còn khá khiêm tốn của hàng Việt trong tâm trí người tiêu dùng Việt.

Quay lại câu chuyện chiếc vòi nước nói trên, nếu một doanh nghiệp không dám nhận sản phẩm do chính mình làm ra, liệu chúng ta có thể tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm đó, và xa hơn nữa, vào chữ tín của doanh nghiệp đó? Đây cũng là hiện tượng gặp phải ở rất nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam.

- Vậy, để hàng Việt được tin dùng, đâu là những giải pháp với doanh nghiệp Việt, thưa ông?

Có rất nhiều vấn đề cần giải quyết để nâng cao vị thế hàng Việt. Tuy nhiên, tôi chỉ xin đề cập tới 2 vấn đề chính: sự minh bạch thông tin của nhà sản xuất, và vị thế người tiêu dùng Việt.

Thêm một câu chuyện khác làm ví dụ. Khi thâm nhập thị trường Nhật Bản, sản phẩm tã giấy Pampers vốn rất nổi tiếng của P&G đã bị người tiêu dùng tẩy chay. Mặc dù người Nhật rất biết về công ty P&G, cũng như đã từng sử dụng và yêu thích những sản phẩm nổi tiếng khác của P&G. Sau khi nghiên cứu, những nhà tiếp thị của P&G đã phát hiện ra nguyên nhân của sự việc nói trên: trên bao bì, tên nhà sản xuất được in rất nhỏ ở mặt sau của bịch tã giấy. Điều này gây phản cảm với giới tiêu dùng Nhật Bản.

Rõ ràng, người tiêu dùng luôn có nhu cầu và xứng đáng được đòi hỏi thông tin minh bạch về sản phẩm từ nhà sản xuất. Chúng ta đã có khá đầy đủ những quy định về tiêu chuẩn hàng hóa, từ quy chuẩn chất lượng, tới hướng dẫn ghi nhãn hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, những quy định tưởng rất nghiêm ngặt đó đã không được thực hiện đầy đủ.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nâng cao vị thế của người tiêu dùng trong mối tương quan với các nhà sản xuất và kinh doanh. Chúng ta vẫn đưa Nhật và Hàn Quốc ra để so sánh về sự ưu ái của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa của họ, nhưng có một nửa bên kia sự thật chúng ta ít nói đến, đó là những doanh nghiệp của họ đã dành những sản phẩm tốt nhất, tiêu chuẩn cao nhất cho người tiêu dùng trong nước.

Với mức sống chưa cao, người tiêu dùng Việt chưa thể đòi hỏi những sản phẩm chất lượng tốt nhất, nhưng họ phải có quyền được cung cấp thông tin sản phẩm đầy đủ và chính xác, được yêu cầu nhà sản xuất bồi thường cho mỗi sản phẩm không như cam kết. Đừng để mỗi lần mua hàng Việt của người Việt trở thành một cuộc chơi may rủi.

- Ông có thể chia sẻ một câu chuyện ấn tượng gắn với một doanh nghiệp cụ thể trên con đường xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng Việt? Vì sao câu chuyện đó lại đáng nhớ với ông khi nói về vấn đề này?

Công ty cửa cuốn Tân Trường Sơn với thương hiệu Germandoor! Đây là công ty đầu tiên tại Việt Nam sản xuất và kinh doanh cửa cuốn. Với nguồn lực hạn chế, họ đã không đầu tư ngân sách vào các chương trình quảng bá thương hiệu, hậu quả là, họ không được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Mọi nguồn lực của họ được tập trung cho chất lượng và sự cải tiến. Họ trau chuốt tới từng chi tiết sản phẩm, và đảm bảo luôn đưa ra những sản phẩm cải tiến sau mỗi 6 tháng. Hơn nữa, họ luôn minh bạch cho xuất xứ từng linh kiện trong bộ thành phẩm của mình.

Tôi cho rằng, định hướng phát triển của Tân Trường Sơn dựa trên nền tảng chất lượng rất đáng được trân trọng, cho dù họ đã phải trả giá bằng lợi nhuận, bằng thị phần, bằng doanh số trong nhiều năm trời. Nhưng đó cũng là cái giá phải trả để giành được lòng tin của người tiêu dùng.

- Là người làm việc với rất nhiều doanh nghiệp, ông nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam mong chờ điều gì: một chương trình kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, hay một sự hỗ trợ thiết thực khác?

Thông tin, đó là tài sản quí giá nhất đối với doanh nhân, là sự hỗ trợ thiết thực nhất với doanh nghiệp Việt chúng ta, và hoàn toàn khả thi nếu có sự tham gia của các cơ quan quản lý chức năng.

Doanh nghiệp chúng ta còn nặng về cảm tính rất nhiều khi đưa ra các quyết định kinh doanh. Ở một góc độ nào đó, sự nhạy bén trong kinh doanh của doanh nhân luôn là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp giành chiến thắng. Rất ít doanh nghiệp Việt có đầy đủ thông tin thị trường cần thiết trước khi ra quyết định. Cho dù thấu hiểu được tầm quan trọng của thông tin, nhưng họ khó tìm được nguồn thông tin đầy đủ và tin cậy, cũng như không dễ dàng để chi vài chục ngàn đô la để mua dữ liệu từ các công ty khảo sát thị trường đa quốc gia.

Tôi đang tư vấn phát triển thị trường cho tập đoàn VNPT tại một số thị trường trọng điểm. Để đánh giá mức thâm nhập của VNPT tại các thị trường, chúng tôi đã nỗ lực kiếm tìm các số liệu cần thiết như: thị phần của các nhà cung cấp, số nhân khẩu và số hộ dân theo từng quận, huyện tại các thị trường đó, nhưng không thể! Và cuối cùng, tôi đã lấy được phần lớn dữ liệu cần thiết thông qua thư viện thông tin của một trường đại học của Mỹ.

Việc cấp thiết nhất mà các cơ quan chức năng có thể làm, và doanh nghiệp Việt thực sự cần, đó là hãy xây dựng một nguồn cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật và chính xác để các doanh nghiệp có thể tham khảo.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Thu Hương // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Cần thay đổi cách hỗ trợ doanh nhân
  • Nâng cao trình độ, kỹ năng đội ngũ doanh nhân VN
  • Chuyện học của doanh nhân
  • BHP và Rio Tinto sáp nhập khiến các nước quan ngại
  • ADC sản xuất gạo sạch tiêu chuẩn Globalgap
  • Indochina Airlines xin phép bay trở lại
  • Đức từ chối viện trợ, GM tiếp tục “gom tiền” cho Opel
  • Nhà mạng ép nhà cung cấp dịch vụ nội dung?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao