Tất cả chi phí đầu vào đều tăng đẩy các doanh nghiệp sản xuất vào tình trạng khó khăn. Ảnh: Hồng Văn. |
Mặc dù Chính phủ đã đưa ra một gói các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát trong thời gian tới, nhưng các doanh nghiệp hiện vẫn còn đang trong tình thế khó khăn khi tất cả chi phí đầu vào cho sản xuất đều tăng lên mặt bằng giá mới.
Tuần trước, Chính phủ đã điều chỉnh tăng giá xăng và dầu thêm 16% đến 24%, chỉ một ngày sau khi thông báo tăng giá điện thêm hơn 15%. Mặc dù Chính phủ liền sau đó đã ra một nghị quyết với sáu giải pháp nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng điều không tránh khỏi là một mặt bằng giá mới cao hơn đang và sẽ được hình thành.
Trả lời báo chí ngay sau buổi họp giữa Chính phủ với đại diện 63 tỉnh thành ngày 24-2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, cho biết việc tăng giá điện, xăng dầu, và tăng tỷ giá sẽ khiến chỉ số giá tiêu dung (CPI) năm 2011 tăng thêm 2 điểm phần trăm nữa.
Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quan ngại rằng cách tính toán trên có thể chưa đầy đủ theo ý nghĩa lan tỏa và ông Thành cũng cho biết thị trường sẽ có phản ứng trong thời gian đầu do yếu tố tâm lý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Phong thuộc Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, cho rằng chỉ trong 2 tháng đầu năm mà chỉ số giá tiêu dùng đã tăng gần 4%, hơn nửa chỉ tiêu 7% của cả năm nay. Thêm vào đó, tháng 3 là tháng mà giá điện, xăng dầu đều tăng sẽ làm giá các mặt hàng khác tăng theo nên chắc chắn CPI tháng 3 sẽ không thể thấp hơn tháng 2 là 2,09%. “Như vậy CPI cả năm nay sẽ khó lòng ở mức một con số, mà theo tôi nó sẽ ở vào khoảng 15%”, ông nói.
Ông Võ Trí Thành cho rằng: “Thị trường chắc chắn sẽ có một mặt bằng giá mới, nhưng tôi hy vọng với những biện pháp mà Chính phủ vừa đưa ra sẽ giúp mặt bằng giá này duy trì trong một thời gian dài, tránh rơi vào một vòng xoáy tăng giá mới”.
Hy vọng của ông Thành sẽ chỉ diễn ra trong tương lai, nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn sau một loạt các quyết định tăng giá các mặt hàng thiết yếu vừa qua.
Ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, cho biết một loạt các yếu tố như lãi suất cao, giá năng lượng chính như điện, xăng dầu cùng tăng... đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp. “Mặc dù về lý thuyết thì ngành xuất khẩu đang hưởng lợi từ việc tiền đồng trượt giá so với đồng đô la Mỹ nhưng quá nhiều sức ép tác động lên giá thành đã khiến cho lợi nhuận này không còn nhiều ý nghĩa”, ông nói.
Ông Hùng, cũng là một nhà xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ làm từ các loại lá, xơ dừa cho biết, chỉ cách vài tháng nhưng giá một số loại nguyên liệu như lá và xơ dừa đã tăng gần gấp đôi, nhiều loại vật tư khác cũng có tình trạng tương tự. Ông cho biết đang cân nhắc một hợp đồng trị giá tương đối lớn với một đối tác vì khó lường hết được rủi ro từ các biến động về giá.
Đối với ngành thép, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thép Tiến Lên, cho biết hiện nay các doanh nghiệp đều đang trong tình thế cực kỳ khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng, vay ngân hàng lãi suất tiền đồng lên đến 18%/năm (đó là mức mà doanh nghiệp của ông Hà được ưu đãi vì là doanh nghiệp lớn), còn các đối tác khác đang phải vay với mức 20%/năm. “Thêm nữa, tình hình ngoại tệ đang cực kỳ căng thẳng. Tiền đồng nộp để sẵn trong ngân hàng đến vài chục tỉ đồng để chờ mua đô la Mỹ thanh toán, nhưng vẫn chưa có. Trong khi đó, vẫn phải trả lãi vay, còn tiền chờ mua ngoại tệ thì lại không sinh lời”, ông Hà nói.
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó chủ tịch Hiệp hội điều tỉnh Bình Phước, cho biết doanh nghiệp ngành điều có nhu cầu vay bằng tiền đồng lẫn đô la Mỹ rất lớn để mua nguyên liệu trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên với lãi suất cho vay đứng ở mức cao từ 18-20% đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Giá điều trên thị trường thế giới đang tiếp tục đứng ở mức cao, kéo theo giá điều trong nước nhưng việc đi vay gặp khó đã khiến không ít doanh nghiệp phải bỏ lỡ thời cơ kiếm lợi nhuận”, bà nói.
Đại diện các doanh nghiệp tại TPHCM, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết năm 2011 được dự báo là còn khó khăn hơn cả năm 2008 khi giá cả đầu vào tăng, lãi suất, tỷ giá đều tăng, trong khi giá các hợp đồng đã ký thì không thể nào tăng lên được. Ông Hưng cho biết có các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành may, chỉ vài tháng mà giá nguyên liệu nhập khẩu đã tăng đến 100-150%, trong khi hợp đồng thì đã ký từ trước đó nên không thể nào điều chỉnh giá bán được.
"Doanh nghiệp đang trong thế là càng sản xuất càng lỗ, mà không sản xuất thì làm sao giữ công nhân. Tình trạng sản xuất đình đốn, trì trệ sắp tới là không tránh khỏi, và có khả năng sẽ phải thu hẹp hoạt động trong thời gian tới. Phải đợi 2-3 tháng nữa thì sẽ thấy doanh nghiệp “thấm đòn”, và không thể nào lường được chuyện gì sẽ xảy ra nếu Chính phủ không sớm có các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Hưng nói.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com