Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp khởi động năm 2010: Kỳ vọng và cả… dè chừng

tinkinhte.comDoanh nghiệp tất bật khởi động một năm mới. Một năm tốt hơn là kỳ vọng chung, nhưng cũng có không ít quan ngại…

Thị trường chứng khoán vẫn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế (dù chưa hẳn đã toàn diện). Hai phiên khởi đầu năm mới là sự hào hứng vượt cả dự tính của nhiều dự báo trước đó.

Còn quá sớm để khẳng định, hai phiên thăng hoa đó có những nguyên nhân khác nhau, nhưng có một nguyên nhân hẳn giới đầu tư đồng ý: họ kỳ vọng năm 2010 này nền kinh tế sẽ phát triển tốt hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ khả quan hơn.

Đồng vốn tất bật

Những ngày đầu năm, tại một công ty chứng khoán, hình ảnh những nhà đầu tư tất bật “vác” tiền chuyển vào tài khoản ít nhiều gây bất ngờ cho người quan sát. Bởi hai tháng nay nhiều người trên sàn đau đầu với câu hỏi nguồn tiền đã “trốn” đi đâu. “Tiền trong dân còn nhiều” - khẳng định của một chuyên gia kinh tế được thành viên trên diễn đàn trực tuyến kẻ đậm.

Trong khi đó, một tháng trước giờ đóng cửa năm 2009, chuyên viên phát triển sản phẩm ngân hàng nọ còn trăn trở với nhiệm vụ thiết kế một gói huy động sao cho hấp dẫn, kéo được nguồn tiền đó về phía mình. Chiều 5/1/2010, tại một phòng giao dịch của Ngân hàng Á Châu (ACB), ông khách bất ngờ khi được nhận khoản “tiền tươi” lộc đầu năm, kèm cuốn lịch năm mới, theo chính sách của ngân hàng đối với những khoản tiền gửi tái tục.

Cùng không phải ngẫu nhiên khi nhiều ngân hàng đồng loạt ra quân khuyến mại, thưởng vàng, tặng tiền đầu năm. Thời giữ chân khách khi khó cạnh tranh lãi suất, bởi Ngân hàng Nhà nước đã “bật đèn đỏ” ở mốc 10,5%/năm, các nhà băng đều áp sàn sàn nhau. Ở tình huống trên tại phòng giao dịch ACB, cô nhân viên ít nhất 3 lần xác minh khẳng định của khách hàng không rút tiền trước hạn. Ngân hàng đang cần sự khẳng định đó, nhất là khi đồng tiền đang trở nên năng động hơn.

Kinh tế đang phục hồi, đồng vốn càng tất bật. Tình cờ khi VnEconomy tìm hiểu thông tin, hầu hết các doanh nghiệp được hỏi đều đang gấp rút lên kế hoạch vay vốn. Vốn để khởi động cho năm sản xuất, kinh doanh mới; vốn tranh thủ gói hỗ trợ lãi suất 2% mà Ngân hàng Nhà nước vừa có thông tư hướng dẫn, tranh thủ lãi suất còn khá mềm khi nhiều dự báo tin rằng lãi suất cơ bản sẽ tăng tiếp thời gian tới; hay để chủ động hơn trong sản xuất khi lượng đơn hàng bất ngờ tăng cao ngay những ngày đầu năm…

Lo nhiều bề

Ngày 5/1, lô hàng đầu tiên trong năm 2010 của DHA Group với 51.000 chiếc áo sơ mi rời cảng sang Mỹ. Tổng giá trị của lô hàng này trên 250 nghìn USD, khởi động cho kế hoạch đạt mức tăng trưởng 30% của Công ty trong năm nay, tương đương doanh thu khoảng 4 triệu USD.

Tại Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), chuyến hàng đầu tiên của năm trị giá 2,5 triệu USD cũng đang chuẩn bị lên đường sang Nhật. Kế tiếp là kế hoạch khởi công dự án cao ốc văn phòng 11 tầng, 3.000 m2 tại Cát Linh (Hà Nội)…

Ông Trần Mạnh Cảnh, Phó tổng giám đốc Hapro, tin tưởng rằng năm nay hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty sẽ tốt hơn, đặc biệt là trong các kế hoạch phục hồi các thị trường xuất khẩu truyền thống, chiếm lĩnh thị trường nông thôn với sự hỗ trợ của cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.

Ông Nguyễn Văn Đô, Tổng giám đốc DHA Group, cũng cho biết năm nay sẽ đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất. Kế hoạch tuyển thêm 500 công nhân đang được xúc tiến; dự án thuê đất, mở xưởng mới tại Lương Tài (Bắc Ninh) dự kiến trong tháng 8/2010 sẽ hoàn thành.

Thế nhưng, ông Đô khá thận trọng khi cho rằng nền kinh tế năm 2010 cũng chỉ “nhỉnh” hơn năm 2009 vừa qua, bởi còn nhiều khó khăn. Và phải tới năm 2011 nền kinh tế mới có sự hồi phục thực sự.

Cũng như ông Đô, đại diện nhiều doanh nghiệp khác đều lo rằng năm nay lạm phát có thể tăng cao trở lại, và theo đó lãi suất sẽ tăng cao. “Lãi suất tăng là có khả năng, nhưng khó hơn là việc thích ứng với thay đổi chính sách. Vừa qua, tôi không nhầm thì người có thẩm quyền mấy lần khẳng định chưa điều chỉnh lãi suất cơ bản, đùng một cái tăng lên 8%”, lãnh đạo một doanh nghiệp nói.

Cụ thể hơn, ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bibica, cho biết khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào đang tăng từng ngày. Ngoài giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, một rủi ro phải dè chừng là biến động tỷ giá.

“Cả tháng nay tỷ giá USD/VND cố định ở một mức. Có lẽ ổng (Ngân hàng Nhà nước - PV) muốn phát một thông điệp bình ổn. Nhưng khó nói trước, bởi năm 2008 và 2009 những cú sốc 5% khiến các doanh nghiệp phải thận trọng hơn”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại bình luận.

Lo về những biến động của lãi suất, tỷ giá, nhưng ông Thiện lạc quan khi tin tưởng năm 2010 doanh nghiệp mình sẽ tiếp tục kinh doanh ổn định. Tín hiệu tốt mà ông cho biết là ngay những ngày đầu năm này, Công ty liên tiếp nhận được những hợp đồng giá trị lớn từ các nước như Campuchia, Cuba, Singapore, Philippines và lô hàng đầu tiên xuất khẩu trong năm 2010 sẽ tới thị trường Campuchia.

“Bibica đã có kế hoạch chủ động đối phó với những khó khăn nên năm 2010 chúng tôi dự kiến vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 30%, tương đương doanh thu trên 800 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng từ 1,5 triệu USD trong năm 2009 lên mức 3 triệu USD”, ông Thiện tự tin.

Ở lĩnh vực tài chính, nói về năm 2010, ông Trần Trung Tính, Phó giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), nhấn mạnh đến áp lực cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ và dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp với các cấp độ khác nhau.

Và nhìn chung, ông Tính tin tưởng thị trường tài chính nói chung và bảo hiểm nói riêng sẽ có một năm tăng trưởng mạnh hơn. Đó cũng là lý do để BIC lên kế hoạch triển khai loạt sản phẩm - dịch vụ mới, như khai thác các sản phẩm bảo hiểm trọn gói cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho các hộ gia đình; phát triển thêm các kênh phân phối mới qua Internet, điện thoại, ATM...

Cũng kỳ vọng vào một năm tốt hơn của thị trường tài chính, nhưng điều mà ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Thăng Long (TSC), dè chừng là… tin đồn. Bởi theo ông, hiện tượng tin đồn nở rộ trong năm 2009 đã tạo những ảnh hưởng xấu, có khi làm thay đổi cả định hướng phân tích và dự báo. Hay như cách nói vui của chuyên gia tài chính Lê Thẩm Dương, có khi một tin đồn có thể "hạ gục" cả những phân tích vĩ mô…

(Theo Vneconomy)

  • Doanh nghiệp nói gì về triển vọng kinh doanh 2010?
  • Nhập cuộc chơi khó để trưởng thành
  • “Hụt hơi” chạy đua với đại gia
  • Sàn Giao dịch Công nghệ & Thiết bị Hải Phòng: Lợi thế cho doanh nghiệp
  • Tháng 8/2010 khởi công Nhà máy hóa dầu Nghi Sơn
  • Dư âm từ sự kiện Google vẫn chưa lắng
  • Nokia tìm cách níu giữ thời hoàng kim
  • S-Fone nay sẽ phải “tự bơi”?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao