Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên"
Ngay khi manh nha có thông tin giá điện tăng vào đầu tháng 3, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, dịch vụ đã “đứng ngồi không yên” với bài toán điều chỉnh giá thành sản phẩm như thế nào để đảm bảo bù chi phí, trong khi vẫn giữ được tính cạnh tranh.
Ông Đinh Ngọc Đạm, Giám đốc công ty Cao su Đà Nẵng, cho biết hiện chi phí tiền điện trong sản xuất cao su chiếm đến 5 - 7% giá thành sản phẩm. Như vậy, khi giá điện chính thức tăng 6,8% vào tháng tới, doanh nghiệp sẽ phải tính đến phương án nâng giá các sản phẩm cao su lên trên dưới 5%.
Đại diện các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu như may mặc, giày da, thực phẩm... cũng cho hay, họ rất lo ngại việc giá nguyên nhiên liệu đầu vào như than, điện cùng “rủ nhau” tăng sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của hàng nội ngay trên sân nhà vì mức giá bị đội lên. “Trước đây, khi không bị sức ép về việc tăng giá thành sản phẩm, hàng nội cũng phải chật vật để tìm chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt. Nay, giá cả có nguy cơ tăng, không biết người tiêu dùng có quay lưng với hàng nội?”, ông Nguyễn Văn Tín, Giám đốc điều hành Công ty CP may Chiến Thắng lo ngại.
Ông Chu Thế Tường, Giám đốc nhà máy Hợp kim sắt, Công ty gang thép Thái Nguyên, tính toán: “Sắt thép là ngành có tỷ trọng điện năng được sử dụng trong sản xuất ở mức cao so với nhiều ngành công nghiệp khác. Với giá điện mới, chi phí sản xuất hằng tháng của doanh nghiệp sẽ đội lên khoảng hơn 300 triệu đồng, kéo theo giá thành sản phẩm buộc phải nâng lên tương đương 10%. Đồng thời, chúng tôi đang tìm mua nguồn than, phôi thép giá rẻ để hạn chế sử dụng điện năng, nhằm giảm lỗ cho nhà máy”.
Những ngành công nghiệp khác có mức sử dụng điện năng trong sản xuất tương đối cao như vật liệu xây dựng, giấy... cũng khẳng định, chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ phải điều chỉnh tăng thời gian tới. Theo ông Anh Tuấn, kế toán trưởng Công ty xi măng Bỉm Sơn, công ty chưa có kế hoạch điều chỉnh cụ thể nhưng nếu có tăng thì mức tối thiểu cũng phải 3 - 5%. Ông Tuấn cho rằng, Bộ Công thương quyết định tăng giá điện vào thời điểm này là không hợp lý. Thời điểm vừa qua Tết, giá cả hàng hóa đang dùng dằng giữa hai xu hướng: giữ nguyên mức cao vì khan hiếm hay giảm dần ngang với giá ngày thường. “Nếu giá điện tăng vào thời điểm này có khác nào góp gió thành bão, nhất là trong lúc giá xăng lại vừa tăng”, ông Tuấn nói.
Người dân "choáng váng"
Sau khi có thông tin giá điện sẽ tăng 6,8% vào thời gian tới, hầu hết người dân trên địa bàn Hà Nội đã tỏ ra khá lo lắng cho cuộc sống của mình. Với lương giáo viên cả hai vợ chồng mỗi tháng bốn triệu đồng, trừ tiền ăn học của hai con, vợ chồng anh Nguyễn Minh Tâm, phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) hầu như chỉ còn một nửa để trang trải cuộc sống gia đình. "Giá thực phẩm, giá xăng vừa qua Tết đã tăng rồi, nếu giá điện tăng thêm không biết vợ chồng tôi sẽ xoay sở thế nào", anh Tâm lo lắng.
Ngoài tiền điện ở nhà mỗi tháng đã vài trăm nghìn đồng, chị Nguyễn Thị Oanh (phường Định Công, quận Hoàng Mai), chủ một cửa hàng uốn tóc, đang "lo sốt vó" vì giá điện tăng. "Tiền thuê cửa hàng, tiền công nhân viên mỗi tháng đã hết gần 10 triệu đồng, nếu sắp tới giá điện tăng mà khách hàng không tăng có lẽ chúng tôi phải đóng quán vì tăng giá dịch vụ thì khách cũ có khi cũng... đi mất", chị Oanh phân trần.
Giá điện tăng ảnh hưởng nhiều nhất tới những người thuê trọ ở Hà Nội bởi họ không biết lần tăng giá chung này, các chủ trọ sẽ "hét" thêm đến bao nhiêu. Lâu nay, hầu hết các xóm trọ giá điện đã đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba so với giá chính thức của nhà nước. Chị Nguyễn Thị Trâm, công nhân Công ty Giày Thượng Đình, đang trọ tại làng Phùng Khoang (huyện Từ Liêm), nói: "Lương của tôi khoảng hơn một triệu đồng mỗi tháng, trước Tết đã phải dè sẻn lắm mới tiết kiệm được một chút, giờ điện tăng giá, chắc phòng tôi phải bán ti vi đi để đỡ tốn điện”, chị Trâm tâm tư.
Mùa hè năm nay có lẽ là mùa hè “nóng” nhất đối với nhiều sinh viên. Sinh viên Lê Công Sương, ĐH Bách Khoa Hà Nội, trọ tại đường Lương Định Của, phát “sốt” vì có tin chủ nhà thông báo sắp tăng giá điện từ 3.000 lên 3.500 đồng mỗi kw vào đầu tháng 3 tới. “Ngoài máy tính, phòng của em còn có rất nhiều thiết bị dùng điện như nồi cơm, ấm nước và quạt... Chắc hè này em sẽ phải hạn chế dùng vi tính và không nấu cơm nhiều tại phòng để dành điện cho quạt máy”, Sương băn khoăn.
Tuy chưa rõ giá điện sẽ tăng cụ thể bao nhiêu, nhưng rất nhiều chủ nhà trọ ở phường Trung Kính (Thanh Xuân), Mễ Trì (Từ Liêm), Định Công (Hoàng Mai), Triều Khúc (Thanh Trì)... cho biết, nếu giá điện nhà nước tăng thì các gia đình cũng phải tăng cho phù hợp, ngoài ra các chủ nhà trọ còn phải tính thêm chi phí hao hụt đường dây, điện bơm nước, điện thắp sáng cầu thang...
(Báo Đất Việt )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com