Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lận đận khởi sự doanh nghiệp phần mềm

Không ít doanh nghiệp phần mềm sau khi thành lập được một hai năm đã phải lặng lẽ đóng cửa. Những doanh nghiệp “trụ” được đa số cũng phải trải qua nhiều phen “sóng gió”…  

Ông Đinh Hải Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Tin học Bạch Kim, cho biết Bạch Kim đã trải qua những giai đoạn khó khăn, và đã từng phải định hướng lại chiến lược kinh doanh mới có thể tồn tại đến ngày hôm nay.  

Quyết vượt khó  

Ông Minh cho biết, sau khi làm việc tại Công ty Phần mềm FPT được vài năm, ông đã có ý tưởng làm những phần mềm đóng gói (phần mềm hoàn chỉnh bán sẵn) để cung cấp cho ngành giáo dục. Và Công ty Bạch Kim ra đời từ ý tưởng đó vào đầu năm 2005.  

Mặc dù sản phẩm do Bạch Kim cung cấp đáp ứng đúng nhu cầu đang thiếu của ngành giáo dục, nhưng ông Minh cho biết do công ty mới thành lập, chưa có tên tuổi nên việc kinh doanh rất khó khăn. Để có nguồn tài chính “nuôi” hoạt động thiết kế phần mềm đóng gói, công ty phải quay sang hướng gia công phần mềm và kêu gọi đồng nghiệp tham gia cổ phần để tiếp tục phát triển. Theo ông Minh đây là chiến lược “đi bằng hai chân” để vững vàng hơn, chờ cơ hội mà phần mềm đóng gói mang lại trong tương lai.  

Ông Minh kể, để thuyết phục được thị trường Nhật, các thành viên của Bạch Kim đã phải sang Nhật để vừa du học vừa tiếp cận khách hàng. Khó khăn lắm mới có được khách hàng đồng ý. Và sau khi hợp đồng gia công đầu tiên suôn sẻ, Bạch Kim đã có những khách hàng tiếp theo.  

Theo nhận định của ông Minh, hiện Bạch Kim đã vượt qua được một nửa những khó khăn của một doanh nghiệp mới thành lập. Hiện nay, hoạt động thương mại hóa sản phẩm là khâu yếu nhất của công ty.

“Để xây dựng một đội ngũ tiếp thị, bán hàng giỏi là rất khó. Bạch Kim đã thỏa thuận được với hàng chục công ty để họ làm đại lý tiêu thụ sản phẩm trên toàn quốc. Sau khi hệ thống đại lý được hình thành, lượng sản phẩm được tiêu thụ đã tăng gấp đôi sau mỗi năm,” ông Minh cho biết.  

Ông Minh còn cho hay không chỉ dừng lại ở đó, thời gian tới Bạch Kim sẽ tham gia phát triển dịch vụ trang web, xây dựng mạng xã hội 2.0 để giáo viên các trường có thể chia sẻ giáo trình, bài giảng… để thông qua đó có thể quảng bá thương hiệu, hỗ trợ cho việc tiêu thụ sản phẩm. Còn về lâu dài công ty có thể tính đến việc thu phí trên dịch vụ trang web khi đã có nhiều người sử dụng.  

Ra đời vào tháng 7/2006, Công ty Tin học Giải pháp tích hợp mở (iNet Solutions) là một doanh nghiệp định hướng chuyên biệt phát triển các sản phẩm, dịch vụ phần mềm trên nền tảng phần mềm nguồn mở. Đến nay, iNet Solutions đã được đầu tư khoảng bốn tỷ đồng.  

Ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc iNet Solutions, cho biết trong hai năm qua iNet Solutions đã gặp không ít khó khăn trong việc khẳng định uy tín của một doanh nghiệp mới cũng như thuyết phục người sử dụng.

“Phần mềm nguồn mở vẫn là một khái niệm còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên việc thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ và sản phẩm là rất khó. iNet Solutions đã phải đầu tư khá tốn kém để phát triển sản phẩm rồi cung cấp miễn phí hoặc tiếp cận những khách hàng dễ tính để thuyết phục họ sử dụng,” ông Hiền cho biết.  

Đến tháng Tư vừa qua, khi tình hình tiêu thụ sản phẩm vẫn còn khó khăn, một số cổ đông của iNet Solutions cho rằng công ty không nên tiếp tục đầu tư phát triển các giải pháp nữa mà nên bán lại cho các doanh nghiệp khác. Thuyết phục không được, ông Hiền đã bỏ tiền mua lại cổ phần của các cổ đông này.

Theo ông Hiền, đến nay iNet Solutions đã vượt qua được 80% các khó khăn mà một doanh nghiệp phần mềm mới gặp phải. “Hiện công ty vẫn còn một số khó khăn. Song , tôi chấp nhận theo đuổi trong vài năm nữa và cố gắng thành công,” ông Hiền nói.  

Ông Hiền cũng nhận định cơ hội kinh doanh sản phẩm, dịch vụ dựa trên phần mềm nguồn mở đang đến. Đây sẽ là một hướng kinh doanh tốt vì nguồn mở là tương lai của phần mềm. Năm 2009 sẽ là cơ hội khẳng định và thị trường sẽ tốt cho phần mềm nguồn mở. Tại Việt Nam, thị trường công nghệ thông tin mới bắt đầu phát triển, nên nguồn mở chắc chắn sẽ tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong tương lai  

Cho thuê phần mềm  

Công ty ADSoft-Corp., chuyên cung cấp giải pháp phần mềm du lịch ngay từ khi thành lập vào đầu năm 2006 đã gặp khó khăn trong cạnh tranh với sản phẩm ngoại, có tên tuổi và đã thâm nhập vào thị trường từ nhiều năm nay.

Hơn nữa, vào năm 2006, các khách sạn lớn ở Việt Nam chưa có nhiều như hiện nay và thói quen sử dụng phần mềm rẻ tiền hoặc miễn phí là phổ biến… Do đó, ADSoft-Corp. đã rất khó khăn khi tiếp cận với khách hàng  

Để khắc phục, ADSoft-Corp. đã nghiên cứu các sản phẩm phần mềm ngoại và tìm hiểu kỹ thực tế của ngành du lịch tại Việt Nam để thiết kế các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Cùng lúc, công ty đã phải dành thời gian tiếp cận để làm thay đổi quan điểm của người sử dụng phần mềm. Bên cạnh đó, công ty còn xây dựng đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và thạo việc để triển khai sản phẩm.

Theo ADSoft-Corp., nhân sự là vốn quý của doanh nghiệp phần mềm, hơn cả vốn liếng. “Công ty phần mềm chưa hẳn cần nhiều vốn như các công ty ở lĩnh vực khác, mà điều cần nhất là quy tụ được nhân tài, vì vốn đầu tư cho phần mềm là bộ óc,” ông Bùi Đức, Giám đốc ADSoft-Corp., khẳng định.  

Ông Đức cho biết công ty đã xây dựng một chính sách bán hàng linh động và cung cấp những dịch vụ hoàn toàn mới như cho thuê phần mềm. Trước kia, các doanh nghiệp phải đầu tư một khoản kinh phí khá lớn để trang bị phần mềm thì giờ đây có thể thuê phần mềm của ADSoft-Corp. để tiết kiệm.

Khách hàng có thể sử dụng các tính năng của sản phẩm phần mềm thuê này như khi mua, nhưng lại chỉ phải trả phí thuê bằng 30-50 %. Chương trình cho thuê phần mềm này đã được khách hàng đón nhận khá tốt.  

Cần một sự gắn kết…  

Theo nhận định của một chuyên gia, nhiều doanh nghiệp phần mềm khi thành lập chỉ chú trọng vào ý tưởng công nghệ chứ chưa chú ý đến các yếu tố vốn hay phương án kinh doanh. Chính vì vậy, khi bắt tay vào hoạt động thì sự gắn kết giữa hoạt động công nghệ và kinh doanh thường chưa được tốt.  

Ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (Vinasa), cho biết thường các doanh nghiệp phần mềm có quy mô nhỏ, chỉ vài chục người hoặc thậm chí vài người.

Các thành viên trong doanh nghiệp chủ yếu “xuất thân” là dân công nghệ nên có phương án kinh doanh và dự báo thị trường chưa khả thi lắm. Chưa kể tới việc các doanh nghiệp mặc dù nhỏ nhưng lại không muốn liên kết hoặc sáp nhập với nhau để tăng sức cạnh tranh.

Công nghệ cao là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm nên nguy cơ rủi ro và những khó khăn của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực phần mềm sẽ thường cao hơn các ngành khác và là điều không thể tránh khỏi.

(theo Thời báo kinh tế Việt nam)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao