Khách tham quan một hội chợ đồ gỗ vừa được tổ chức ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam như đang “ngồi trên lửa” vì Đạo luật Lacey của Mỹ (cấm buôn bán gỗ bất hợp pháp) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-4-2010. Trong khi đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) đang cùng các chuyên viên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gấp rút… dịch đạo luật này sang tiếng Việt. “Bò mất đến nơi rồi, nhưng vẫn chưa có chuồng!”, đại diện một doanh nghiệp ngao ngán nói về sự chậm trễ và bị động của các cơ quan quản lý nhà nước trong ngành gỗ.
Còn bị động... Nhằm giải quyết nạn khai thác gỗ trái phép và buôn bán gỗ bất hợp pháp, nội dung của Luật Lacey bao gồm việc cấm buôn bán gỗ và các sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp trên toàn nước Mỹ và những quốc gia khác trên thế giới. Các nhà nhập khẩu sản phẩm gỗ vào Mỹ buộc phải khai báo nguồn gốc, quốc gia khai thác và tên cây gỗ trong thành phần sản phẩm. Các cơ quan được chỉ định thực thi luật này của Mỹ sẽ tịch thu hàng hóa, tàu chở hàng, phạt tiền và bắt giam khi những giao dịch thương mại của ngành gỗ vi phạm Luật Lacey. Dù luật sắp có hiệu lực, nhưng đến đầu tuần này, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có thông tin đầy đủ cũng như những hướng dẫn cụ thể khi xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ. Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Công ty Sadaco, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết hiện các cơ quan quản lý nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp thực thi luật này. Việt Nam và Mỹ cũng chưa thống nhất được cơ quan có nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ sau ngày 1-4. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Vietfores, cho biết hiệp hội đang khẩn trương biên dịch nội dung và hướng dẫn của Luật Lacey sang tiếng Việt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kết hợp cùng Vietfores và các bộ ngành khác thành lập tổ công tác quốc gia nhằm giúp đỡ doanh nghiệp thực thi những quy định của Luật Lacey và Luật Flegt (những quy định tương đương với Luật Lacey, có hiệu lực từ tháng 1-2012). Dự kiến đến đầu tháng 4-2010, công đoạn dịch thuật sẽ hoàn tất. Trong tháng 5-2010, Vietfores mới tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp ngành gỗ những thông tin cần thiết để áp dụng trong quá trình mua nguyên liệu và sản xuất, xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, ông Quyền thừa nhận là “không dễ dàng thực hiện những công việc nói trên”. Hiện Vietfores vẫn chưa có đầy đủ tài liệu liên quan đến Luật Lacey áp dụng cho ngành gỗ Việt Nam dù hiệp hội đã đề nghị những công ty luật đối tác của Vietfores cung cấp. Doanh nghiệp lo... Bà Trịnh Phan Hồng Minh, Trưởng đại diện văn phòng SAA Products (Hồng Kông) tại Việt Nam, chuyên mua đồ gỗ xuất khẩu, cho biết hiện chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp gỗ trong nước có thể đáp ứng được những điều kiện của Luật Lacey và Luật Flegt. “Điều này gây nhiều trở ngại cho chúng tôi trong quá trình tìm những nhà cung cấp đồ gỗ xuất khẩu ở Việt Nam”, bà Minh nói. Bà cho biết kinh nghiệm của SAA Products là chỉ mua hàng của những doanh nghiệp lớn ở Việt Nam có chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council), chứng chỉ rừng trồng do chính hội đồng này quản lý. Luật Lacey có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng những lô hàng xuất khẩu sang Mỹ đang trên đường đi sẽ vướng phải đạo luật này. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều chi phí phát sinh như phí tàu bè, lưu kho, chiếm dụng cảng... khi lô hàng cập cảng sau ngày 1-4. Nhà nước cần sớm có thông tin hướng dẫn cho doanh nghiệp chuẩn bị những công đoạn, lộ trình cần thiết nhằm thực thi luật hiệu quả. Cụ thể, đồ gỗ Việt Nam vào thị trường Mỹ cần đáp ứng những tiêu chí cụ thể nào? Có bao nhiêu tiêu chí? Chưa kể Luật Lacey có thể thay đổi khác nhau ở mỗi bang của Mỹ. Việc thực thi đạo luật, nếu làm không khéo, có thể bị biến tướng thành cơ chế “xin - cho” giấy chứng nhận và làm ngưng trệ toàn bộ hoạt động xuất khẩu gỗ của doanh nghiệp Việt Nam”. Ông Mạnh đề xuất: để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào Mỹ, nên để hiệp hội cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp hội viên. HAWA đang kiến nghị với Nhà nước chấp thuận phương án tạm thời này, trong khi chờ hướng dẫn thực hiện Luật Lacey. Theo đó, giấy chứng nhận cấp cho doanh nghiệp hội viên dựa trên mối liên kết giữa hiệp hội ngành gỗ trong nước và các hiệp hội nước ngoài. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp nhập gỗ từ New Zealand, Hiệp hội Gỗ New Zealand sẽ cấp cho doanh nghiệp Việt Nam giấy chứng nhận nhập khẩu gỗ có nguồn gốc xuất xứ rừng trồng từ quốc gia này. Sau khi lô hàng nhập khẩu về đến Việt Nam, hiệp hội gỗ ở trung ương và địa phương sẽ cấp giấy chứng nhận nguồn gốc gỗ hợp pháp được khai thác từ rừng trồng, trên cơ sở giấy chứng nhận của Hiệp hội Gỗ New Zealand. “Chỉ có cách này mới có thể không gây cản trở hay ách tắc các lô hàng đang trên đường xuất khẩu sang Mỹ”, ông Mạnh nói. Còn hy vọng? Trước những mối lo của doanh nghiệp, Vietfores cho rằng trên lý thuyết, Luật Lacey có hiệu lực từ ngày 1-4-2010, nhưng nhiều khả năng Mỹ sẽ kéo dài thời gian thực thi luật đến cuối năm 2010. Theo ông Quyền, “hiện vẫn chưa có văn bản của phía Mỹ chính thức gửi cho Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tuân thủ Luật Lacey vào ngày 1-4”. Một lý do khác, theo ông Quyền, “vẫn chưa có những mẫu đơn kê khai mà Vietfores yêu cầu những công ty luật, đối tác của Vietfores tại Mỹ cung cấp, nhằm giúp doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ kê khai các mục theo yêu cầu của Luật Lacey”. Nếu những lô hàng của doanh nghiệp không thể thông quan vào thị trường Mỹ sau ngày 1-4, hiệp hội và Bộ Công Thương sẽ can thiệp cho doanh nghiệp. Trong thời gian chưa chuẩn bị xong hướng dẫn thực hiện Luật Lacey, bộ sẽ có văn bản khiếu nại gửi đến các cơ quan hữu quan của Mỹ nếu doanh nghiệp gặp khó khăn. “Giải pháp này đã được các luật sư Mỹ tư vấn, vì doanh nghiệp Việt Nam chưa được hướng dẫn những nội dung của Luật Lacey”, ông Quyền nói. Nhiều chuyên gia trong ngành gỗ khuyến cáo, trong khi chưa có những hướng dẫn thực hiện Luật Lacey, FSC là chứng chỉ quan trọng để đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Doanh nghiệp cần lưu ý và ưu tiên chọn những quốc gia có FSC để mua gỗ nguyên liệu. Vietfores cũng đã có những cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và một số quốc gia xuất khẩu gỗ nguyên liệu để tìm những chứng chỉ tương đương với FSC có giá trị quốc tế. Ví dụ, doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Malaysia vẫn có chứng chỉ FSC của Malaysia được quốc tế công nhận. Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đang giúp Việt Nam lên danh mục những quốc gia xuất khẩu gỗ nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp và có chứng chỉ rừng được quốc tế công nhận, nhằm giảm thiểu rủi ro cho những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ ở Việt Nam.Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ trung bình mỗi năm đạt khoảng 1 tỉ đô la Mỹ, thị trường EU ở mức 600 triệu đô la Mỹ. Hai thị trường này chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ mỗi năm. Theo Vietfores, hiện cả nước có trên 2.500 doanh nghiệp gỗ, khoảng 600 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, nhưng chỉ có khoảng 190 doanh nghiệp có chứng chỉ FSC.
(Theo Sơn Nghĩa // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com